Thái Nguyên: Những thanh niên biết khẳng định mình

08:22, 28/10/2007

Chiếc “chìa khoá” mở “kho vàng” trên vùng chè Chính Phú 1, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ đã được các bạn trẻ Chi đoàn thanh niên tìm ra. Đó là cách làm việc khoa học, đầu tư có bài bản. Hiện tại, các bạn trẻ ở đây đang cùng nhau xây dựng thương hiệu chè Chính Phú.

Chịu đầu tư ban đầu, cây chè ở đây sẽ cho sản phẩm có chất lượng, giá trị ngang ngửa với chè Tân Cương, T.P Thái Nguyên-một bạn trẻ khẳng định với chúng tôi ngay bên ấm trà cốt 1 của gia đình. Còn Lê Thanh Tùng, đoàn viên làm chè giỏi của CLB chè an toàn Chính Phú cho biết: Với hơn 1ha chè, tôi đầu tư chăm sóc, thu hái, chế biến đúng quy trình kỹ thuật, trung bình mỗi lứa thu hoạch đạt 7 triệu đồng, cao gấp đôi so với cách làm trước.

Nhìn nương chè giữa tiết xuân dễ làm người ta hồi tưởng đến thời mở đất, lập làng. Bà Lê Thị Dần xởi lởi: Chúng tôi đều người gốc Hà Nam, lên lập nghiệp năm 1965. Lúc đó ở đây đồi bãi rậm rịt, tối đến nằm nghe tiếng con tắc kè kêu “chẵn mưa, thừa nắng” để hôm sau biết đường dậy đi phát dọn đồi bãi. Chè được bỏ hạt kể từ đó và dần trở thành cây trồng chính của nông dân vùng này.

Bấm đốt tay, ông Phạm Đức Chiến, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc xóm cho biết: Nhiều nương chè ở đây đã hơn 40 tuổi. Từng ấy mùa mưa rửa trôi đất màu, nông dân lại quen dùng phân hoá học, phun thuốc trừ sâu, nên năng suất, chất lượng chè ngày một giảm.

Phải tin vào thế hệ trẻ. Ông Chiến khẳng định và bàn cùng vợ giao lại cho người con trai là Phạm Xuân Quang quản lý toàn bộ trên 1ha chè của gia đình. Là Bí thư Chi đoàn, Quang tập hợp đoàn viên, thanh niên trong xóm cùng xây dựng mô hình sản xuất mới, khác hẳn các cụ. Đó là cách đầu tư, kể từ việc bón phân chuồng cải tạo đất, đến việc chế biến ra thứ chè an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Điều những nông dân trẻ ở đây tranh cãi là: Liệu có đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hay chỉ uổng công gánh phân đổ đồi. Quang trả lời với mọi người bằng cách: Bắt đầu là một phần diện tích chè của gia đình được cuốc lật đất dõng, ủ phân chuồng, không dùng thuốc monitơ phun trừ sâu, mà dùng thuốc thảo mộc sinh học phun trước khi thu hái từ 10 đến 15 ngày. Sau đó là cách chế biến đảm bảo ra thứ chè móc câu, hà hơi vào thấy hương cốm xộc lên mũi, khi pha nước xanh, uống chát-ngọt hậu... Người tiêu dùng, chủ yếu là tư thương sành chè, vào tận nhà trả giá cao gấp đôi so với loại chè khác trong xóm.
Kết quả, mỗi đoàn viên, thanh niên thử nghiệm cánh làm chè mới trên một phần đất của gia đình. Rồi thành phong trào của xóm, nhà nào có điều kiện cũng tham gia làm chè chất lượng cao.

Mất 5 năm chuyển đổi dần tư duy sản xuất, ngày 3/3/2004, CLB thanh niên làm chè an toàn của Chi đoàn Chính Phú 1 chính thức ra mắt. CLB đã tập hợp được những nông dân trẻ vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Mọi người có điều kiện trao đổi với nhau về kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là có một nơi sinh hoạt bổ ích.Chủ nhiệm CLB, anh Phạm Xuân Quang cho biết: Vốn điều lệ hoạt động của CLB hiện đã có trên 30 triệu đồng, trong đó dành hơn 20 triệu đồng cho các thành viên vay đầu tư phát triển sản xuất. Hiện CLB có 10 ha chè đưa vào sản xuất theo chương trình ô mẫu, những diện tích chè già cỗi dần được thay thế bằng chè cành giống LDP1.

Đưa chúng tôi đến thăm vườn ươm chè giống mới LDP1 của gia đình, Phó Chủ nhiệm CLB, anh Lê Thanh Tùng cho biết: Tất cả có 10 vạn bầu cành giống sẽ được cung cấp trả chậm cho bà con trong xã... Tùng tâm sự: Chúng tôi cùng nhau xây dựng thương hiệu chè cho vùng đồi này, để chính lực lượng lao động trẻ quê tôi không phải tứ tán mưu sinh. Chúng tôi sẽ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.