Không để ai bị bỏ lại phía sau

07:50, 25/10/2019

Giảm nghèo luôn là mục tiêu, là nhiệm vụ, cũng là yêu cầu trong mỗi giai đoạn phát triển, tuy nhiên chưa có bao giờ công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh lại được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt như trong những năm gần đây.

"Cú hích" từ các chính sách giảm nghèo

Ngồi nhâm nhi chén trà trong ngôi nhà sàn vững chãi, anh Lao Văn Phủ, xóm Mìn, xã Phương Giao (Võ Nhai) chỉ tay lên mái ngói đỏ tươi phấn khởi khoe với chúng tôi: Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, năm nay gia đình chúng tôi đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đói nghèo của gia đình tôi là do thiếu vốn, không biết cách làm ăn, giờ được hỗ trợ phương tiện sản xuất, vay vốn, tập huấn kỹ thuật mà mình vẫn nghèo là lỗi của chính mình.

Những lời tâm sự chân thật của anh Phủ cũng là tiếng nói chung của nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo mà chúng tôi có dịp trò chuyện. Không phải ai cũng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng chính sự hỗ trợ đó đã trở thành động lực để nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Được biết, gia đình anh Phủ có 7 nhân khẩu (bố mẹ già, 3 con nhỏ), hai vợ chồng anh là lao động chính. Nhà anh có 10 sào ruộng, chủ yếu chân ruộng cao chỉ cấy được một vụ mùa, vụ xuân trồng ngô, đỗ, lạc. Do thiếu vốn, phương tiện sản xuất nên gia đình anh không thể đầu tư chăm sóc lúa, hoa màu như những gia đình khác nên lương thực chỉ đủ ăn, không có để tích lũy cũng như mở rộng chăn nuôi. Căn nhà xuống cấp nhiều năm không có tiền tu sửa. Đến năm 2018, gia đình anh được hỗ trợ 20 triệu đồng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Cùng với đó, gia đình anh cũng được hỗ trợ chiếc đầu nổ Diezen trị giá 4,6 triệu đồng thông qua dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững. Từ sự hỗ trợ này, gia đình anh Phủ cũng như 2 gia đình khác cùng xóm là bà Triệu Thị Mây, anh Đặng Văn Trung đã vươn lên thoát nghèo. 

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Phủ cho biết thêm: Nhờ có chiếc đầu nổ này, tôi có thể lắp vào để kéo cày, bừa, kéo xe chở thóc… giảm được rất nhiều công lao động. Với kiến thức đã được học tập qua các lớp tập huấn do ngành khuyến nông tổ chức, tôi đã tích cực áp dụng để nâng cao năng suất cây trồng, chăn nuôi. Vụ mùa này, gia đình tôi thu trên 1 tấn thóc, chưa kể mấy tạ ngô, đỗ, lạc. Gia đình tôi cũng đầu tư mở rộng chăn nuôi gà thả vườn, nuôi thêm mấy con lợn, trâu. Năm nay, gia đình thoát nghèo tôi vui lắm, Tết này sẽ mổ lợn để ăn mừng. 

Ngoài những hộ thoát nghèo từ sự hỗ trợ về nguồn vốn, phương tiện sản xuất như gia đình anh Phủ, cấp ủy, chính quyền xã Phương Giao còn tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sinh kế thoát nghèo. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Phương Giao cho biết thêm: Mỗi năm xã tạo việc làm mới cho trên 100 lao động, chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh. 9 tháng năm 2019, xã có 84 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp. Bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực như tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, các phương tiện phát triển sản xuất, thành lập các tổ liên kết để phục vụ nhu cầu vay vốn của nhân dân. Năm 2018, xã có 10 hộ nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền 500 triệu đồng; năm 2019 có 52 hộ nghèo được hỗ trợ phương tiện sản xuất như bộ máy cày, bừa, máy phát cỏ, máy nghiền bột khô, máy vò chè… với tổng số tiền máy hỗ trợ là 250 triệu đồng. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, 100% hộ nghèo, gia đình chính sách của toàn xã đều được nhận quà Tết của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tặng trong chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” do tỉnh phát động. Nếu như đầu nhiệm kỳ (năm 2015) xã có 587/1.017 hộ nghèo, chiếm 57,81%, thì đến năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 37,6%. 

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Để hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm ít nhất 2% số hộ nghèo trên địa bàn, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 3,5%/năm trở lên, những năm qua tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững. Cùng với những chính sách của Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, thực hiện xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Các chính sách như: Hỗ trợ làm nhà ở, đất ở, đất phát triển sản xuất, vốn, cây trồng vật nuôi; triển khai hiệu quả Chương trình 135, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ các huyện đang triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu, điều kiện của hộ nghèo, khuyến khích huy động sự đóng góp trong dân và cộng đồng. 

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ tạo điều kiện cho người dân đi lại giao thương buôn bán thuận lợi, từ năm 2016 đến nay, Dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị, công cụ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 40.000 lượt hộ nghèo, tạo điều kiện tích cực cho đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất. Chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019, tổng kinh phí thực hiện đã lên tới 111,99 tỷ đồng, trong đó tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng là trên 84 tỷ đồng, tiểu dự án hỗ trợ phương tiện sản xuất đa dạng hóa sinh kế trên 15 tỷ đồng; tiểu dự án nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng trên 2,9 tỷ đồng… Tỉnh tiếp tục phối hợp với Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các đối tác của Tập đoàn Samsung, các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động tổ chức tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc. 

Đặc biệt, 2 năm gần đây, tỉnh đã tổ chức tốt “Tuần lễ cao điểm vì người nghèo” vào dịp trước Tết Nguyên đán hằng năm. Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo tổ chức “Tuần lễ cao điểm vì người nghèo”  do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy là Phó ban chỉ đạo; đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo. Chương trình đã có sức lan tỏa lớn huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là sự ủng hộ của khối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Năm 2018, thông qua “Tuần lễ cao điểm vì người nghèo” đã hỗ trợ 36 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh 17 tỷ đồng gồm 9.408 suất quà, 195 con bò, hỗ trợ xây và sửa chữa 74 nhà… Năm 2019, tổng kinh phí ủng hộ hỗ trợ “Tuần lễ cao điểm vì người nghèo” lên tới trên 27,7 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã hỗ trợ các xã 22.816 suất quà, tặng 93 nhà tình nghĩa, 145 xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi… Sự chung tay ủng hộ của các tập thể, cá nhân là rất to lớn, tạo động lực cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Thông qua sự chung tay ủng hộ người nghèo, điều đáng mừng nhất là ý thức của người dân trong thực hiện công cuộc giảm nghèo đã thay đổi. Bà con nhân dân đã thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế, có sự nỗ lực thực sự vươn lên để thoát nghèo. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở 36 xã đặc biệt khó khăn giảm còn 20,86%, giảm cao nhất trong các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Năm 2017, huyện Võ Nhai đã ra khỏi danh sách các huyện được hỗ trợ theo Quyết định 30a. Trong 3 năm 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2%/năm, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm trên 5%. 

Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh để giảm nghèo được hiệu quả, thời gian tới cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo tích cực lao động sản xuất, phát huy khả năng của bản thân, chủ động phấn đấu vươn lên vượt qua đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Chỉ khi nào từng hộ dân nghèo có khát vọng vươn lên, không cam chịu đói nghèo thì việc giảm nghèo mới thực sự bền vững.