Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả bền vững

08:29, 09/03/2010

Đồng Hỷ có trên 3.000 ha đất cấy lúa, trồng màu và gần 2.500 ha chè. Trong sản xuất chè, lúa, rau màu, thủy lợi đóng một vai trò quan trọng. Do đó, địa phương rất quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi lớn, nhỏ tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn canh tác thuận tiện, ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao trên cùng một diện tích đất canh tác.

 

Theo con đường bê tông phẳng phiu, chúng tôi tìm về Trạm bơm xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ). Hai bên đường, những đám ruộng đã được ken đầy mạ xanh ngăn ngắt. Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng máy bơm nổ ròn rã, tiếng nước chảy ào ào vui tai. Từ trạm bơm này, dòng nước mát của con sông Cầu sẽ đổ về khắp các cánh đồng. Đúng như lời ông Đỗ Văn Long, cán bộ phụ trách công tác thủy lợi của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chiếc máy bơm công suất 270m3/h mới được lắp đặt thay thế chiếc máy bơm đã cũ nát trước đây đang phát huy tác dụng, phục vụ tốt nhu cầu tưới cho diện tích rau màu cũng như cấy và dưỡng lúa của bà con nơi đây. Và đây chỉ là 1 trong 14 chiếc máy bơm mới được lắp đặt thay thế những chiếc máy bơm đã cũ nát phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp và chống hạn vụ xuân 2010 cho nông dân huyện Đồng Hỷ.

 

Đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đồng Hỷ có trên 3.000 ha đất cấy lúa, trồng màu và gần 2.500 ha chè. Trong sản xuất chè, lúa, rau màu, thủy lợi đóng một vai trò quan trọng. Do đó, địa phương rất quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi lớn, nhỏ tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn canh tác thuận tiện, ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao trên cùng một diện tích đất canh tác. Từ năm 2007 đến năm 2009, nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư xây mới với giá trị xây dựng lên đến 10-20 tỷ đồng như: Công trình trạm bơm ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng; công trình trạm bơm ở xóm Trại Cài, xã Minh Lập; hồ Đồng Cẩu, xã Hòa Bình... Ngoài ra, đầu vụ xuân năm 2010, từ nguồn cấp bù thủy lợi phí, kinh phí hỗ trợ phòng chống lụt bão năm 2009, vốn kích cầu của Chỉnh phủ, huyện đã đầu tư gần 6 tỷ đồng mua mới máy bơm, sửa chữa các trạm bơm, cứng hóa các tuyến kênh mương...

 

Hiện nay, Đồng Hỷ có 44 hồ chứa nước lớn nhỏ, 40 đập dâng, 50 trạm bơm, 134 công trình thủy lợi nhỏ và trên 122 km kênh mương đã được kiên cố, trong đó có một số hồ nước có công suất tưới lớn như hồ Cặp Kè, hồ Hố Chuối (công suất tưới trên 50 ha). Ông Đỗ Văn Long cho biết: Các công trình thủy lợi lớn, nhỏ trên địa bàn hầu hết đều đã được đầu tư xây dựng. Chỉ những công trình công suất tưới ít, tập trung ở một số xã vùng cao như Văn Lăng, Tân Long huyện mới không đầu tư. Hiện tại, huyện tập trung vào đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi để tăng cường khả năng tưới nước hoặc đảm bảo công suất thiết kế và phát huy thêm công suất. Để duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, hằng năm, người dân thường huy động ngày công lao động nạo vét kênh mương để không gây lãng phí, thất thoát nguồn nước; tu sửa các vai, hồ đập sau mỗi trận mưa, lũ... Nhờ đó, các công trình thủy lợi đều phát huy được hiệu quả.

 

Chị Nguyễn Thị Quý, một người dân ở xóm Núi Hột, xã Linh Sơn đang chuẩn bị dụng cụ để bón phân cho ruộng lúa đã lên xanh của gia đình vui vẻ cho biết: Hệ thống kênh mương ở xóm tôi đã được kiên cố hàng chục năm nay nhưng chưa bị xuống cấp và đang phát huy tác dụng rất tốt vì bà con ai cũng có ý thức, trách nhiệm bảo vệ những tuyến kênh, mương mình đã góp công, góp của cùng Nhà nước xây dựng nên. Trước đây, khi kênh mương chưa được cứng hóa, người dân chúng tôi phải rất vất vả mới có nước cấy. Vì là mương đất nên nước thất thoát rất nhiều. Có năm những nhà ở đầu nguồn nước lúa đã lên xanh mà những nhà ở cuối mương, ruộng vẫn khô nẻ. Cũng chỉ vì tranh giành nước cấy lúa mà đã có gia đình đánh chửi, cãi vã nhau gây mất an ninh trật tự. Nhưng nay thì khác rồi, cứ vào vụ là nhà nào cũng có đủ nước cấy nên mọi người vui lắm.

 

Về Linh Sơn, sang Nam Hòa đến Hợp Tiến, chúng tôi đều được nghe những lời tâm sự rất chất thật của bà con nông dân và ai cũng thể hiện niềm vui khi các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng đang phát huy tác dụng, giúp người dân chủ động được nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên một thực tế là các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư xây dựng nhiều nhưng công suất tưới của các công trình này lại đang dần ít đi. Theo thiết kế, các công trình thủy lợi của huyện có thể phục vụ tưới cho 1.990 ha nhưng trên thực tế thì chỉ tưới được 1.220 ha. Nguyên nhân được xác định là do biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn tới thời tiết diễn biến thất thường làm cho nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Bởi vậy, để các công trình thủy lợi tiếp tục phát huy hiệu quả bền vững thì cùng với việc quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa của Nhà nước, người dân cũng phải có trách nhiệm bảo vệ và đặc biệt là không chặt phá rừng bừa bãi, tích cực phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bởi rừng sẽ giữ đất quê hương...