Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông

17:46, 01/11/2019

Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ và đồng bộ. Từ nguồn lực của Nhà nước kết hợp vận động nhân dân đóng góp, đến nay các tuyến đường liên thôn, bản đến các trung tâm xã đã được đổ bê tông kiên cố; đường cao tốc, vành đai, liên xã, liên huyện không ngừng mở mới, nhiều cây cầu được xây dựng kết nối các vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh, tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước... 

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung triển khai và hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng loạt các dự án như: Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3 cũ; Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại a (TCVN5729-97), tốc độ thiết kế 100km/giờ đã được đưa vào khai thác, sử dụng; Dự án xây dựng mới Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới, Bắc kạn đã được đầu tư đưa vào khai thác. Đặc biệt, hai dự án trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 đang được đầu tư theo đúng kế hoạch, gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, đã hoàn thành giai đoạn I và đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2018; Dự án đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông Tây, khu Tổ hợp yên Bình và cầu vượt sông Cầu) với tổng mức đầu tư 966,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đang được Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh triển khai xây lắp theo đúng tiến độ, theo kế hoạch sẽ xong trong tháng 6-2020.

Bên cạnh đó, các dự án giao thông đô thị do các địa phương làm chủ đầu tư cũng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông tỉnh. Cụ thể là Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu tỉnh Thái Nguyên gồm nhiều dự án thành phần cầu vượt sông Cầu đang được uBND T.P Thái Nguyên tổ chức theo kế hoạch. Trong đó, dự án cầu Bến Tượng đã hoàn thành, được đưa vào khai thác sử dụng năm 2018, tạo điểm nhấn về kiến trúc giao thông đô thị hiện đại, năng động và đổi mới. Cũng trong thời gian qua, để đón đầu các dự án FDI vào tỉnh, các dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp trọng điểm với hệ thống Quốc lộ và mạng lưới giao thông của tỉnh đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, phát huy hết hiệu quả đầu tư của dự án. Đơn cử như các dự án phục vụ việc sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn samsung tại kCN yên Bình, T.X Phổ yên, gồm: Đường Ba Hàng Tiên Phong; đường gom Quốc lộ 3 mới giai đoạn 1 từ nút giao yên Bình đến nhà máy; đường gom Quốc lộ 3 mới giai đoạn 2 từ nhà máy đến kCN Điềm Thụy; đường 47m đoạn qua khu vực nhà máy và kết nối với nút giao yên Bình, Đường tỉnh 261 được đồng loạt triển khai, kết nối liên hoàn giữa khu công nghiệp với mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh đến một loạt các tỉnh như: Thủ đô Hà Nội, Bắc giang, Lạng sơn, Tuyên Quang, từ đó liên hoàn đến các khu vực kinh tế lớn khác trong khu vực. Qua hệ thống giao thông mới được đầu tư hoặc nâng cấp cải tạo đã giúp lưu thông hàng hóa được thuận tiện và rút ngắn khoảng cách vận chuyển. 

Cùng với đó, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm đầu tư và đang phát huy hiệu quả. Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất… để kiên cố hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, cứng hóa được 8.005km đường giao thông nông thôn; tỷ lệ đường được kiên cố hóa đã tăng từ 44,5% năm 2016 lên 77% năm 2019 và ước đạt trên 80% vào năm 2020. 

Nhờ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đến nay, toàn tỉnh có 4.831,6km đường bộ, trong đó có 1 tuyến cao tốc; 7 tuyến Quốc lộ (Quốc lộ 3 cũ, Quốc lộ 3 mới, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 37, Quốc lộ 3C, Quốc lộ 17 và Đường Hồ Chí Minh) với chiều dài 323km (tăng 4 tuyến so với năm 2015); 20 tuyến đường tỉnh dài 374km; 159km đường đô thị, 742km đường huyện và 3.232km đường xã. 100% tỉnh tuyến Quốc lộ và cao tốc đã được thảm bê tông nhựa với chất lượng phục vụ khá. Trên 95% chiều dài các tuyến đường tỉnh được nhựa hóa, mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 5-5,5m; nhựa hóa và bê tông hóa đường trục xã, liên xã 1.053km. Cứng hoá đạt chuẩn đường trục thôn xóm được 2.044km. Toàn tỉnh đã kéo tăng tỷ lệ đường được bê tông từ 16,9% năm 2015 lên 46,95% năm 2019; bê tông nhựa và nhựa hóa từ 28,31% năm 2015 lên 34,16% năm 2019. Tỷ lệ đường đất giảm mạnh từ 43,68% năm 2015 còn 11,56% năm 2019. 

Đồng chí Lê Văn Vịnh, giám đốc sở giao thông - Vận tải nhận định: Với phương châm kết nối để phát triển, tỉnh đang tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, từng bước giải quyết điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Ðiều này sẽ tạo thêm sức lan tỏa, kích thích phát triển không chỉ của tỉnh, mà còn của các địa phương trong vùng kinh tế phía Bắc với hệ thống đường cao tốc, Quốc lộ, đường tỉnh, đường vành đai T.P Thái Nguyên tạo thành hệ thống các trục dọc Bắc - Nam, trục ngang Đông - Tây, hệ thống nan quạt hướng tâm, hệ thống vành đai liên huyện với trung tâm T.P Thái Nguyên, cùng mạng lưới đường đô thị, đường giao thông nông thôn đảm bảo giao thông thông suốt gắn kết chặt chẽ với mạng giao thông Quốc gia, với tuyến liên vận quốc tế nối với cửa khẩu Hữu Nghị sang Trung Quốc, nối liền các khu vực đô thị, các vùng kinh tế động lực, các vùng vành đai kinh tế của tỉnh...