Phú Bình xây dựng kết cấu hạ tầng

08:26, 28/10/2007

Những năm qua, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) luôn quan tâm tới việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Nhiều công trình, hệ thống kênh mương, hồ đập, giao thông, cầu cống, phòng học, trạm y tế, trạm điện… được nâng cấp, cải tạo và đầu tư xây dựng mới. Nhờ đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. 6 năm đầu tư trên 130 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng

Trong 6 năm từ 2001-2006, Phú Bình đã quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố hoá 148 km kênh mương nội đồng; xây mới hồ Hố Cùng (Tân Thành), Đồng Quan (Bàn Đạt), cải tạo tu sửa các tuyến kênh mương, hồ đập nâng diện tích chủ động nước tưới lên 5.107ha, chiếm 36,3% so với tổng diện tích đất nông nghiệp trên toàn huyện. Mở mới được hai tuyến đường Quốc lộ 3-Điềm Thuỵ dài 5,2km, nâng cấp rải nhựa, bê tông 5 tuyến đường với tổng chiều dài 19,7km; bê tông hoá đường giao thông nông thôn bằng nguồn vốn đối ứng và nhân dân đóng góp được 27,5km. Xây dựng mới 3 cầu trên tuyến sông Đào (cầu kênh, cầu Đoàn Kết và cầu Đào Xá).

Cho đến nay, bằng các nguồn vốn đầu tư, hầu hết các trường mầm non của huyện được xây dựng mới. Nhiều trường tiểu học được xây dựng bằng vốn tài trợ của nước ngoài; nhiều trường THCS được xây dựng kiên cố bằng vốn ADB, vốn đối ứng của địa phương. Về trạm y tế, mới chỉ có 6/21 trạm y tế được đầu tư xây dựng mới còn hầu hết các trạm đang trong tình trạng xuống cấp...

Toàn huyện hiện có 110 trạm biến áp, riêng ngành điện đầu tư giai đoạn 2001-2005 nâng cấp lưới điện xây dựng mới 39 trạm biến áp, 41,26 km đường dây cao thế, 172 km đường hạ thế, 6.770 công tơ tổng trị giá 38 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xây dựng các công trình ở Phú Bình trên 130 tỷ đồng. Số vốn đầu tư này thực sự là sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền địa phương.

Đối mặt với những khó khăn

Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi thì ở Phú Bình, lĩnh vực giao thông có thể coi là kém nhất tỉnh. Ông Phạm Văn Oanh, Trưởng phòng Kế hoạch- Đầu tư cho biết: Trong tổng số 131 km đường giao thông do huyện quản lý hiện mới chỉ có 25 km đường nhựa và đường bê tông, còn lại là đường cấp phối đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa cũng hạn chế. Theo Quyết định số 1782/QĐ-UB ngày 29-7-2004 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Quản lý và bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn, kinh phí hằng năm dành cho duy tu, sửa chữa mỗi km là 6 triệu đồng (trong đó ngân sách tỉnh 4 triệu đồng, ngân sách huyện 2 triệu đồng) song do ngân sách hạn hẹp, đoạn đường nào hư hỏng sửa chữa đoạn đó để tránh ách tắc giao thông. Do vậy, năm 2006, tổng vốn duy tu sửa chữa chỉ có 110 triệu đồng (vốn ngân sách huyện), năm 2007 ghi vốn 116 triệu đồng. Như vậy, kinh phí của huyện mới chỉ đáp ứng được 14% theo đề án của UBND tỉnh.

Ngoài giao thông, các trường tiểu học, trạm y tế của một số xã cũng đã xuống cấp. Là huyện không có lợi thế về địa lý, ít nguồn tài nguyên khoáng sản, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thu ngân sách trên địa bàn chỉ đảm bảo chi 5% tổng chi của huyện, nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh vào huyện còn quá ít so với yêu cầu, việc huy động nội lực của địa phương còn hạn chế. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ huyện đến cơ sở chưa tập trung, còn phân tán ở nhiều ngành, nhiều cấp.

Điều kiện của sự phát triển

Xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là điều kiện của sự phát triển, Phú Bình đã xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2010, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của huyện dự kiến trên 270 tỷ đồng cho các công trình kết cấu hạ tầng bao gồm giao thông, thuỷ lợi, điện nước, trường học, trạm y tế…. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 192,822 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp là 36,1 tỷ đồng, còn lại là vốn dự án và vốn doanh nghiệp.

Những công trình thực hiện năm 2007 cụm hồ chứa nước Cầu Cong (Tân Khánh), Bờ La (Tân Kim), tuyến đường Cầu Ca- Dương Thành; tuyến Cầu Mây- Đồng Liên... Để thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn, đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc xây dựng, lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết cho từng dự án; tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân đầu tư vốn vào các lĩnh vực theo đúng quy định của Nhà nước. Tranh thủ tối đa nguồn vốn bên ngoài, vốn ngân sách Nhà nước, huy động nội lực trong dân, vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.