“Cán bộ khuyến nông phải miệng nói tay làm”

08:25, 17/08/2012

Đó là lời tâm sự của chị Dương Thị Chai, Phó Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên. Với sự nhiệt tình, năng động, trong những năm qua, chị đã cùng đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Cùng chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa đang chuẩn bị bị nhiễm sâu cuốn lá, chị nhận định: “Đây là diện tích lúa phun không đúng loại thuốc nên sâu bệnh không chết. Tôi đã bảo bà con đem trả loại thuốc đó và mua thuốc khác về phun”. Nói rồi chị xuống ruộng nhổ từng khóm lúa lên để kiểm tra tình hình sâu bệnh. Lúc đó, tôi trông chị chẳng khác gì 1 người nông dân đang lo lắng cho diện tích lúa của nhà mình. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chị Chai về công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phổ Yên. Tại đây, chị đã vận dụng những kiến thức đã học được trong trường vào thực tế. Được tham gia nhiều mô hình đa dạng thuộc các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp chị tiếp cận với thực tế, tiếp thu, học hỏi nhiều kinh nghiệm.

 

Không quản ngại nắng mưa, chị lặn lội bám sát ruộng đồng, trăn trở tìm cách phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng với nông dân. Đến năm 2001, chị theo học Thạc khoa học nông nghiệp. Năm 2004, chị được bổ nhiệm chức Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, năm 2008, chị cùng các đồng nghiệp đã thực hiện Dự án Xây dựng mô hình sản xuất giống lúa nguyên chủng. Chị tâm sự: Nhận thấy sau mỗi mùa vụ, người dân có nhu cầu về giống rất nhiều và tiền mua thóc giống thường rất cao. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu và cùng các anh chị em trong Trạm mạnh dạn thực hiện Dự án để tạo ra nguồn giống tốt cung ứng cho sản xuất của bà con, góp phần giảm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất. Dự án được thực hiện với diện tích trên 120ha tại 2 xã Trung Thành và Tân Phú. Khi bắt tay vào làm, tôi và các anh chị em đã trực tiếp đi hướng dẫn, giám sát người dân từ các khâu gieo mạ, cấy lúa, bón phân, phun phòng trừ sâu bệnh… sao cho hợp lý, đúng thời điểm.

 

Kết quả, năm 2010, sau khi kết thúc, Dự án đã sản xuất được 690 tấn thóc nguyên chủng giống Khang Dân, U17 và HT6 đạt Tiêu chuẩn Việt Nam. Sản lượng thóc bán cho các đơn vị thu mua là 339 tấn, thu lãi 395 triệu đồng so với sản xuất thóc thường. Thấy hiệu quả, 2 xã nói trên tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa giống được hơn 30ha. Các xã Minh Đức, Hồng Tiến, Đắc Sơn… bà con nông dân cũng đã học hỏi kinh nghiệm, triển khai mô hình sản xuất lúa giống với 40ha.

 

Nhiều lần tiếp xúc với chị Chai, chúng tôi đều thấy, phần lớn thời gian làm việc chị dành đi cơ sở để kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây trồng, tiến độ thực hiện các mô hình, ô mẫu, giải quyết những vấn đề vướng mắc về kỹ thuật. Chị nói: Công việc của chúng tôi lúc nào cũng bận rộn vì ngoài thực hiện các Dự án, chúng tôi còn chỉ đạo triển khai các mô hình trình diễn và hướng dẫn sản xuất đại trà theo khung thời vụ. Khi kết thúc thời vụ thì tiến hành tổng kết các mô hình và xây dựng kế hoạch cho vụ mới. Điều thuận lợi đối với chúng tôi là anh chị em trong Trạm đều năng động, tâm huyến và vững về chuyên môn. Ngoài ra, chồng và các con của chị cũng luôn ủng hộ, chia sẻ và tạo điều kiện để chị hoàn thành tốt công việc của mình.

 

Ngoài thực hiện Dự án Xây dựng mô hình sản xuất giống lúa nguyên chủng, chị Chai còn cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiều dự án, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân, như: Dự án phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại; Dự án chọn lọc và phát triển đàn trâu; Dự án xây dựng mô hình thâm canh dê... Chia sẻ kinh nghiệm để thành công trong công việc, chị nói: Đối với người làm công tác khuyến nông, để đạt được hiệu quả công việc thì phải bám sát cơ sở, miệng nói, tay làm. Qua tiếp xúc trực tiếp với bà con, với đồng ruộng thì mới biết có loại sâu bệnh gì đang tiến triển, nông dân cần tập huấn những nội dung gì, từ đó xây dựng kế hoạch tập huấn cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chủ động nghiên cứu những mô hình mới, khoa học kỹ thuật mới để tham mưu cho huyện tổ chức tập huấn chuyển giao, xây dựng mô hình trình diễn các ô mẫu và áp dụng ở nơi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.

 

Với những đóng góp, chị Chai đã trở thành người cán bộ gần dân và nhận được sự tin yêu của bà con.