Với 69 trang trại, xã Tân Khánh hiện chiếm tới 30% tổng số trang trại trên địa bàn huyện Phú Bình và là xã có nhiều trang trại nhất trên địa bàn tỉnh. Hầu hết trong số này là trang trại chăn nuôi gà thả đồi. Nhiều người dân nơi đây mong muốn sản phẩm của mình sẽ tạo được thương hiệu trên thị trường.
Với địa hình vườn đồi xen kẽ, lại có diện tích đất rộng (trung bình mỗi hộ có từ 1-10 nghìn m2), rất nhiều gia đình ở Tân Khánh có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề chăn nuôi gà thả đồi. Cùng với đó, Tân Khánh còn là trung tâm của 6 xã miền núi của huyện và hệ thống đường giao thông trên địa bàn ngày càng được đầu tư, nâng cấp, điều này đã giúp người dân có thêm điều kiện để giao thương. Vì thế, thời gian qua, xã phát triển khá nhanh các mô hình kinh tế trang trại và gia trại.
2 năm trước, ở Tân Khánh mới có 20 hộ được công nhận có mô hình kinh tế trang trại (nuôi từ 2.000 con gà/lứa trở lên) thì nay, số lượng này đã tăng gấp 3,5 lần. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có trên dưới 500 hộ chăn nuôi với số lượng từ 500-1.000 con gà/lứa (trung bình mỗi hộ nuôi từ 2-3 lứa/năm). Theo tính toán của người chăn nuôi, vào thời điểm được giá như cuối năm 2009 (giá bán từ 60-65 nghìn đồng/kg) thì người chăn nuôi thu lãi được từ 60-70 nghìn đồng/con gà có trọng lượng từ 1,8-2kg); còn khi giá xuống thấp 35-40 nghìn đồng/kg thì người chăn nuôi vẫn có lãi nhưng không đáng kể. Do đó, người chăn nuôi thường căn cứ vào nhu cầu của thị trường để quyết định số lượng đàn nuôi để sao cho hiệu quả kinh tế mang lại cao nhất.
Do số tiền đầu tư vào chăn nuôi của các trang trại rất lớn, có thời điểm lên tới hàng trăm triệu đồng nên các chủ trang trại ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài vắc xin phòng dịch cúm gia cầm được Nhà nước hỗ trợ 2 lần/năm, chủ các trang trại còn nghiêm túc thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin khác và phun thuốc tiêu độc, khử trùng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Thực tế cho thấy, các chủ trang trại chăn nuôi gà thả đồi ở Tân Khánh đều có cuộc sống ổn định, khá giả; mỗi năm thu lãi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Không ít hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề nuôi gà. Điển hình như ở làng Cả. Trước năm 2007, số hộ nghèo của xóm là 20/45 hộ, nhưng nhờ nuôi chăn nuôi gà thả đồi, đến nay, cả xóm chỉ còn 1 hộ nghèo (do ốm đau, bệnh tật). Vì thế, chính quyền và các ngành đoàn thể ở đây luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tập huấn khoa học kỹ thuật và tiếp cận các nguồn vốn vay để ổn định và mở rộng sản xuất.
Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo và quản lý của Hội Nông dân xã, đã có 6 xóm ở Tân Khánh thành lập được câu lạc bộ chăn nuôi, thu hút gần 200 hội viên tham gia (chủ yếu là các hộ nuôi gà). Câu lạc bộ là diễn đàn để các thành viên trao đổi học tập kinh nghiệm; hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm và giúp nhau phòng, chống dịch bệnh… Nhiều hộ dân trước đây do không biết cách phòng chống dịch bệnh nên chỉ dám nuôi một vài trăm con gà nhưng sau khi tham gia vào câu lạc bộ, được hỗ trợ về kiến thức chăn nuôi nên đã mạnh dạn tăng số lượng đàn nuôi lên hàng nghìn con.
Tân Khánh hiện có 25 xóm, với 1.700 hộ dân. Việc nuôi gà thả đồi có ở hầu hết các xóm, các hộ dân nhưng tập trung và phát triển mạnh nhất là ở các xóm: La Ri, làng Chanh, làng Cả, Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2 và Cầu Ngầm. Không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, chăn nuôi gà ở Tân Khánh còn có ý nghĩa xã hội rất lớn. Ông Vũ Văn Dũng, chủ trang trại ở xóm La Ri cho biết: Trước đây, khoảng 70% đàn ông trong xóm phải đến các các địa phương khác để làm ăn, thì nay, đại đa số những người này đã ở lại nhà để cùng gia đình chăn nuôi gà. Ông Dũng cũng cho biết thêm: Lâu nay, gà Tân Khánh được các thương lái rất thích mua do chất lượng thịt thơm ngon. Vì thế, giá bán bao giờ cũng cao hơn giá thị trường từ 5-7 giá. Trung bình, để có được 1 lứa gà, người dân trong xã phải nuôi mất 140-150 ngày (trong khi các địa phương khác chỉ nuôi từ 100-120 ngày), với thức ăn chính là ngô và cám đậm đặc. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội và Bắc Giang. Mỗi lần xuất bán cả ô tô.
Tuy nhiên, số lượng người biết đến gà Tân Khánh còn rất khiêm tốn, mới chỉ là các thương lái và người dân trên địa bàn huyện. Vì thế, thị trường tiêu thụ chưa đến được nhiều tỉnh, thành khác, đặc biệt là trong các siêu thị lớn để từ đó có điều kiện nâng cao giá bán sản phẩm. Điều mà cả cán bộ và người chăn nuôi ở đây đang mong muốn là các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh sẽ quan tâm, tạo điều kiện giúp người dân xây dựng được thương hiệu gà an toàn Tân Khánh, để từ đó người dân có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Do các trang trại đều được hình thành trên cơ sở gia trại nên kiến thức về thú y của người chăn nuôi còn rất hạn chế. Tất cả mới chỉ dựa vào kinh nghiệm hoặc qua hướng dẫn, chỉ bảo của chủ trang trại khác, kể cả những chủ trang trại nuôi tới 5-7 nghìn con gà/lứa. Trong khi đó, các loại bệnh lạ trên gà xuất hiện ngày càng nhiều. Vì thế, người dân Tân Khánh mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, nhất là được theo học các lớp sơ cấp, trung cấp về thú y.
Trên thực tế, ở Tân Khánh đã mở được 2 lớp sơ cấp về thú y (một lớp mở năm 2007 do Hội Nông dân phối hợp với tổ chức Plan mở; một lớp do Trung tâm Dạy nghề mở năm 2009) đào tạo được 50 người, với thời gian 3 tháng. Do được học cả lý thuyết lẫn thực hành nên sau khi học xong, những người dân này tích luỹ được nhiều kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, từ đó có thể chẩn đoán được một số bệnh trên đàn gà của gia đình mình. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì số lượng người được đào tạo sơ cấp thú y còn quá ít. Mỗi xóm mới được 2 chỉ tiêu.
Hiệu quả từ việc chăn nuôi gà thả đồi ở Tân Khánh là khá rõ ràng. Đây không chỉ là giải pháp giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để việc chăn nuôi này phát triển bền vững thì xã cần thiết phải tính đến việc quy hoạch vùng chăn nuôi, cũng như có cơ chế, chính sách cụ thể đối với những hộ chăn nuôi số lượng lớn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện cũng cần quan tâm, hướng dẫn và tạo điều kiện để người dân nơi đây xây dựng được thương hiệu gà an toàn (hoặc gà sạch); tăng cường tập huấn kiến thức về thú y cho bà con; mở các lớp sơ cấp, trung cấp nông nghiệp tại xã để các chủ trang trại, gia trại có điều kiện tham gia. Nếu việc xây dựng thương hiệu cho gà Tân Khánh thành công, chắc chắn không chỉ có người dân nơi đây được hưởng lợi mà điều này sẽ có những ảnh hưởng rất tích cực đến việc chăn nuôi nói chung trên địa bàn huyện, từ đó, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu cho một số con vật khác.