Điểm tựa tinh thần ở mỗi thôn, xóm

09:35, 01/11/2019

Được nhân dân tin tưởng và bầu chọn, những người có uy tín trên địa bàn huyện Định Hóa đã và đang phát huy vai trò tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống ấm no. Họ được coi là điểm tựa tinh thần vững chắc ở mỗi thôn, xóm, là nòng cốt trong các phong trào thi đua, cuộc vận động ở địa phương.  

Lâu nay, khi nhắc đến người có uy tín trong cộng đồng, hầu hết chúng ta đều nghĩ ngay đến những người tuổi đã cao, từng trải và có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, được bà con kính nể, tín nhiệm. Vậy nên khi tiếp xúc với một người có uy tín mà tuổi đời còn trẻ như anh Hoàng Đình Khóa, chúng tôi khá bất ngờ. Mới 37 tuổi, anh Khóa đã được người dân xóm Tân Thái, xã Linh Thông (Định Hóa) bầu chọn là người có uy tín 7 năm liên tục. Trò chuyện hồi lâu, rồi trực tiếp chứng kiến những việc anh Khóa làm được, chúng tôi nhận thấy sự tín nhiệm của bà con dành cho anh là có cơ sở. Ở một xóm thuần nông còn nhiều khó khăn, anh là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Khu ao cá rộng cả héc-ta, kết hợp với chuồng trại chăn nuôi và vườn cây ăn quả được gia đình anh quy hoạch khoa học, cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có 365 người có quy tín trong cộng đồng được nhân dân bầu chọn. Thời gian qua, cấp ủy chính quyền các cấp của huyện đã tăng cường cung cấp thông tin; bồi dưỡng kiến thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình chính sách dân tộc, giảm nghèo, cũng như kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cho những người có uy tín để họ ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của mình.

“Sau khi xuất ngũ, tôi quyết định về quê lập nghiệp và tham gia công tác Đoàn thanh niên. Lợi thế của tôi là trẻ tuổi, cùng với sự nhiệt tình nên cáng đáng được nhiều công việc tập thể. Mỗi khi có buổi họp xóm, tôi đều tham gia đóng góp những ý kiến xác đáng nên được bà con tin tưởng” - anh Khóa chia sẻ. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn thường xuyên giúp đỡ mọi người bằng vốn và kinh nghiệm sản xuất; tích cực cùng ban công tác mặt trận vận động bà con hiến đất làm đường giao thông. Anh bảo: “Tôi nghĩ đơn giản được bà con tin tưởng đã là vinh dự rất lớn, thế nên việc gì có lợi cho tập thể sẽ hết sức làm. Quê hương ngày càng ấm no thì bản thân cũng cảm thấy tự hào”. 

Cũng với suy nghĩ như vậy nên nhiều năm nay, ông Triệu Văn Quản, ở thôn Làng Bầng, xã Đồng Thịnh (Định Hóa) luôn kiên trì gắn bó và duy trì làng nghề dệt mành cọ ở đây. Ông Quản là người đầu tiên đưa nghề truyền thống này về xã Đồng Thịnh và làng nghề ở đây từng có thời kỳ phát triển rất mạnh với hàng trăm khung dệt. Tuy nhiên, do những thay đổi về nhu cầu trên thị trường, có sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp nên những năm gần đây mành cọ giảm giá và khó bán. Vì vậy, nhiều hộ bỏ nghề chuyển sang làm việc khác. Riêng ông Quản vẫn quyết tâm bám trụ và vận động mọi người cùng làm. Ông bảo: Tuy có thời điểm khó nhăn, nhưng nhìn chung nghề này phù hợp với khu vực nông thôn, có thể tranh thủ lúc nông nhàn và người có tuổi cũng làm được. Ngoài ra, nguyên liệu sẵn có cũng là một lợi thế, lá cọ già không khai thác để khô hỏng rất lãng phí. Quyết tâm của ông Quản đã truyền thêm động lực cho mọi người, nguồn khách hàng cũng được ông liên hệ ký kết lâu dài. Hiện nay, Tổ làng nghề của thôn duy trì 21 hộ thành viên với hơn 30 khung dệt. Ông Quản cho biết: Nếu quen tay, một khung dệt làm được 20 chiếc mành/ngày; lợi nhuận khoảng 300 nghìn đồng cho 2 người. Tiền công không cao nhưng chấp nhận được ở vùng nông thôn với đa phần là lao động cao tuổi”.

Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế, những người có uy tín ở Định Hóa còn đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua, xây dựng đời sống văn hóa. Hầu hết người có uy tín là thành viên tích cực của các tổ dân vận, tổ hòa giải để tạo sự đồng thuận ở cơ sở. Bà La Thị Công, ở xóm Đồng Khiếu, xã Tân Thịnh là một trong những trường hợp như vậy. Là người có uy tín nên bất cứ khi nào tập thể có công việc, cán bộ xóm đều đến tham khảo ý kiến bà; gia đình có đám cưới, giỗ chạp hay đặt tên con cũng trân trọng mời bà đến dự. Đặc biệt, bà Công được biết đến là người hóa giải thành công nhiều mâu thuẫn gia đình, hàng xóm láng giềng. Bà kể: Có cặp vợ chồng trẻ mâu thuẫn, anh chồng ở rể luôn có tâm lý phụ thuộc nhà vợ nên nhiều khi phát sinh tiêu cực, uống rượu say bỏ bê công việc. Chị vợ vì thế có đôi lúc to tiếng, cự cãi mà thành ra mâu thuẫn. Người thân trong nhà khuyên bảo không được. Tôi là người ngoài đến hòa giải mang tính khách quan, mình nhiều tuổi nên trước hết họ nể trọng mà ngồi lắng nghe. Sau rồi nói chuyện có tình có lý, phân tích hơn thiệt cho cả hai vợ chồng cùng hiểu mà bỏ qua cái tôi cá nhân. Giờ thì gia đình đã rất hòa thuận, năm nào cũng dắt con sang nhà tôi chúc Tết từ sớm”.

Ông Lưu Hồng Khoa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Định Hóa đánh giá: Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số là những “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, địa bàn giáp ranh thì họ đã cùng cán bộ ở cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước từ bỏ hủ tục lạc hậu; đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Xác định phát huy vai trò của người có uy tín là nhân tố quan trọng góp phần giữ ổn định chính trị các vùng dân tộc thiểu số nên huyện luôn động viên, tạo điều kiện để họ phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên tại mỗi địa bàn.