Thái Nguyên: Lời giải cho bài toán phát triển nông nghiệp đô thị

07:48, 28/10/2007

Đất nông nghiệp liên tục bị thu hẹp do tốc độ đô thị nhanh và phải dành mặt bằng cho sản xuất công nghiệp, nhưng hiện vẫn còn gần 60% dân số của T.P Thái Nguyên sống nhờ vào nông nghiệp. Do đó vấn đề phát triển nông nghiệp tại đô thị theo hướng hàng hoá đang được chính quyền Thành phố đặc biệt quan tâm...

Khu vực sản xuất nông nghiệp của T.P Thái Nguyên luôn có mức tăng trưởng ổn định và giá trị kinh tế cũng thuộc diện cao so với 8 huyện, thị trong tỉnh. Nhưng, trong cơ cấu kinh tế của Thành phố những năm gần đây sản xuất nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng gần 5% và có thể sẽ tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới.

Mặc dù không có vai trò lớn trong cán cân kinh tế nhưng khu vực sản xuất nông nghiệp lại góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như: Tạo việc làm thường xuyên, mùa vụ cho gần 60% lao động; cung ứng khối lượng lớn nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân Thành phố...

T.P Thái Nguyên đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi để dần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sang hướng hoá. Cụ thể, trong trồng trọt, từ năm 2005, Thành phố đã thực hiện thí điểm mô hình trồng hoa tại các địa phương như: Túc Duyên, Quang Vinh, Tân Long và Quyết Thắng. Sau 2 năm thực hiện, bước đầu chương trình này đã cho kết quả tốt, có sự đột phá trong tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác (1ha trồng hoa cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm). Từ 3 gia đình được chọn làm điểm những năm trước đây, giờ trên địa bàn Thành phố đã có khoảng 30 hộ chuyên trồng các loại hoa đem lại giá trị kinh tế cao.

Một loại hình sản xuất nông nghiệp khác cũng được Thành phố quan tâm đầu tư đó là rau an toàn: Trồng thử nghiệm 700m2 từ năm 2003 đến nay đã nhân rộng ra 4ha rau an toàn với mức thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. T.P Thái Nguyên đang quy hoạch để chuyển dịch khoảng 300ha đất cấy lúa ở Túc Duyên, Quang Vinh, Quyết Thắng và một số xã ngoại thành khác sang trồng rau an toàn. Cùng đó là có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền quảng bá giúp người dân tiêu thụ sản phẩm rau an toàn thuận lợi hơn.

Cây chè-một lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của T.P Thái Nguyên cũng nhận được sự đầu tư thích đáng: Vùng chè đặc sản đã được quy hoạch tại 6 xã miền Tây; nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân về canh tác, sơ chế chè được mở tại các thôn xóm; có cơ chế hỗ trợ giá giống chè mới... Nên trong 5 năm qua đã có 168ha chè LDP1, TRI777, Kim Tuyên, Ngọc Thuý... được trồng thay thế giống chè trung du và ngay trong năm 2006 bà con nông dân ở Thành phố cũng đã trồng lại 85ha chè giống mới. Mục tiêu từ nay đến năm 2010, Thành phố sẽ trồng mới, trồng thay thế 500ha chè gống mới, đưa tổng diện tích chè lên khoảng 1.500ha, đảm bảo đủ nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến chè trên địa bàn.

So với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi không nhận được đầu tư lớn bởi vấn đề dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Thành phố cũng đã xây dựng đề án chăn nuôi gia súc, gia cầm với các chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp bắt tay với bà con nông dân thành lập trang trạng chăn nuôi theo mô hình khép kín. Kết quả là đã xuất hiện 11 trang trại chăn nuôi gia cầm, 40 trại nuôi lợn khép kín, được kiểm tra từ khâu chọn con giống, quy trình chăn nuôi tới việc đưa sản phẩm ra thị trường.

Các mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi ở T.P Thái Nguyên thời gian gần đây tuy mới ở dạng sau sản xuất khảo nghiệm, phạm vi chưa rộng nhưng với cách làm này lời giải của bài toán sản xuất nông nghiệp tại đô thị đã dần hé mở.