Nguồn vốn “tiếp sức” cho học sinh viên

08:48, 21/09/2012

Vào thời điểm này, các trường chuyên nghiệp đang chiêu sinh đến trường, vì vậy, Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) cũng bắt đầu triển khai cho vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) đợt 1 của năm học mới 2012-2013 nhằm tạo điều kiện cho HSSV thuộc các đối tượng hộ nghèo, gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, hỏa hoạn… có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Khi tôi có ý định tìm hiểu về việc triển khai cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay vốn tín dụng ở Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Phú Bình, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc PGD đã mời tôi xuống xã Tân Hòa, nơi Ngân hàng đang giải ngân cho hộ gia đình HSSV vay vốn. Không khí ở đây thật tấp nập, nhộn nhịp; trên gương mặt mọi người đều lộ rõ vẻ vui mừng. Chị Đỗ Thị Lan, ở xóm Hân, trò chuyện với chúng tôi mà cứ rơm rớm nước mắt vì cảm động, chị bảo: “Nhà tôi chỉ có 5 sào ruộng 4 đứa con đang tuổi ăn học, trong đó có 1 cháu đang học cao đẳng, 1 cháu vừa thi đỗ đại học. Hai vợ chồng suốt ngày đi làm thuê đầu tắt mặt tối cũng chẳng đủ ăn. Thật may, khi được Ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay HSSV với lãi suất ưu đãi nên tôi không còn lo lắng khi cho cháu đi học nữa”.

 

Qua nghe một cán bộ Ngân hàng giới thiệu về gia cảnh của ông Hoàng Văn Minh ở xóm Giếng Mật, tôi càng thấy chính sách tín dụng đối với HSSV thật ý nghĩa. Vợ ông bị ung thư đã mất cách đây 8 năm. Bản thân ông bị tai biến mạch máu não và bị liệt phải nằm điều trị đã 4 năm ròng, đến nay mới hồi phục nhưng sức khỏe suy giảm, trí nhớ không còn minh mẫn, nên không có khả năng làm việc kể cả việc nấu cơm. HHGHhoàn cảnh như vậy, nhưng 2 người con của ông vẫn được theo học tại các trường chuyên nghiệp. Cháu đầu học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức từ năm 2008, đã ra trường; hiện đang làm công nhân tại  Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên, Chi nhánh Phú Bình. Cháu thứ hai đang theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế Thái Nguyên. Sở dĩ các cháu vẫn theo học được tại các trường chuyên nghiệp là nhờ được vay vốn từ NHCSXH huyện. Với tổng số tiền được vay là 41 triệu 800 nghìn đồng, đã giúp các cháu vượt qua khó khăn về kinh tế. Đến thời điểm này, cháu lớn đi làm nên bắt đầu trả nợ (đã trả cả gốc và lãi được 10 triệu đồng).

 

Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, Trưởng Ban Giảm nghèo của xã, chúng tôi được biết: Tân Hòa là xã miền núi, địa bàn rộng, người đông (trên 1.800 hộ); trên 40% số dân là người dân tộc thiểu số; đời sống của người dân chủ yếu trông vào trồng lúa, chăn nuôi; lúc nông nhàn mọi người tranh thủ đi làm thuê ở khắp nơi để lo toan thêm cho cuộc sống, nên hiện tại, còn 358 hộ nghèo và 351 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, đây cũng là xã có truyền thống hiếu học, những năm qua, số học sinh thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp khá cao. Riêng các cháu thi đỗ vào các trường đại học (mới tính nguyện vọng 1) năm 2010 có 40 cháu; năm 2011 có 30 cháu; năm 2012 có 33 cháu. Nhằm tạo điều kiện cho các cháu được tiếp tục học tập ở các trường chuyên nghiệp, khi có chính sách của Nhà nước, UBND xã, Ban Giảm nghèo xã đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền sâu rộng từ đội ngũ cán bộ xã đến các thôn, xóm, từng hộ dân để mọi người nắm bắt được chính sách. Đồng thời, chỉ đạo các Tổ tiết kiệm, vay vốn (TK&VV) thực hiện ủy thác cho vay vốn đúng mực đích, đúng đối tượng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc sử dụng dụng vốn. Vì vậy, từ khi triển khai (năm 2008) cho vay đến nay, xã Tân Hòa đã có 240 hộ gia đình, với 345 HSSV được vay với số tiền trên 5,3 tỷ đồng, trong đó có 50 hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang theo học tại các trường đều tham gia vay vốn. Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, một số hộ gia đình đã đến kỳ hạn trả nợ gốc và lãi nghiêm túc. 

 

Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh: Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình là đơn vị có dư nợ cao nhất tỉnh về cho vay HSSV. Bà Hoàng Thị Huyền, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Để đạt được kết quả như vậy không hề đơn giản, vì Phòng có 10 người, nhưng chỉ có 5 cán bộ làm công tác tín dụng (trong đó có 1 Phó Giám đốc phụ trách trực tiếp), đảm nhận cho vay ở 21 xã. Các chương trình tín dụng của Ngân hàng ngày càng nhiều (hiện tại đang thực hiện 9 chương trình), nên cường độ lao động của đội ngũ cán bộ ở đây rất vất vả. Ngoài việc làm thêm giờ trong các ngày làm việc, thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ cũng phải đi làm thì mới đáp ứng được khối lượng công việc được giao.

 

Đối với thực hiện cho vay HSSV cũng còn nhiều khó khăn vì: Một món cho vay phải giải ngân một năm 2 lần; từ khi triển khai đến nay, mức vay và thời gian vay lại thay đổi cho phù hợp với thực tế. Đội ngũ làm công tác ủy thác cho vay (các Tổ trưởng Tổ TK&VV) ở các xã, tuy rất nhiệt tình và trách nhiệm, nhưng do công việc gia đình bộn bề; việc ủy thác cho vay chỉ là kiêm nhiệm lại không có nghiệp vụ, trình độ năng lực mỗi người một khác nên cán bộ Ngân hàng phải mất nhiều thời gian hướng dẫn (từ thực hiện các quy trình thủ tục cho vay đến công tác lưu giữ hồ sơ; khâu kiểm tra). Song, với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ ngân hàng đã không quản ngại để người dân tiếp cận với nguồn vốn trên.

 

Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự tích cực ủng hộ, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, Ban quản lý Tổ TK&VV ở các xã nên kết quả cho vay của huyện đạt rất cao. Tính từ năm 2008 đến ngày 18-9, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã đạt dư nợ cho vay HSSV 70 tỷ 521 triệu đồng, hiện còn 3.851 hộ gia đình với  4.697 sinh viên đang vay vốn ngân hàng. Từ đó đã giúp các hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt được gánh nặng tài chính cho con được học tập ở các trường chuyên nghiệp; không còn học sinh nghèo nào phải bỏ học vì không có tiền. Nguồn vốn trên đã thực sự tiếp sức cho HSSV thực hiện hoài bão ước mơ của mình.