Ngành Nông nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất ổn định

12:06, 18/08/2019

Sau hơn 5 tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp và chưa được khống chế đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi và tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh. Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh, đảm bảo duy trì sản xuất ổn định.

Năm 2019, huyện Phú Bình đặt ra chỉ tiêu sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 32.500 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, toàn huyện đã phải tiêu hủy trên 22.000 con lợn với trọng lượng hơn 1.300 tấn, chiếm 14,6% tổng đàn. Điều này đồng nghĩa với việc, huyện sẽ bị thiếu hụt đi khoảng 4% sản lượng thịt hơi (tính đến thời điểm giữa tháng 8) và nếu không có giải pháp để khắc phục thì sẽ khó hoàn thành kế hoạch được giao. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình chia sẻ: Để bổ sung sản lượng thịt lợn hơi thiếu hụt, chúng tôi đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đó là: Tập trung bảo vệ đàn lợn hiện còn là 100.000 con; khuyến khích bà con làm tốt công tác khử trùng tiêu độc, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và hỗ trợ bảo vệ đàn lợn nái. Cùng với đó, huyện chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi, phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, hươu theo hướng vỗ béo, tăng đàn và khuyến khích chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, thủy sản.

Đi thực tế tại một số địa phương trong huyện, chúng tôi nhận thấy, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở hướng làm ăn mới, bước đầu cho kết quả khá khả quan. Đơn cử như mô hình chăn nuôi hươu của gia đình anh Dương Văn Sơn, ở xóm Nam 1, xã Úc Kỳ. “Nhận thấy giá thịt lợn vài năm trở lại đây lên xuống bấp bênh, cộng với tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên gia đình tôi đã quyết định đầu tư nuôi hươu lấy nhung. Trước đây, nhà tôi chỉ nuôi 2 con nhưng hiện giờ tổng đàn đã lên 9 con. Nuôi hươu không mất nhiều công chăm sóc và ít bị dịch bệnh. 1 năm, hươu đực cho cắt nhung 2 lần, mỗi lần được khoảng 6-8 lạng tùy con với giá bán trung bình 2 triệu đồng/lạng. Ngoài ra, đối với những con hươu cái có thể bán thịt với giá 400 nghìn đồng/kg” - anh Sơn chia sẻ.

Còn tại huyện Phú Lương, trước tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, huyện đã phối hợp với Chi cục Thống kê đánh giá, nhận định tình hình sản xuất những tháng cuối năm và thống nhất Phương án để bù đắp tối đa phần thiếu hụt giá trị sản xuất chăn nuôi. Cụ thể, những tháng còn lại của năm, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và một số dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn như: Lở mồm long móng, tai xanh… phấn đấu hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Cùng với đó, huyện cũng khuyến khích tăng quy mô đàn gia cầm, thủy cầm để tăng sản lượng và giá trị sản xuất chăn nuôi. Đối với lĩnh vực trồng trọt, toàn huyện phấn đấu gieo cấy hết diện tích hơn 3.200 ha lúa, tăng diện tích sử dụng các giống lúa cao sản, lúa thuần chất lượng, áp dụng hiệu quả khung thời vụ, đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật để đạt được năng suất lúa cao nhất.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình và giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Sở Nông nghiệp - PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị trực thuộc rà soát, điều chỉnh nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch theo hướng chuyển dịch cơ cấu và tăng quy mô sản xuất, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, quản lý, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, vật nuôi. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Sở cũng đã ban hành phương án để bù đắp tối đa phần thiếu hụt giá trị sản xuất chăn nuôi lợn với những giải pháp cụ thể như: Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp dập dịch tả lợn châu Phi; chỉ đạo triển khai tăng quy mô đàn gia cầm, thủy cầm, phấn đấu tăng thêm 700 nghìn con. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo tăng diện tích gieo trồng các loại cây trồng hằng năm trong vụ mùa; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, tiêu thụ sản lượng gỗ trên địa bàn và khuyến khích đầu tư tăng diện tích nuôi thâm canh thủy sản… để gia tăng mạnh giá sản xuất nông nghiệp trong những tháng cuối năm.

Mặc dù đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn có chiều hướng lây lan mạnh và chưa được khống chế. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến ngày 15-8, toàn tỉnh đã có hơn 145.000 con lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc tiêu hủy với trọng lượng trên 8.457 tấn, chiếm 20,6% tổng đàn. Vì vậy, chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi 3,6% và tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 của tỉnh là 4% vẫn sẽ rất khó để hoàn thành kế hoạch.