Hiện nay, nhiều dự án lớn có nhu cầu tuyển dụng tới cả chục nghìn lao động đang được đầu tư vào Thái Nguyên. Đây là cơ hội thực sự đối với lực lượng lao động địa phương trong tìm kiếm, giải quyết việc làm. Tuy vậy, một thực tế là lượng lao động mà chúng ta đáp ứng được cho các dự án này chưa nhiều. Tình trạng "chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa" trong bố trí lao động đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Là một Dự án có quy mô lớn, nên trong lộ trình hoàn thiện và đưa vào vận hành, Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo cần tới khoảng 3.000 lao động. Hiện nay, theo kế hoạch tuyển dụng thì khi đi vào vận hành, Dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động phổ thông tại địa phương (huyện Đại Từ). Số còn lại sẽ lấy lực lượng lao động có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản. Tuy vậy, theo nhận định của các nhà quản lý Dự án này thì số lượng lao động chuyên môn tuyển dụng từ địa phương sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu đặt ra mà phải huy động thêm từ bên ngoài tỉnh.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục dự án lớn của tỉnh đang có nhu cầu cao về lao động. Nhưng thực chất lao động địa phương lại không đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án. Một điều mà ai cũng thừa nhận là lao động chuyên môn được đào tạo bài bản của chúng ta còn thiếu rất nhiều. Theo thống kê của ngành Lao động-TB&XH thì hiện nay Thái Nguyên đang còn khoảng 25 nghìn lao động thất nghiệp, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông. Hàng năm, tỉnh cũng đã giải quyết được hàng chục nghìn lao động, nhưng trong đó lao động cho các dự án, các doanh nghiệp còn ít. Như vậy, lao động không có việc làm vẫn còn khá nhiều trong khi nhu cầu tuyển dụng của các dự án lại khá cao. Điều cốt lõi là sự khâu nối giữa lực lượng lao động và nhu cầu lao động của chúng ta chưa thật tốt. Câu chuyện về bố trí lao động đang đi đến một tình huống “chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa”.
Điều tiết, bố trí lao động để dần đáp ứng được nhu cầu của các dự án trong tỉnh đang là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Chúng ta đều hiểu một lẽ, bất kể dự án nào khi đầu tư, một trong những điều quan tâm hàng đầu của chủ dự án là nguồn lao động huy động tại địa phương. Bản thân mỗi địa phương cũng rất mong muốn điều đó. Theo ông Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Quản lý lao động - Sở Lao động - TB&XH thì chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, các cơ quan quản lý, các tổ chức, cơ sở đào tạo, hướng nghiệp, nên chưa đáp ứng được tối đa lao động cho các dự án. Cũng theo ông Long, hàng năm các khu công nghiệp, các dự án lớn chuẩn bị đầu tư phải xây dựng kế hoạch ngành nghề cần tuyển dụng đăng ký với tỉnh để tỉnh có phương án đào tạo lao động kịp thời. Hiện nay, tỉnh đang dành một phần kinh phí cho đào tạo nghề hàng năm, nhưng sự khớp nối với các dự án, các doanh nghiệp chưa cao, nên việc đào tạo lao động còn chưa sát nhu cầu thực tế.
Được biết, để có hướng mở cho vấn đề này, cùng với nỗ lực tạo việc làm cho lao động, Sở Lao động - TB&XH đang có kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về giải quyết lao động cho các dự án trên địa bàn. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh thực hiện hiệu quả chiến lược đào tạo, bố trí lao động hợp lý tránh trường hợp “chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu” trong thời gian tới.