Nhờ có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ của các cấp và sự mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất nên đời sống của người dân xóm 4 thuộc miền Kim Tân, xã Kim Sơn (Định Hóa) - xóm có 45/48 hộ là người dân tộc Dao, đã và đang từng bước được nâng lên.
Trưởng xóm 4 Bàn Kim Ngọc đã khoe với chúng tôi như vậy khi nói về sự đổi thay của xóm. Ông cho biết: Khoảng 7-8 trở về trước, cuộc sống của người dân trong xóm gặp rất nhiều khó khăn do đường sá nhỏ hẹp, sản xuất nông nghiệp chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp. Giờ thì đã khác hẳn, xóm có 48 hộ với 183 nhân khẩu canh tác trên 180ha đất rừng, 7ha đất lúa, 2ha đất trồng chè. Tuy tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với nhiều xóm khác trong xã (31,2%) nhưng xóm 4 đã không còn hộ đói.
Có được sự khởi sắc đó là nhờ có các chương trình, dự án như: 134, 135, 167 và nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác đã đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nguồn điện lưới Quốc gia, người dân được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi… Nhờ đó, trình độ canh tác của người dân ngày càng được cao. Nếu như trước kia, người dân trong xóm chỉ độc canh một số giống lúa thì nay đã mạnh dạn chuyển đổi sang gieo cấy các loại giống thuần, lúa lai có năng suất và chất lượng cao (như: Khang dân đột biến, An Dân, Bắc Hương, Syn6, Nhị ưu 838), biết trồng cây keo, cây mỡ, cây quế để phát triển kinh tế đồi rừng.
Đi dạo quanh một vòng trong xóm, chúng tôi nhận thấy diện mạo nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc: đường sá đã được mở rộng và đổ bê - tông, nhiều hộ đã xây được nhà mới khang trang, sạch đẹp, mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh... Ông Dương Quang Sơn, một hộ dân trong xóm cho biết: Sau khi được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, tôi đã mạnh dạn bàn với vợ đầu tư nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt và trồng rừng. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi có nguồn thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng. Hiện, gia đình tôi đã trồng được 6ha cây keo, mỡ và quế. Đầu năm nay, biết được huyện, xã triển khai mô hình nuôi vịt bầu đẻ trứng, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia...
Không chỉ gia đình ông Dương Quang Sơn, nhiều hộ gia đình khác trong xóm cũng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn và trồng rừng đem lại nguồn thu nhập 30-40 triệu đồng/năm, điển hình như hộ ông Lý Ngọc Cương, ông Dương Mạnh Tuấn, ông Lý Sơn Hùng... Nhờ vậy, mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay của xóm đã đạt khoảng 8 triệu đồng/năm.
Bên cạnh khởi sắc trong phát triển kinh tế, thành tích nổi bật của xóm 4 Kim Tân là duy trì thành tích 19 năm liên tục không có người sinh con thứ 3. Chị Nguyễn Thị Đẹp, một người dân trong xóm cho biết: Trước kia, ông bà ta luôn có tư tưởng sinh nhiều con để có nhiều lao động, cùng lo gánh vác việc nhà. Nhưng vợ chồng tôi và nhiều cặp vợ chồng khác trong xóm chỉ đẻ đến 2 con để có điều kiện lo cho các cháu được ăn học đàng hoàng... Cùng chung suy nghĩ ấy, vợ chồng anh Lý Văn Thạch đã "bỏ ngoài tai" những lời khuyên của ông bà nội - ngoại về việc sinh thêm một đứa con nữa để cho có chị có em. Anh Thạch chia sẻ: Chúng tôi nhận thấy chỉ nên dừng lại từ 1 đến 2 con để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng được tốt, cũng là có nhiều thời gian hơn để tập trung phát triển kinh tế.
Trưởng xóm Bàn Kim Ngọc cho biết: Chúng tôi đều ý thức được rằng việc thực hiện tốt công tác kế hoạch hoá gia đình là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, Chi bộ, Ban phát triển thôn xóm đã tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên lãnh đạo các tổ chức đoàn thể ở xã vào cuộc, phối hợp cùng đội ngũ công tác viên dân số tăng cường tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Cán bộ, đảng viên đã trở thành những người đi tiên phong trong công tác này.
Trong những năm trở lại đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xóm 4 Kim Tân đã được nâng lên rõ rệt. Hiện, xóm đã có nhà văn hóa làm nơi hội họp, sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ. Năm vừa qua, từ sự tích cực tham gia hiến đất, đóng góp vốn đối ứng của bà con, xóm đã làm được 500m đường bê tông theo Chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh...