Từ nhỏ Anh Nguyễn Văn Thiệu, thôn Giã Trung (Phổ Yên) đã nuôi ước mơ kiếm được nhiều tiền để bố mẹ bớt khổ. Lớn lên anh ước mơ trở thành ông chủ để có thể tạo công ăn việc làm cho thanh niên trong thôn. Thế rồi anh đã kiếm được nhiều tiền, tạo được việc làm cho hàng trăm người, nay anh lại có những ước mơ khác: Đi vào sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, sản phẩm của anh có thể xuất khẩu ra nước ngoài... Với anh, ước mơ chính là mục tiêu mà mình đặt ra để từng bước chinh phục nó.
Từ ước mơ cơm áo đến hành trình mang nghề về làng
Sinh năm 1983 tại miền quê nghèo Giã Trung, xã Tiên Phong (Phổ Yên), từ khi còn là học sinh cấp I, cậu bé Nguyễn Văn Thiệu đã nếm trải những ngày cơm không đủ no, áo không đủ ấm, cuốc bộ đến lớp học chữ. Nhớ lại quãng thời thơ ấu, anh trầm ngâm: Lúc bấy giờ nghèo là tình trạng chung của các hộ trong thôn, bởi đời sống của bà con chỉ trông vào đồng ruộng. Đất không phải là ít, trung bình mỗi hộ có khoảng 5 sào đất canh tác, nhưng mỗi năm bà con chỉ biết cấy 2 vụ lúa rồi bỏ không, năm nào mưa thuận gió hoà được mùa thì cũng chỉ đủ lương thực ăn. Chăn nuôi nhỏ lẻ mỗi hộ 1 - 2 con lợn, vài con gà, con vịt chủ yếu nhằm mục đích cải thiện. Nghề phụ không có, những lúc nông nhàn bà con cũng chẳng biết làm gì để ra tiền, nên nhiều năm liền Giã Trung vẫn luẩn quẩn với cái nghèo. Ước mơ thiết thực và rất đỗi giản dị của cậu học trò là kiếm được nhiều tiền để bố mẹ bớt khổ cũng xuất phát từ cuộc sống khó nghèo đó.
Học hết cấp III, anh bắt tay thực hiện ước mơ bằng cách xuống Bắc Ninh học nghề mộc. Với mục đích là học lấy kiến thức để mang được cái nghề về địa phương, anh học ngày học đêm. Chỉ trong vòng 2 tháng anh đã nắm chắc những kỹ thuật cơ bản về nghề mộc. Về nhà, anh vay Ngân hàng được 30 triệu đồng mở một xưởng mộc nhỏ. Nhưng 30 triệu - số tiền cũng chỉ đủ cho anh mua một số máy móc cần thiết, còn lại nguyên liệu anh lại phải vay mượn anh em họ hàng thêm khoảng 20 triệu đồng. Một mình mò mẫm với cái nghề còn “mới toanh” ở thôn, lại "ném" cả "đống" tiền vào đấy trong khi nhà chẳng dư dả gì, nên không ít người bảo anh “hâm”. Mặc kệ ai nói gì thì nói, anh tin rồi một ngày nghề này sẽ đem lại cơm no, áo ấm cho cả gia đình anh.
Ban đầu, anh chỉ sản xuất một mặt hàng duy nhất là bể cá cảnh bởi loại hàng này làm khá đơn giản. Vừa làm, anh vừa đi các tỉnh như: Hà Tây, Hải
Sẽ còn tiếp tục chinh phục những ước mơ
Vậy là ước mơ của anh Thiệu đã được thực hiện, chưa đầy 30 tuổi, anh đã trở thành ông chủ của 2 cơ sở sản xuất đồ gỗ, không những anh đã đưa kinh tế gia đình trở nên sung túc, tạo công ăn việc làm cho 5 - 6 công nhân trong xưởng, mà ông chủ trẻ này còn mở lớp đào tạo nghề cho các thanh niên khác trong thôn. Thấy được địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, anh nhận định nghề này có thể phát triển được ở đây nên anh đã mời những người có tay nghề làm đồ mộc ở Hà Tây, Bắc Ninh về dạy cho những người có nhu cầu.
Từ năm 2007 đến nay, anh đã mở 3 lớp đào tạo nghề mộc cho gần 200 người. Không chỉ tổ chức đào tạo nghề, anh còn hỗ trợ các hộ khác trong thôn mở xưởng sản xuất bằng nhiều hình thức như: Tư vấn về máy móc, chắp mối các đầu mối tiêu thụ sản phẩm... Từ sự khởi xướng và hỗ trợ của anh, nhiều gia đình đã mở được xưởng ăn nên làm ra. Từ chỗ thôn không có cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nào đến nay toàn thôn đã có khoảng 100 hộ làm nghề với trên 100 xưởng mộc, mỗi xưởng giải quyết việc làm cho 3 - 6 công nhân. Để tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật, nguồn nguyên liệu, đầu mối tiêu thụ... cũng trong năm 2007, thôn đã thành lập HTX sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung và người đầu tiên mang nghề về làng - anh Nguyễn Văn Thiệu được cử làm Chủ nhiệm HTX. Với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, cộng với tính cách cẩn thận tỷ mỉ, anh đã đưa HTX ngày càng phát triển không chỉ về quy mô, số lượng sản phẩm sản xuất ra hằng năm mà cả chất lượng không ngừng được nâng lên. Qua đó, sản phẩm của HTX đã dần tạo được thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Nhờ nghề này, nhiều hộ đã thoát nghèo và cũng nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà trưng toàn đồ gỗ do anh tự làm ra, anh Thiệu tỏ ra là người khá ít nói. Dường như sự bươn trải đã khiến anh già hơn nhiều so với cái tuổi 27 của mình. Với cử chỉ chậm rãi và nét suy tư luôn thường trực trên gương mặt chữ điền, anh tâm sự về những suy nghĩ của mình: Sống thì phải có ước mơ, với tôi ước mơ không phải là cái gì xa lạ mà chính là mục tiêu mà mình đặt ra để phấn đấu thực hiện được nó. Hiện nay, tôi dự định sẽ hướng vào những sản phẩm đồ gỗ cao cấp và tiến tới xuất bán ra thị trường các nước khác. Tôi đã lên kế hoạch cho hành trình chinh phục ước mơ này. Nhưng, trước mắt vẫn là tập trung nâng cao kỹ thuật, đa dạng về mẫu mã để sản phẩm của mình đạt được nét tinh xảo, có như vậy khi đem ra cạnh tranh ở thị trường các nước mới nắm chắc phần thắng.