Những năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do cung vượt cầu khá lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm có sự cạnh tranh gay gắt (nhất là với sản phẩm xi măng và gạch xây dựng), ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động. Để tháo gỡ khó khăn cần sự nỗ lực của từng doanh nghiệp thuộc ngành VLXD; đồng thời có sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các cấp, ngành chức năng.
Kỳ 1: Doanh nghiệp loay hoay duy trì sản xuất
Duy trì sản xuất cầm chừng, không khai thác được hết công suất của hệ thống máy móc thiết bị, thậm chí phải tạm dừng hoạt động một thời gian… là thực trạng của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh hiện nay. Và những DN này đều đang loay hoay duy trì sản xuất, tìm hướng phát triển.
Cung vượt quá cầu
Những ngày gần đây, tìm hiểu thực tế tại nhiều công ty sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy không khí sản xuất ảm đạm vẫn bao trùm lên nhiều DN mặc dù sắp bước vào “mùa” xây dựng. Cụ thể, Nhà máy sản xuất gạch tuynel của Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường (T.P Thái Nguyên) là đơn vị có thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định, nhưng thời điểm này gạch tồn kho vẫn chất đầy ngoài sân. Ông Đoàn Văn Ký, Phó Giám đốc Công ty lo lắng: Chuẩn bị bước vào “mùa” xây dựng mà Công ty vẫn tồn hơn 1 triệu viên gạch. Điều này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất 8 triệu viên gạch trong năm nay của Công ty… Tương tự, đối với Nhà máy gạch tuynel Phú Lộc 2 (T.X Phổ Yên), ông Vũ Văn Thu, Giám đốc Nhà máy cho biết: Trong năm 2018, lượng gạch tồn kho của Công ty lên đến 3 triệu viên. Vì thế, bước sang năm 2019, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu sản xuất khoảng 30 vạn viên/tháng (giảm 5 vạn viên/tháng so với năm trước), thế nhưng lượng gạch tiêu thụ vẫn sụt giảm khoảng 20% so với cùng kỳ nhiều năm trước. Còn tại Công ty cổ phần (CP) gạch Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), qua 8 tháng của năm nay sản xuất được 15 triệu viên gạch tuynel, hiện tồn kho 1,5 triệu viên. Mặc dù gần 2 năm trước Công ty đã sản xuất thêm gạch không nung nhưng cũng rất khó tiêu thụ nên lại phải dừng. Hiện nay, thu nhập bình quân của gần 60 lao động trong đơn vị chỉ đạt bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tìm hiểu thêm tại các đơn vị sản xuất gạch không nung, chúng tôi nhận thấy tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng không khả quan hơn. Tại Công ty CP Xây dựng và sản xuất VLXD Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên), ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc đơn vị cho biết: Hiện nay, Công ty có 2 dây chuyền sản xuất gạch không nung nhưng chỉ đưa vào vận hành 1 dây chuyền và hoạt động từ 15-20 ngày/tháng. Còn ông Nguyễn Xuân Hậu, chủ DN tư nhân Hậu Thủy (Định Hóa) chia sẻ: Hiện nay, tính riêng trên địa bàn huyện đã có hàng chục cơ sở sản xuất gạch không nung, chưa kể đến các DN, đơn vị sản xuất gạch tuynel, vì thế sản phẩm của chúng tôi tiêu thụ khá chậm. Ngoài ra, việc gạch không nung khó tiêu thụ còn do người dân vẫn chưa mặn mà với việc sử dụng loại gạch này trong các công trình xây dựng.
Đối với các DN sản xuất xi măng, sắt thép cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do tình trạng cung vượt quá cầu. Tính đến đầu tháng 8-2019, lượng sắt thép tồn kho trên địa bàn tỉnh vào khoảng 100 nghìn tấn, xi măng tồn kho 65,6 nghìn tấn (tăng 72,9% so với cùng kỳ năm 2018). Giải thích về vấn đề này, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Xi măng Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 5 nhà máy sản xuất xi măng với tổng công suất khoảng 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, mỗi năm thị trường trong tỉnh chỉ tiêu thụ tối đa khoảng 2 triệu tấn. Như vậy hiện nay, toàn tỉnh đang dư thừa nguồn cung khoảng 2 triệu tấn xi măng/năm, chưa kể còn có trên 20 hãng xi măng khác cùng cạnh tranh trên thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng cung ngày càng vượt quá cầu. Còn đối với ngành thép, theo nhận định của ngành chức năng và đại diện một số DN sản xuất, kinh doanh sắt thép, do nhu cầu xây dựng của người dân trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận đang có xu hướng chững lại nên nguồn thép xây dựng cung ứng trên địa bàn tỉnh đang vượt cầu khoảng 2,5 lần…
Khó khăn chồng khó khăn
Trước tình trạng cung vượt quá cầu, để có thể tiêu thụ được sản phẩm đòi hỏi các DN sản xuất VLXD cần nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ mà mới chỉ dừng lại ở việc duy trì sản xuất cầm chừng, cố gắng giảm giá thành hoặc đa dạng hóa sản phẩm.
Theo ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Nhà máy gạch tuynel Khe Mo, ở xã Khe Mo (Đồng Hỷ): Trong hai năm 2017-2018, lượng sản phẩm của Nhà máy chỉ đạt khoảng 70% công suất thiết kế. Năm 2019, sản lượng gạch tiếp tục giảm do Nhà máy vừa tạm dừng sản xuất hơn 2 tháng. Ông Chiến cũng cho biết thêm, trước tình trạng cung vượt quá cầu, các DN sản xuất gạch tuynel không chỉ duy trì hoạt động cầm chừng mà còn giảm giá bán để giải phóng hàng tồn. Thế nhưng, do giá nguyên vật liệu đầu vào ngày càng “leo thang” khiến các DN càng thêm lao đao vì sản xuất không có lãi, đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Thu, Giám đốc Nhà máy gạch tuynel Phú Lộc 2 cho biết: Năm 2018, chúng tôi đã phải giảm giá bán gạch 200 đồng/viên nhưng lượng gạch tồn vẫn còn nhiều, khó tiêu thụ. Qua 8 tháng của năm 2019, lượng gạch tiêu thụ tiếp tục sụt giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, vì thế Công ty phải cắt giảm 20% lương của người lao động.
Còn với lĩnh vực sản xuất xi măng, theo ông Lê Bá Chức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên (Võ Nhai): Thị trường tiêu thụ khó khăn, vì thế giải pháp của Công ty đưa ra là duy trì sản xuất “cầm chừng”. Theo đó, công suất hoạt động của Nhà máy hiện mới chỉ đạt khoảng 80%. Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Xi măng Cao Ngạn cho biết: Trước khó khăn tiêu thụ sản phẩm xi măng do cung vượt cầu, từ năm 2010, Công ty đã phải đầu tư sang các lĩnh vực sản xuất như gạch lát vỉa hè, kinh doanh xăng dầu và dịch vụ nhà hàng. Đa dạng hóa sản phẩm cũng là hướng đi trước mắt của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên trước tình hình thị trường sắt thép đang bị bão hòa. Ông Vũ Thanh Sơn, Trưởng phòng Thị trường Công ty cho biết: Từ năm 2018, Công ty đã chuyển hướng sang sản xuất thép hình (như thép chống lò, thép chữ Y, chữ A) thay vì tập trung sản xuất thép xây dựng truyền thống. Bởi hiện nay, so với các tập đoàn sản xuất thép xây dựng lớn trong cả nước thì khả năng cạnh tranh về giá bán của Công ty có phần bị hạn chế hơn nhiều…
Từ thực tế cho thấy, cùng với khó khăn về thị trường tiêu thụ do cung vượt quá cầu thì chất lượng các sản phẩm VLXD trên địa bàn tỉnh còn chưa tạo được sức cạnh tranh cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là do các DN sản xuất VLXD chưa có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ sản xuất. Hiện nay, phần lớn các DN VLXD trên địa bàn vẫn sử dụng công nghệ sản xuất có từ cách đây hàng chục năm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất thép và gạch xây dựng. Vì thế, các dây chuyền sản xuất cần nhiều lao động, hao phí lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm cao và chưa tạo được sức cạnh tranh về giá bán, mặc dù chất lượng bảo đảm. Do đó, để có thể duy trì ổn định và phát triển sản xuất trong điều kiện thị trường tiêu thụ sản phẩm có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, đòi hỏi các DN sản xuất VLXD cần có những giải pháp đột phá. Đối với các ngành, cơ quan chức năng cũng cần có sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời để giúp các DN từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định việc làm, đời sống của đông đảo người lao động.