Cần nhiều giải pháp gỡ khó

07:54, 27/09/2019

Kỳ 2: Chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Như chúng tôi đã đề cập ở phần trước, tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy, để khắc phục khó khăn cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ của từng DN cũng như các sở, ngành, địa phương. Từ đó chung tay hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các DN ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống của người lao động. 

Phát triển căn cứ trên tình hình thực tế

Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, từ ngày 1/1/2019, quy hoạch phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 không còn hiệu lực. Theo đó, việc phát triển sản xuất VLXD sẽ được ngành chức năng quản lý và định hướng phát triển căn cứ trên tình hình thực tế. Đối với sản phẩm xi măng, hiện nay, công suất trên toàn tỉnh đạt khoảng 4 triệu tấn/ năm, cao hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Và theo ước tính, nếu 5 nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn phát huy tối đa công suất thì sản lượng xi măng trong thời gian tới sẽ tăng lên trên 6 triệu tấn/năm, chưa kể các đơn vị cung cấp, phân phối xi măng khác đang có mặt tại tỉnh ta. Vì thế sẽ tiềm ẩn nguy cơ dư thừa nguồn cung xi măng lớn hơn nữa nếu như không có những khuyến cáo từ các ngành, cơ quan chức năng về việc từng DN thuộc lĩnh vực này cần chú trọng điều tiết sản xuất, hạn chế mở rộng, nâng công suất trong giai đoạn hiện nay. Ông Văn Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Xi măng Quán Triều (Đại Từ) cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm xi măng của Công ty trên địa bàn tỉnh ta chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là ở các tỉnh lân cận. Trước thực trạng khó mở rộng thị trường trong nước và chưa tham gia được thị trường xuất khẩu, trong những năm tới, Công ty sẽ duy trì ổn định công suất như hiện nay…

Tương tự, đối với sản phẩm gạch xây dựng, công suất trên toàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 800 triệu viên/năm, song mức tiêu thụ chỉ đạt khoảng 750 triệu viên/năm. Theo tính toán cơ học, với 40 cơ sở sản xuất gạch đã đi vào hoạt động ổn định như hiện tại, nếu phát huy tối đa công suất thì sản lượng gạch sẽ đạt 950 triệu viên/năm, trong khi đó đầu ra của sản phẩm này chưa có nhiều hướng mở. Vì vậy, thiết nghĩ cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng nên xem xét, cân nhắc kỹ việc cấp phép thêm các dự án đầu tư sản xuất gạch xây dựng trong thời gian tới, nhằm tránh tình trạng cung ngày càng vượt quá cầu.

Đặc biệt, hiện nay, trong số 40 cơ sở sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn tỉnh thì có 13 đơn vị sản xuất gạch nung tuynel, với tổng công suất khoảng 320 triệu viên/năm. Nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả lộ trình chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch nung vào năm 2020 theo nội dung Quyết định số 567/ QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 thì ngay từ bây giờ, các đơn vị sản xuất gạch tuynel cần chuyển đổi hoạt động theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm. Có như vậy mới bảo đảm duy trì sản xuất và tạo việc làm ổn định cho người lao động. Đối với giải pháp thúc đẩy các cơ sở sản xuất gạch không nung phát triển, cùng với việc thực hiện quy định sử dụng gạch không nung trong một số công trình xây dựng đang được tỉnh triển khai thì cần có thêm chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các DN sản xuất gạch không nung (như chính sách ưu đãi về thuế, cho thuê đất, vay vốn…). 

Nhiều đề xuất, kiến nghị cần lưu tâm

Theo nhận định của đại diện các ngành, cơ quan chức năng: Trước khó khăn khách quan do thị trường VLXD bị bão hòa thì các DN sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh cần chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho, với các hình thức bán hàng linh hoạt. 

Bên cạnh các giải pháp về tái cấu trúc DN, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì các DN cần chú trọng vào nhóm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, giải pháp mang tính đột phá chủ yếu vẫn là đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực quản trị DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều DN còn hạn chế về sự sáng tạo, năng lực tài chính thì rất cần đến sự chung tay hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các sở, ngành, đơn vị liên quan. Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam, ở phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) - chuyên sản xuất bê tông và các sản phẩm xây dựng từ xi măng, thạch cao - bày tỏ mong muốn: Chúng tôi rất mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ tổ chức hội thảo, xúc tiến đầu tư về khoa học - công nghệ, giới thiệu chuyên gia đầu ngành trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các DN sản xuất VLXD nghiên cứu, tìm ra phương thức sản xuất mới mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Còn ông Vũ Văn Thu, Giám đốc Nhà máy gạch tuynel Phú Lộc 2 (T.X Phổ Yên) chia sẻ: Một trong những giải pháp đang được nhiều DN sản xuất VLXD mong đợi là các cấp, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công, từ đó góp phần kích cầu tiêu thụ sản phẩm VLXD. Cùng với đó, việc tích cực triển khai Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt cũng là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm VLXD.   

Chia sẻ về những giải pháp nhằm hỗ trợ các DN sản xuất VLXD trên địa bàn từng bước tháo gỡ khó khăn, tiếp tục hoạt động ổn định, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, ông Nông Văn Hợp, Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu Xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết: Trước mắt, Sở Xây dựng đang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra việc thực hiện các dự án xây dựng; tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ và Bộ Xây dựng bổ sung cơ chế hỗ trợ về khoa học - công nghệ, nguồn quỹ khuyến công cho các cơ sở sản xuất VLXD không nung; ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, phát triển VLXD căn cứ trên tình hình thực tế. Song song với đó, Sở cũng đề nghị các địa phương cần sát sao hơn nữa trong công tác quản lý để bảo đảm chất lượng của các sản phẩm VLXD trên địa bàn. Đối với các DN trong ngành VLXD cần chủ động điều tiết sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm giữ vững thị phần tiêu thụ sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc DN, tìm hướng phát triển thích hợp trong thời gian tới…

Thiết nghĩ, những giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị nêu trên rất cần được lưu tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Từ đó góp phần quan trọng gỡ khó cho các DN sản xuất VLXD trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm ổn định việc làm, đời sống cho đông đảo người lao động.