Thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chỉ thị và cuộc sống

16:53, 13/06/2007

Trong câu chuyện bên ấm trà với chúng tôi về việc cưới những năm gần đây, ông Phạm Cương, cán bộ hưu tổ 11, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên trầm ngâm: Thời tôi còn làm ở cơ quan Nhà nước, đám cưới đơn giản lắm, chủ yếu mang tính chất thông báo với bạn bè bà con chòm xóm việc cho con ra ở riêng...

Quà mừng cưới chủ yếu là hiện vật bọc trong giấy hồng: Vài chiếc chậu nhôm, cái phích nước nhãn hiệu Rạng Đông... toàn những thứ cần thiết cho cuộc sống vợ chồng đôi trẻ. Bây giờ đúng là có những cán bộ công chức lạm dụng đám cưới con cái: Lạm dụng thời gian, tiền bạc. Mời cưới thường vào giờ hành chính để... tiện cho cán bộ cơ quan đi ăn cưới. Chẳng thế mà có lần tôi đến một đơn vị Nhà nước có chút việc, gần 10h sáng, phòng nào cũng để điện, quạt chạy vù vù nhưng... không thấy người đâu. Hỏi ra mới hay cán bộ công nhân viên trong cơ quan tranh thủ đi... ăn cưới đồng nghiệp. Hết chuyện cưới ông lại nhớ sang chuyện lễ tết. Ông bảo đơn vị nào chẳng có ngày truyền thống, nhớ đến ngày ấy là tốt, nhưng cứ phải phô trương, hoành tráng là không cần thiết. Trang trọng nhưng tiết kiệm là được. Chúng tôi bảo ông rằng những gì ông nói là đúng và điều ông mong muốn đang được thực hiện bằng Chỉ thị 15 của tỉnh uỷ, ông cười mà rằng: Tôi có được nghe nhắc đến chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các cuộc họp. Quan trọng là ý thức của cán bộ công chức, khi có ý thức việc thực hiện dễ dàng, hơn nữa những quy định đều xuất phát từ lợi ích của cuộc sống thì không có lý gì lại khó thực hiện.

Lại nhớ cách đây một tuần, có dịp trò chuyện với anh Phạm Trần Ninh, thôn Thanh Phong, xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên. Với cách nói mộc mạc của người nông dân anh bảo: Tôi chỉ biết mới đây có một quy định đám cưới đám tang phải thực hiện văn minh tiết kiệm, nhà có đám ma không được để người chết quá lâu trong nhà. Thực ra những quy định này đâu có gì xa lạ với người nông dân chúng tôi vì điều này trong hương ước của xóm đã có, mọi nhà vẫn thực hiện. Tất nhiên không phải là không có trường hợp vi phạm nhưng đó là cá biệt. Chúng tôi đâu cần những việc xa vời, cứ thiết thực đến đời sống là chúng tôi quan tâm. Đúng là ở nông thôn có tình trạng ăn cỗ trả nợ miệng, nhưng giờ đây đã giảm nhiều, có thêm quy định từ trên chúng tôi càng có điều kiện thực hiện tốt hơn. Ra chỉ thị buộc người dân thực hiện cũng là một cách làm hay.

Không riêng gì với anh Ninh mà khá nhiều người dân khi chúng tôi hỏi chuyện đều cho rằng những quy định trong Chỉ thị 15 đều sát với thực tế và một số quy định người dân đã thực hiện nhiều năm nay. Việc Chỉ thị ra đời sẽ làm cho quá trình thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn.