Thấy gì qua thực hiện quy hoạch từ một số dự án?

09:42, 23/08/2012

Hiện nay, toàn tỉnh có 15 đô thị, trong đó, thành phố Thái Nguyên (TPTN) là đô thị loại I, thị xã Sông Công là đô thị loại III, 13 đô thị là các thị trấn, huyện lỵ và thị trấn trực thuộc.  Riêng  TPTN tỷ lệ đô thị hóa đã đạt trên 70%.  Tuy nhiên, bên cạnh sự đổi thay đáng kể về diện mạo đô thị thì việc thực hiện quy hoạch đang còn nhiều bất cập.

Trong những năm qua, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh không ngừng được phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị (điện, cấp nước, thoát nước, trồng cây xanh…) đã được nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang thường xuyên, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhiều công trình kiến trúc mới, đặc biệt, sự góp mặt của các dự án đầu tư góp phần chỉnh trang kiến trúc, môi trường đô thị. Chất lượng cuộc sống người dân đô thị được nâng lên so với trước. Kết quả đó phần nào đã khẳng định công tác quy hoạch (QH) và quản lý QH xây dựng đã có những chuyển biến tích cực.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện QH phát triển hệ thống đô thị tỉnh còn bất cập: do năng lực đội ngũ làm công tác quản lý QH, quản lý xây dựng, quản lý đô thị còn hạn chế, nên có những dự án tính khả thi không cao, chỉ mang tính trước mắt, không có tính dài hơi. Trong quá trình thực hiện QH, thiếu đồng bộ, sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị (huyện, xã, tỉnh đơn vị tư vấn) chưa chặt chẽ nên còn hiện tượng chồng chéo một số đồ án QH. Công tác QH, phát triển nhà ở xã hội mới thực hiện ở khâu QH,  chưa cụ thể trong các dự án, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Công tác quản lý kiến trúc, không gian đô thị còn nhiều hạn chế, thiếu QH chi tiết.

 

QH hạ tầng khung chưa được quan tâm đúng mức, xu hướng chung vẫn là chú trọng xây dựng, triển khai QH chi tiết nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt. Trong công tác tư vấn QH, chất lượng một số đồ án thấp do năng lực các đơn vị tư vấn hạn chế; chất lượng lập QH chưa tốt dẫn đến: đất hệ thống công trình công cộng, dịch vụ công cộng, cây xanh công viên thể thao không đảm bảo tỷ lệ theo quy chuẩn; các đô thị thiếu hệ thống cấp thoát nước, thiếu QH nghĩa trang; tình trạng ô nhiễm môi trường là phổ biến… Cũng do tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế làm cho một số nhà đầu tư không có nguồn vốn để triển khai dự án; chậm giải phóng mặt bằng; thậm chí thay đổi quy hoạch.Từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý và thực hiện QH. Nhiều khu vực đô thị, khả năng thu hút đầu tư xây dựng lớn nhưng chưa có QH hoặc chưa có QH phân khu, làm chậm cơ hội đầu tư và phát triển đô thị...

 

Theo ông Phạm Bình Định, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: 6 tháng đầu năm nay, Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra tại khu dân cư (KDC) số 9, phường Gia Sàng, TPTN do CTCP Vận tải Xây dựng và Thương mại Hoàng Minh làm chủ đầu tư cho thấy, Công ty không đủ năng lực tài chính và điều kiện thực hiện dự án nhưng vẫn được cấp có thẩm quyền phê duyệt dẫn đến sai phạm.

 

Ví dụ: theo dự án được duyệt, với diện tích 6,5 ha được QH xây dựng các căn hộ liền kề và các căn hộ nhà ở có sân vườn trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về không gian, kiến trúc hài hòa tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống người dân trong KDC. Nhưng trên thực tế, có 6 lô đất liền kề, chỉ xây 1 nhà vườn; hoặc 3 lô đất liền kề chỉ xây 1 nhà; hoặc có lô đất còn xoay hướng; từ đó dẫn đến phá vỡ mặt bằng xây dựng tổng thể KDC.

 

Hoặc, qua kết luận thanh tra của Sở Xây dựng từ năm 2008, tại KDC số 8 phường Phan Đình Phùng, theo QH được duyệt thì KDC có diện tích sử dụng 15.195 m2, gồm xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, các khu nhà ở liền kề (16 căn hộ) và các khu biệt thự (81 căn hộ nhà vườn) để kinh doanh. Dự án triển khai từ năm 2006 đến năm 2010 kết thúc. Song qua thanh tra cho thấy:  Số lô đất để xây dựng các căn hộ liền kề và các biệt thự là 97 lô, trong đó có 17 lô chưa thực hiện xong việc đền bù và giải phóng mặt bằng. Có 26 căn nhà được xây dựng trên 38 lô đất, trong đó có 6 lô đất liền kề xây 1 căn nhà; 4 lô đất liền kề xây 1 căn nhà; ba hộ xây 1 căn nhà trên 2 lô đất liền kề. Các căn nhà xây gồm nhiều kiểu, hình thức kiến trúc khác nhau, cao độ nền nhà, chiều cao tầng và chiều cao giữa các tầng, khoảng lùi không thống nhất. Không có dãy nhà liền kề có sân vườn theo mặt bằng tổng thể. Cho đến thời điểm này, dự án đã đi vào sử dụng nhưng hệ thống hạ tầng không đáp ứng, gây bức xúc lớn cho người dân.

 

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chánh Thanh tra, Sở Xây dựng, nhìn chung, các chủ đầu tư đã buông lỏng công tác quản lý QH kiến trúc trong quá trình thực hiện dự án của mình. Không riêng gì các dự án nêu trên mà hầu hết các KDC hiện nay đều phá vỡ QH, xây dựng “lôm nhôm”, dang dở, hạ tầng không hoàn thiện nên không bán được đất, gây lãng phí đất đai. Những hộ dân đã mua rồi không muốn xây dựng hoặc có KDC đã đưa vào sử dụng nhưng cuộc sống người dân vẫn bị ảnh hưởng lớn vì không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng”.

 

Đi đôi với việc thực hiện xây dựng không đúng với QH, qua thanh tra các dự án: đầu tư xây dựng công trình hạ tầng KDC số 7A, phường Túc Duyên; KDC số 2 phường Đồng Quang; dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp đường Phủ Liễn… còn phát hiện  mỗi dự án đều có sai phạm về chất lượng hồ sơ thiết kế; hoặc đấu thầu thi công xây lắp công trình; hoặc quản lý chất lượng công trình không tốt.  Ngoài ra, một số nhà đầu tư do không đủ năng lực tài chính dẫn đến triển khai dự án chậm làm ảnh hưởng lớn đến định hướng, kế hoạch phát triển đô thị đã đề ra (có 5 dự án).

 

Phát triển hệ thống đô thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc  CNH-HĐH đất nước nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế- xã hội. “Bộ mặt đô thị là chân dung đích thực của một xã hội, một địa phương, một đất nước”, từ thực tế trên, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án QH, quản lý thực hiện đầu tư theo QH được duyệt nhằm góp phần cải thiện hơn nữa diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, thiết nghĩ tỉnh nên tiếp tục rà soát các dự án KDC, khu đô thị nếu chủ đầu tư kéo dài tỉnh cũng nên có biện pháp thu hồi đất, hoặc chuyển giao cho nhà đầu tư khác thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện QH. Đồng thời, sớm ban hành quy chế quản lý các khu đô thị, KDC là rất cần thiết. Đặc biệt là vấn đề chuyển giao các hạng mục công trình của KĐT, KDC cho các cơ quan chức năng để quản lý sau khi dự án hoàn thành.

 

Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ làm công tác QH, quản lý QH đáp ứng với sự phát triển các đô thị. QH luôn phải đi trước một bước, song thời gian qua, mặc dù việc bố trí nguồn kinh phí cho công tác thực hiện các dự án QH đã cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng với thực tế: Năm 2010 nhu cầu cần đến trên 30 tỷ đồng cho 9 dự án, nhưng mới được cấp gần 4 tỷ đồng; năm 2011 nhu cầu cần gần 36 tỷ đồng cho 9 dự án, mới được cấp gần 16 tỷ đồng; năm 2012 nhu cầu cần trên 32,7 tỷ đồng cho 8 dự án, từ đầu năm đến nay chưa được cấp đồng nào). Đây cũng là vấn đề tỉnh cần quan tâm hơn để ngành chức năng thực hiện lập các dự án QH làm cơ sở triển khai QH theo định hướng phát triển của tỉnh.

 

Ông Nguyễn Đông Giang, ở KDC số 8, Tổ 14, phường Phan Đình Phùng, TPTN: KDC đã đưa vào sử dụng hơn một năm nay nhưng thực trạng hạ tầng rất kém. Hiện tại, hệ thống cống thoát nước không đảm bảo nên cứ mưa to là ngập. Đường điện thắp sáng không an toànt; có bóng điện lúc sáng, lúc không. Vệ sinh môi trường không đảm bảo do gạch lát vỉa hè không có xi măng nên cỏ mọc um tùm.  .

 

Ông Hoàng Xuân Đính, Tổ trưởng Tổ Dân phố 15, phường Phan Đình Phùng: KDC số 9  hiện đang trong quá trình thi công nhưng đã bộc lộ yếu kém, hệ thống cống sử dụng ống tròn là không phù hợp, rất khó sửa chữa và nạo vét khi bị úng, tắc sau này. Đường thoát nước trong KDC xây thấp hơn đường ra, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần và đề xuất phương án để giải quyết hợp lý  nhưng cho đến nay vẫn chưa khắc phục.