Giải pháp nâng cao thu nhập cho người trồng ngô

07:45, 25/09/2019

Vài năm trở lại đây, diện tích đất trồng ngô trên địa bàn tỉnh ta liên tục bị sụt giảm do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chi phí về công lao động cao, trong khi hiệu quả kinh tế đạt thấp. Vì vậy, làm thế nào để cải thiện hiệu quả canh tác và tăng năng suất, sản lượng ngô luôn là mối quan tâm hàng đầu của bà con nông dân trong tỉnh. 

Vụ mùa năm nay, trên diện tích ngô của một số huyện, như: Đồng Hỷ, Võ Nhai... bắt đầu xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại. Đây là loài sâu ăn nõn, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng ngô. Tuy nhiên, đối với những ruộng trồng ngô biến đổi gen lại không hề bị nhiễm bệnh. Dẫn chúng tôi đi kiểm tra ruộng ngô xanh mướt, bắp nào bắp nấy mẩy hạt, chị Lý Thị Hài, ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) chia sẻ: Đây là vụ thứ 2 nhà tôi trồng ngô giống biến đổi gen NK4300 Bt/GT. Sau khi trồng, tôi chỉ phun thuốc trừ cỏ một lần duy nhất và không phun thuốc trừ sâu đục thân nhưng cây không bị nhiễm các loại sâu bệnh. Khi thu hoạch, ngô cho bắp to, dài, hạt căng mẩy, năng suất đạt hơn 2 tạ/sào, tăng hơn 20% so với ngô thường nhưng lại giảm tới 50% công lao động so với các giống ngô gia đình tôi đã trồng trước đây.

Không chỉ ở Võ Nhai, ngô biến đổi gen cũng được trồng ở các huyện Đồng Hỷ, T.X Phổ Yên, T.P Thái Nguyên. Bà Dương Thị Hợp, ở xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) phấn khởi nói: Ban đầu, khi trồng giống ngô biến đổi gen, chúng tôi còn lo lắng sợ phun thuốc trừ cỏ sẽ làm chết cây. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được ngoài mong đợi, cây ngô biến đổi gen sinh trưởng, phát triển tốt. Do không có cỏ dại mọc nên cây được hấp thu hoàn toàn chất dinh dưỡng đến khi thu hoạch. Ngoài ra, cây cũng không bị nhiễm sâu đục thân, sâu keo mùa thu, cho năng suất đạt trung bình 7 tấn/ ha, cao hơn ngô thường 0,3 tấn/ ha. Trong vụ tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa các giống ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân và kháng được thuốc trừ cỏ vào sản xuất để giảm chi phí công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, các giống ngô biến đổi gen chủ lực được đưa vào gieo trồng trên địa bàn tỉnh gồm có: NK4300 Bt/GT, DK6818S và NK66BT/GT do Công ty TNHH Syngenta cung cấp. Đây là những giống ngô có khả năng kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate. Các giống ngô này đều đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học, Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Thực tế cho thấy, các giống ngô biến đổi gen sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế cỏ dại, kháng sâu đục thân tốt, năng suất cao, phù hợp với đồng đất của địa phương, đặc biệt là khả năng chống đổ tốt trong mùa mưa bão.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Khắc Nam, nhân viên phát triển thị trường Công ty Syngenta cho biết: Ban đầu, khi mới triển khai đưa giống ngô biến đổi gen về trồng thử nghiệm tại một số địa phương trong tỉnh, bà con còn e dè vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền về các điều kiện đảm bảo an toàn, bà con đã hào hứng tham gia. Hiện nay, tổng diện tích ngô biến đổi gen toàn tỉnh đạt hơn 1.500ha.

Theo ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật: Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, cây ngô biến đổi gen đã và đang được bà con nông dân đón nhận, diện tích được trồng mở rộng trong cả 3 vụ: xuân, mùa và đông. Để góp phần tăng diện tích ngô biến đổi gen, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị cung ứng giống tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con đưa các giống ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân và kháng được thuốc trừ cỏ vào sản xuất đại trà. Qua đó, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ biến đổi gen vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp phục vụ cho các dự án công nghiệp.