Những “gam màu ấm” ở Chòi Hồng

09:01, 21/09/2019

“Chòi Hồng ngày trước ý hả? Chỉ có đá và cây thôi. Đi sâu vào trong bản mới gặp mấy nóc nhà của người Mông nằm lác đác bên triền núi đá. Người Mông ngày ấy chỉ trồng ngô, nhà nào khá lắm thì nuôi thêm dăm ba con gà, nhiều gia đình phải vất vả lắm mới không đứt bữa. Nhưng hiện giờ cuộc sống ở đây đã khác nhiều lắm rồi…”  

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá (Võ Nhai) hào hứng kể cho chúng tôi câu chuyện vươn lên thoát nghèo của đồng bào ở xóm Chòi Hồng. Ông bảo: Xóm Chòi Hồng có 195 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu, 99% là đồng bào dân tộc Mông. Người Mông ở đây di cư từ Cao Bằng về và lập bản từ khoảng năm 1979. Ngày ấy, thiếu đất, thiếu nước để canh tác, giao thông không thuận tiện khiến đời sống đồng bào rất khó khăn. Xóm có bao nhiêu nóc nhà là từng đấy hộ nghèo. Phải đến hơn chục năm trở lại đây, đời sống ở Chòi Hồng mới bắt đầu khởi sắc dần nhờ các nguồn đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của người dân.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân xóm Chòi Hồng đã từng bước được cải thiện. Qua các Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 2037)…, xóm Chòi Hồng được hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, như: Nhà văn hóa; điểm trường mầm non, tiểu học khang trang, đẹp đẽ; đường bê tông vào tận trung tâm xóm; đèn điện thắp sáng đến từng gia đình… Năm 2018, thêm 3 cây cầu tràn được hoàn thành giúp người dân đi lại, mua bán hàng hóa thuận tiện. Ngoài hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bào ở Chòi Hồng còn được hỗ trợ giống ngô, phân bón, cho vay vốn phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản; tập huấn kỹ thuật trồng trọt, kiến thức chăn nuôi khoa học... Từ năm 2015 đến nay, thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Đề án 2037, trên 30 hộ nghèo của xóm được vay tổng số vốn gần 1 tỷ đồng để chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đến nay, đàn trâu bò ở Chòi Hồng đã sinh sản và phát triển thêm nhiều lứa, góp phần giúp đồng bào thoát nghèo.

Gia đình anh Mã Văn Lý, một trong những hộ dân thuộc khá giả ở Chòi Hồng cũng vươn lên từ chính nguồn vốn vay này. Anh Lý vui vẻ: Năm 2015, từ nguồn vốn của Đề án 2037, gia đình mình được hỗ trợ 30 triệu đồng để mua trâu sinh sản. Sau 1 năm, con trâu đẻ được một con, bán được 15 triệu đồng. Từ tiền bán trâu, mình đào đường dẫn nước vào ruộng để trồng lúa, chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng 3ha keo và bạch đàn để tăng thu nhập. Đến cuối năm 2016, gia đình mình được công nhận thoát nghèo, đời sống hiện nay cũng gọi là có của ăn của để.

Dẫn chúng tôi đi dọc con đường bê tông rộng rãi, khang trang ở xóm, anh Dương Văn Súa, Phó trưởng xóm Chòi Hồng phấn khởi: Từ ngày có đường bê tông, việc mua bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn hẳn. Giờ đồng bào trồng lúa, trồng ngô hay chăn nuôi đều có thương lái đến đặt hàng và vào tận nhà thu mua. Nhờ vậy, bà con cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài cây ngô và lúa, mấy năm nay, người Mông ở Chòi Hồng đã trồng thêm cây mía, chăn con trâu, con lợn. Từ cuối năm 2016, nhiều hộ chuyển sang trồng rừng, hiện cả xóm có hơn 400ha rừng keo, bạch đàn. Từ cuối năm 2017, một số hộ trong xóm đã bắt đầu trồng thêm cây nhãn, cây bưởi… Sang năm nay, diện tích cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch, nhiều hộ đã mang ra chợ bán rồi đấy! 

Từ nguồn vốn của các chương trình, đề án hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, diện mạo xóm Chòi Hồng đã thay đổi rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến nay, ở Chòi Hồng còn 69 hộ nghèo (giảm 25% số hộ so với năm 2016). Một kết quả đáng khích lệ với vùng đất nhiều khó khăn như Chòi Hồng. Hiện nay, ở xóm, bên cạnh màu xanh của đá, của cây cối, còn có thêm gam màu vàng rực của những ruộng lúa trĩu bông chuẩn bị đến mùa gặt, sắc vàng tươi của những trái bưởi rám nắng, chùm bắp ngô vàng ruộm treo trên những cọc tre trước nhà... Dọc đường đi là những ngôi nhà được xây dựng khang trang lợp mái tôn đỏ thắm. Trong nhà, nhiều gia đình đã sắm thêm được xe máy, tivi, tủ lạnh…

Màn đêm dần buông xuống, Chòi Hồng lấp lánh ánh điện, trong từng căn nhà tiếng cười nói râm ran khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn trước sự đổi thay của vùng đất nghèo. Anh Trương Văn Thông, Trưởng xóm Chòi Hồng chia tay chúng tôi bằng lời hẹn: Trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để từng bước phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.