Thái Nguyên: Chuyện thâm canh lúa cao sản ở vựa lúa Đại Từ

08:30, 28/10/2007

Vẫn con người ấy, mảnh ruộng ấy… nhưng trước đây người nông dân làm lụng vất vả, vẫn quẩn quanh trong đói nghèo. Giờ không chỉ đủ ăn mà nhiều hộ nông dân còn có của ăn của để, bộ mặt nông thôn đã thay da đổi thịt từng ngày, nhờ tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, thâm canh tăng năng suất cây trồng.

Xóm Liên Minh, xã Phú Lạc (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) là xóm có nhiều người miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 1960; năng suất lúa nơi đây đạt ở mức cao nhất nhì huyện Đại Từ (70-100 tạ/ha). Cánh đồng La Kiện trải rộng mênh mông, xanh mướt màu lúa non, ông Nguyễn Thái Mọc, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc tự hào giới thiệu với chúng tôi: Cánh đồng La Kiện là cánh đồng rộng, bằng phẳng và đẹp nhất xã Phú Lạc. Tôi sinh ra và lớn lên ở đất này, từ ngày biết cắm rảnh mạ xuống đồng đến nay, chưa thấy năm nào cánh đồng La Kiện phải chịu hạn hán hay ngập úng. Hồ Cây Nhừ là nơi điều tiết nước rất tốt cho cánh đồng này.

Cùng với sự nhanh nhạy về chuyển đổi cơ cấu giống mới, cũng như tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất của bà con xóm Liên Minh, nên năng suất lúa ở đây lúc nào cũng đạt cao nhất xã. Kể cả những năm thời tiết khô hạn thì cánh đồng La Kiện vẫn cho năng suất đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhờ tìm phương hướng làm ăn phù hợp ở vùng đất mới, nhiều hộ dân nơi đây đã nhanh chóng thoát nghèo và có cuộc sống khá giả.

Không chỉ có Liên Minh đã thoát ra khỏi đói nghèo nhờ đưa các loại giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao vào thâm canh trên đồng ruộng, mà rất nhiều xóm, bản thuộc 31 xã, thị trấn của huyện Đại Từ đã và đang tích cực làm tốt việc đó. Từ nhiều năm trở lại đây huyện Đại Từ đã trở thành một trong những vựa lúa chính của tỉnh.
Năm 2007, chỉ tiêu về sản lương thực của huyện là 74.500 tấn (thóc 69.000 tấn; ngô 5.500 tấn), tăng 4.500 tấn so với năm 2006. Để đạt được chỉ tiêu đó quả thật không phải là điều đơn giản. Một trong những giải pháp được huyện đưa ra là tăng diện tích lúa thâm canh cao sản, nhằm nâng cao năng suất trên cùng một đơn vị diện tích.

Diện tích cấy lúa cao sản của huyện là 6.700/12.563 ha, chủ yếu bằng các giống lúa lai và lúa thuần (trong đó diện tích lúa lai là 2.200 ha, phấn đấu năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha; lúa thuần thâm canh cao sản là 4.500 ha, năng suất bình quân là 55-58 tạ/ha). Đối với lúa lai sử dụng các giống chủ yếu: TH33, VL20, Bồi tạp Sơn Thanh, Bồi tạp 49, Nhị ưu 838, lúa lai thơm HYT100; đối với lúa thuần sử dụng các giống KD 18, QNT1, Q5.

Yêu cầu về chất lượng, ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân chỉ dùng giống lúa lai do các đơn vị được giao nhiệm vụ cung ứng; các giống lúa thuần nguyên chủng, không dùng thóc thịt đã qua sử dụng nhiều vụ để làm giống. Đối với thóc giống nông dân tự nhân giống, phải được kiểm tra cụ thể, đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ thuần, tỷ lệ nảy mầm… mới sử dụng làm giống.

Diện tích cấy lúa lai và thực hiện biện pháp thâm canh cao sản được bố trí thành vùng tập trung, trên đất tốt, chủ động tưới tiêu… thuận lợi cho việc chỉ đạo, chăm sóc theo các biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Các hộ nông dân thực hiện chương trình đều được tập huấn kỹ thuật trước gieo cấy để lựa chọn diện tích phù hợp, thực hiện trong cả vụ xuân và vụ mùa. Đảm bảo cơ cấu giống vụ xuân: Trên 95% diện tích xuân muộn, dưới 5% diện tích xuân chính vụ. Đối với vụ mùa: 55% diện tích mùa sớm; 45% diện tích mùa trung. Để khuyến khích bà con sản xuất lúa thâm canh cao sản, ngoài mức đã được tỉnh hỗ trợ, huyện trợ giá giống lúa lai là 5.000 đồng/kg…

Thời tiết năm nay có diễn biến phức tạp, hạn hán kéo dài, song nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo từ huyện đến cơ sở, phòng chức năng, diện tích lúa vụ xuân cơ bản đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Khó khăn vẫn còn ở phía trước, song chúng tôi tin với cách làm của huyện Đại Từ, mọi khó khăn nhất định sẽ được đẩy lùi cho mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.