Kỳ 2: Chuyển biến sau công bố
Ngày càng có nhiều chỉ số được tiến hành khảo sát, đánh giá và công bố hàng năm trên phạm vi toàn quốc. Mỗi chỉ số lại là "thước đo" riêng trên từng lĩnh vực, phản ánh kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế của các đơn vị trong một giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, PCI vẫn được cấp ủy, chính quyền các cấp dành sự quan tâm hơn cả, do chỉ số này phản ánh khá toàn diện các mặt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là về môi trường đầu tư kinh doanh. Đối với DDCI, từ khi chỉ số này được tỉnh Thái Nguyên đưa vào đánh giá, bước đầu đã tạo được sự thay đổi từ phía các sở, ngành, địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết cấp xã, các quy hoạch chuyên ngành là một trong những giải pháp được nhiều địa phương triển khai nhằm góp phần nâng cao chỉ số PCI và DDCI. |
Kênh tham khảo quan trọng
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án PCI, chia sẻ: Nếu như những năm đầu khi PCI được công bố, còn có những ý kiến trái chiều, thì nay, chỉ số này ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư trong việc sử dụng kết quả đánh giá PCI như một công cụ đo lường, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của một tỉnh, thành phố. Nhiều nhà đầu tư lớn đã tham khảo điểm chấm PCI hằng năm của các địa phương trước khi có ý định đầu tư. Hay HĐND nhiều tỉnh, thành phố lấy PCI làm căn cứ để thực hiện chất vấn UBND tỉnh về một số lĩnh vực trong công tác điều hành...
Còn với DDCI, sau khi kết quả được công bố, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị được đánh giá cũng thấy được sở, ngành, địa phương mình đang ở đâu; đã làm tốt những gì, cần kê chỉnh ở đâu để cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng...
Về phía người đứng đầu, đây có thể được xem là một trong những "thước đo" thể hiện ưu, nhược điểm trong công tác chỉ đạo điều hành. Có lẽ bởi vậy mà đối với huyện Phú Bình và Sở Xây dựng - 2 đơn vị xếp vị trí cuối cùng của 2 bảng đánh giá DDCI năm 2021, khi chúng tôi nhiều lần đặt vấn đề để phỏng vấn xung quanh nội dung cải thiện chỉ số này trong thời gian tới, đều nhận được câu từ chối, với lý do "chưa làm được gì, chưa có gì để nói"...
Những quyết tâm từ tỉnh
Năm nào cũng vậy, ngay sau khi PCI được công bố, dù thứ hạng cao hay thấp, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh đều tổ chức hội nghị đánh giá, kiểm điểm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau nên kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Và một trong những nguyên nhân được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đưa ra là do còn thiếu sự sát sao trong công tác kiểm tra, giám sát đối với các sở, ngành, địa phương, dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” ở một số nơi.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với DN. Trong ảnh: Đại diện DN tham gia buổi đối thoại do Sở Xây dựng tổ chức hồi đầu tháng 8-2022. Ảnh: T.L |
Trong năm 2022, ngoài việc tỉnh tổ chức họp, đánh giá, tìm giải pháp để nâng cao Chỉ số PCI hồi tháng 5, đến ngày 27-7, UBND tỉnh đã có Công văn số 3520/UBND-TH về tăng cường đối thoại với cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó nêu rõ: Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức đối thoại với cộng đồng DN đảm bảo chất lượng, thực chất, hiệu quả; có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Riêng năm 2022, cuộc đối thoại lần đầu phải thực hiện xong trước ngày 30-8.
Trước đó, nội dung về đối thoại cũng đã được đề cập tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Bà Hoàng Thị Quế Lan, Giám đốc Công ty Bảo hiểm MB, Trưởng Cụm hội viên Hội Nữ doanh nhân tỉnh: Các chương trình tập huấn của tỉnh giúp chúng tôi đã hiểu rõ hơn về PCI. Từ đây, chúng tôi có trách nhiệm truyền đạt tới hội viên của mình để góp phần nâng cao chỉ số này. |
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã tổ chức 2 hội nghị để đánh giá, tập huấn nâng cao chỉ số này với sự tham gia của đại diện lãnh đạo VCCI, các Hiệp hội, hội DN tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là nội dung được lãnh đạo tỉnh lưu ý, nhấn mạnh trong nhiều cuộc họp.
Chuyển động của các sở, ngành, địa phương
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, tính đến nay, đã có hàng chục sở, ngành, địa phương tổ chức hội nghị đối thoại với DN. Tuy nhiên, điều mà DN thực sự cần chính là những chuyển biến thiết thực sau các Hội nghị này...
Về vấn đề nâng cao chỉ số PCI và DDCI, ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: UBND huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị về cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Đối với 2 chỉ số Đại Từ đứng tốp cuối (Mức độ chuyển đổi số và Chi phí thời gian), huyện đã giao cơ quan chuyên môn tham mưu để thành lập Trung tâm điều hành thông minh IOC phục vụ người dân và DN ngay trong năm 2022; tiếp tục tăng cường chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công mức độ 3,4. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo rà soát lại thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết các công việc, đặc biệt là đề xuất của nhà đầu tư; có kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại với DN. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch chung; tích cực triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng những dự án đang triển khai...
Còn theo ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Việc Phổ Yên xếp thứ 5/9 huyện, thành phố trong đánh giá DDCI 2021 đặt ra cho địa phương không ít băn khoăn, trăn trở, đặc biệt là 2 chỉ số xếp cuối là Cạnh tranh bình đẳng và Chi phí thời gian. Căn cứ vào kết quả chấm điểm này, thành phố sẽ đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể đến từng cấp. Trong đó, chú trọng tổ chức các cuộc đối thoại với DN một cách thường xuyên, thực chất và hiệu quả hơn.
(Còn nữa...)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin