Với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện sẽ giảm xuống dưới 10%, trong nhiệm kỳ 20152020, Đảng bộ huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập. Từ đó góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với đặc thù là huyện miền núi, những năm qua, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện Định Hóa còn nhiều khó khăn. Theo thống kê năm 2015, toàn huyện vẫn còn 7.167 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,62% và là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Trước thực trạng đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã tiếp tục đề ra nhiệm vụ trọng tâm cùng nhiều giải pháp cụ thể nhằm xóa nghèo cho người dân. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai thực hiện với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện sẽ giảm xuống dưới 10%.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy Định Hóa cho biết: Để Chương trình giảm nghèo đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp. Trên cơ sở đó, cùng với việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo của Nhà nước, huyện đã ưu tiên, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp để người dân yên tâm sản xuất. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, vật tư, máy móc thiết bị sản xuất và mở các lớp tập huấn, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân; đồng thời, đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo để họ cải thiện cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...
Năm 2016, thực hiện Chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo của huyện, gia đình ông Triệu Đình Chu, xóm Độc Lập, xã Phúc Chu được hỗ trợ một con bò sinh sản trị giá gần 20 triệu đồng để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Sau hơn 4 năm chăm sóc, bò mẹ đã sinh sản được 2 lứa và hiện nay đang tiếp tục chửa lứa thứ 3. Sau khi bán 2 lứa bê con, gia đình ông thu về gần 30 triệu đồng. Số tiền này ông dùng để trang trải cuộc sống và tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi. Đầu năm 2018, gia đình ông chính thức thoát nghèo. Trò chuyện với chúng tôi, ông Triệu Đình Chu phấn khởi cho biết: Sau khi được được Nhà nước hỗ trợ bò giống, tôi còn được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ; làm chuồng trại; cách phòng, điều trị bệnh và phối giống cho bò... Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên con bò của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh và không bị mắc bệnh tật gì. Từ khi được hỗ trợ bò giống đến nay, kinh tế gia đình tôi đã được cải thiện đáng kể.
Cùng với gia đình ông Triệu Đình Chu, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Định Hóa đã có trên 4.000 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tư liệu sản xuất từ các chương trình, dự án giảm nghèo của huyện để phát triển kinh tế. Cùng với đó, trung bình mỗi năm, toàn huyện có trên 2.500 lượt hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền trên 260 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, mỗi năm hơn 1.000 gia đình trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Cùng với đó, để giúp các hộ nghèo khó khăn về nhà ở, từ năm 2016 - 2018, huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 536 căn nhà dột nát cho hộ nghèo với tổng kinh phí 14,1 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Ủy ban MTTQ huyện đang phối hợp với Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người (Hội Chữ thập đỏ T.P Hà Nội) triển khai hỗ trợ xây dựng 200 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng cho hộ nghèo trên địa bàn huyện. Dự kiến, cuối năm nay, toàn bộ 200 ngôi nhà sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, từ năm 2016 đến nay, huyện Định Hóa đã mở 40 lớp đào tạo nghề cho trên 1.600 lao động nông thôn với các ngành nghề như: Điện tử, điện lạnh, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y… Đối tượng được đào tạo nghề chủ yếu là lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và dân tộc thiểu số. Sau khi được đào tạo nghề, hầu hết người lao động đều được giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc mang kiến thức được đào tạo về áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình. Để giúp các lao động nghèo sau khi được đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định, huyện Định Hóa đã phối hợp với Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) và các công ty phụ trợ ưu tiên tuyển dụng trên 1.200 lao động nghèo và cận nghèo vào làm việc trong các khu công nghiệp với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã giảm được 4.454 hộ nghèo. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 4%, riêng năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 7%. Theo kết quả rà soát sơ bộ, hiện nay, toàn huyện chỉ còn 2.713 hộ nghèo, tương đương với tỷ lệ 10,3%. Dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ giảm xuống dưới 7%, vượt xa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giảm nghèo của huyện, theo đồng chí Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá: Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo. Từ đó, khơi dậy ý chí của hộ nghèo để họ chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo và tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội…