Khi lòng dân đồng thuận

09:46, 17/08/2012

Chỉ trong vòng hơn hai tháng (từ tháng 4 đến tháng 6), 92 hộ dân trong 9 xóm thuộc xã Dương Thành (Phú Bình) đã hiến gần 1.900m2 đât (trong đó có gần 900m2 diện tích là đất lúa) và tài sản, hoa màu trên đất tổng trị giá gần 300 triệu đồng cho nhà thầu thi công công trình mở rộng đường vào cụm di tích đình, chùa Viễn, đền Đót và nghè Mét. Thậm chí có 3 hộ dân ở xóm Núi 1 và Núi 3 đã tình nguyện hiến 900m2 đất lúa cạnh đình, chùa Viễn để khuôn viên cụm di tích vuông vắn, đẹp đẽ…

Có mặt tại cụm di tích trên vào một ngày giữa tháng 8, chúng tôi được chứng kiến không khí thi công khẩn trương của nhà thầu. Hiện nay, nhà thầu đã tiến hành xong việc san lấp đất ruộng, đang chuẩn bị thi công các hạng mục tiếp theo. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cụm di tích đình, chùa Viễn, đền Đót và nghè Mét, thuộc làng Núi được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cuối năm 2011. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương, là nơi tưởng niệm vị anh hùng Dương Tự Minh. Nơi đây cũng ghi dấu sự kiện lịch sử của quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sự hình thành và phát triển của Đảng bộ và chính quyền xã Dương Thành. Xác định được vai trò quan trọng của việc trùng tu, tôn tạo di tích nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào của các thế hệ đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ quê hương. Đồng thời để khai thác và phát huy giá trị di tích thắng cảnh gắn với phát triển du lịch phía Nam huyện nên xã đã lập kế hoạch trình UBND huyện năm 2011 và được phê duyệt công trình mở rộng đường từ UBND xã đến cụm di tích với chiều dài gần 1km với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng (50% trích từ ngân sách xã, 50% từ ngân sách huyện), cùng với đó là hệ thống kênh mương trải dọc tuyến đường có giá trị hơn 1 tỷ đồng (100% ngân sách của huyện).

 

Được biết, con đường rộng trên 7m (còn lại khoảng 2m kênh mương) từ kênh số 4 (còn gọi là khu vực Bãi Đạo) đến cụm di tích sẽ ảnh hưởng tới đất lúa và vườn tạp của gần 100 hộ dân ở 9 xóm là: Phẩm 1, 2, 3; Núi 1, 2, 3, 4; Tiến Bộ, Xúm. Ngay sau khi triển khai kế hoạch, xã đã thành lập Ban Vận động nhân dân hiến đất làm đường gồm 26 người, trong đó có các đồng chí thuộc cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã và các trưởng xóm, bí thư 9 xóm trong diện ảnh hưởng. Ban vận động chia thành 3 tổ về tuyên truyền, vận động nhân dân ở các cụm dân cư. Hiểu được tuyến đường mở rộng vào cụm di tích có ý nghĩa quan trọng trong việc sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh cộng đồng và phục vụ sản xuất nên các hộ dân đều đồng thuận. Trong 9 xóm thì Núi 4 có nhiều hộ dân hiến đất với diện tích nhiều nhất (29 hộ hiến 1.254m2), sau đó là xóm Núi 3 (22 hộ hiến gần 1.100m2). Một số hộ hiến nhiều diện tích có thể kể đến như: Nguyễn Văn Dũng 196m2, Nguyễn Thị Lan 138m2…

 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng xóm Núi 4 cho biết: Cụm di tích thuộc địa phận xóm chúng tôi. Lâu nay, các dịp lễ, Tết, nhân dân tổ chức hội xuân, để ra đó thắp hương, làm lễ bà con đều phải đi trên bờ ruộng qua cánh đồng lúa rất bất tiện. Vì vậy, khi biết tin huyện và xã đầu tư mở rộng con đường này nhân dân rất phấn khởi. Quá trình tuyên truyền, vận động bà con hiến đất của chúng tôi cũng dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, có một số hộ do diện tích canh tác ít, đời sống còn nhiều khó khăn vì chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp nên họ băn khoăn khi bị mất nhiều ruộng. Trước tình trạng này, xóm đã họp bàn và huy động mỗi hộ đóng góp 30 nghìn đồng để hỗ trợ những nhà thuộc diện đặc biệt bị mất đất (xóm có trên 110 hộ). Số tiền này xóm trích 3 triệu đồng hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Chén (bị mất 108m2 đất lúa). Còn hai gia đình anh Nguyễn Văn Dũng (bị ảnh hưởng 280m2) và bà Nguyễn Thị Đáp (bị ảnh hưởng 381m2 đất lúa) đều đông con, hoàn cảnh khó khăn (gia đình bà Đáp có chồng là nạn nhân chất độc da cam), gia đình tôi đã hiến 140m2 đất; gia đình đảng viên Nguyễn Văn Lệ đã hiến 192m2 đất để bù một phần diện tích cho họ gieo cấy. Còn lại các hộ khác đều tự nguyện hiến đất, người ít cũng 10m2, người nhiều là gần 200m2 đất lúa.

 

Còn ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Núi 3 cho hay: Cũng với cách làm tương tự như xóm Núi 4, ngay sau khi xã triển khai kế hoạch, xóm tôi đã họp bàn với các hộ dân nêu mục đích, ý nghĩa của việc làm con đường và hệ thống kênh mương. 8 cán bộ các đoàn thể và đảng viên của xóm cũng đã gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất nên nhận được sự đồng thuận rất cao và noi theo của nhân dân. Trong đó đồng chí Trưởng xóm là Nguyễn Văn Nghị cũng đã tự nguyện bỏ ra 70m2 đất lúa của gia đình hỗ trợ cho gia đình Dương Văn Thành (thuộc diện bị ảnh hưởng 115m2 đất lúa) để sản xuất…