Từ năm 2006 đến năm 2009, HĐNĐ tỉnh đã ban hành 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề nhằm tạo sự bứt phá trong từng lĩnh vực. Nhìn chung, các nghị quyết do HĐND tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ qua đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Song do những lý do khách quan và chủ quan nên một số nghị quyết đề ra từ năm 2006, đa số sẽ kết thúc vào năm 2010 có khả năng khó hoàn thành; trong đó có nghị quyết: Đề án xã hội hoá đầu tư xây dựng và khai thác bến xe khách trên địa bàn giai đoạn 2008-2010, có định hướng đến năm 2020. Năm 2009, UBND tỉnh có Quyết định số 279 phê duyệt Quy hoạch đầu tư xây dựng và phát triển bến xe khách trên địa bàn giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo phê duyệt tại Quyết định số 279, giai đoạn 2009-2015 sẽ đầu tư mới 7 bến xe khách tại 7 huyện, thị, thành, (trong đó, bến xe tại thành phố Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn bến xe loại I; 6 huyện đạt tiêu chuẩn loại 5); nâng cấp các bến xe hiện có tại các huyện còn lại đạt tiêu chuẩn bến xe loại 5. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 bến xe đang xúc tiến thủ tục đầu tư; các bến xe khác Sở Giao thông -Vận tải đang cùng các địa phương giới thiệu, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch & Đầu tư thì tiến độ triển khai tổng thể của Đề án này sẽ chậm với lý do: Sức hấp dẫn vào đầu tư hạ tầng bến bãi thấp; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nên khó có khả năng thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Nghị quyết số 12 về các chương trình, đề án, công trình trọng điểm giai đoạn 2006-2010 được phê duyệt năm 2006 với 15 công trình, dự án trọng điểm. Các công trình này luôn là vấn đề được lãnh đạo tỉnh, ngành quan tâm chỉ đạo sát sao, đi thị sát cơ sở đôn đốc thực hiện; là vấn đề "nóng bỏng" trên bàn nghị sự của các cuộc họp. Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có những "biện pháp" kiên quyết: đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận chuyển vốn của một số dự án thuộc ngành Y tế cho công trình khác vì triển khai quá chậm. Trong 15 công trình, dự án trọng điểm cũng chỉ duy nhất có dự án đường Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn I) triển khai thuận lợi, đúng tiến độ; còn 5 dự án triển khai chậm từ 2 năm trở lên. Đến thời điểm này chỉ còn gần 8 tháng nữa là hết năm nhưng mới có 3 dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng; còn hầu hết các công trình vẫn dang dở. Đáng nói là, một số công trình đã phê duyệt từ năm 2003 và năm 2004 vẫn chưa khởi công được như: Dự án Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc; Dự án đường quy hoạch (nối đường Minh Cầu với đường Cách mạng Tháng Tám) và khu dân cư số 5 phường Phan Đình Phùng, TPTN; dự án khai thác Mỏ đa kim Núi Pháo cũng triển khai quá chậm nên Chính phủ có chủ trương thu hồi giấy phép đầu tư; Dự án kè chống lũ, chỉnh trang bờ sông Cầu giai đoạn II từ cầu Treo Bến Oánh đến Núi Tiện.
Ngoài ra, có những chương trình, đề án sẽ khó thực hiện trong thời gian còn lại như: Thực hiện chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2006-2010. Theo đánh giá, hết năm 2009 mới có 102/180 xã, phường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế, chiếm tỷ lệ 56,7%. Như vậy, còn gần 80 xã chưa đạt chuẩn. Sở Y tế cũng đã đề nghị điều chỉnh xuống còn 85% số xã đạt chuẩn so với ban đầu. Song, do nguồn kinh phí xây dựng các công trình y tế chủ yếu trông chờ vào các dự án tài trợ; địa phương đóng góp; nguồn kinh phí của tỉnh, huyện hỗ trợ rất hạn chế; việc huy động từ nguồn đối ứng và đóng góp của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nên khó hoàn thành được chỉ tiêu.
Đối với Nghị quyết số 25 phê chuẩn Đề án: Tiếp tục đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi nạn ma tuý ở tỉnh giai đoạn 2006-2010. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song số người nghiện ma tuý ở các địa phương giảm không nhiều (từ năm 2006 đến tháng 2-2010 giảm 773 người) so với năm 2005; tỷ lệ không tái nghiện từ 20 đến 30% so với năm 2005; số lượt người được cai nghiện từ năm 2006 đến nay là 7.836 lượt, trong số đó chỉ có 510 người nghiện hoàn lương (đạt 6,5%); tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao (93,5%). Tiến độ xây dựng mới 2 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội ở Phú Bình và Đồng Hỷ quá chậm so với chỉ đạo của UBND tỉnh. Nghị quyết số 24 về Đề án tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tuy có những bước chuyển biến song vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà; việc thực hiện cơ chế "một cửa" chưa phát huy được lợi thế cao do sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ; đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết công việc còn nhiêu khê, gây phiền hà…
Mỗi chương trình, đề án chậm trễ đều có lý do riêng, song nét chung nhất vẫn là "bài ca": thiếu vốn cho đầu tư, giải phóng mặt bằng khó khăn; lạm phát, giá cả biến động nên phải điều chỉnh suất đầu tư, tiền lương công nhân. Bên cạnh đó là sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện của các cấp, ngành liên quan cũng chưa kiến quyết; sự thiếu nhiệt tình, trách nhiệm, mẫn cán của một số đội ngũ cán bộ, công chức. Các dự án chậm triển khai nhưng chưa có chế tài xử lý kiên quyết…
Để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trên địa bàn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đã phê duyệt thì giải pháp tích cực nhất vẫn là kiên quyết xử lý những chủ đầu tư để chậm tiến độ như chuyển vốn cho công trình khác (việc này đã làm nhưng chưa nhiều) hoặc thay nhà thầu. Trong công tác GPMB cần kiên quyết. Đối với những trường hợp cố tình chây ỳ không chịu di dời giao đất chỉ để ở một thời hạn nhất định, quá thời hạn cũng nên có biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tiến độ công trình. Đồng thời, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc đôn đốc nhắc nhở về thực hiện tiến độ, giải ngân; nắm bắt và giải quyết những khó khăn để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đối với những Đề án về lĩnh vực xã hội như công tác cải cách hành chính: đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp ngành, tổ chức đoàn thể trong công tác vận động tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức với công việc, cộng đồng xã hội để giải quyết tốt các công việc của tổ chức, công dân - vì con người chính là "mấu chốt" quyết định sự thành, bại của công tác này. Về việc ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma tuý cũng nên có sự đầu tư về kinh phí cho các trung tâm cai nghiện. Song vấn đề quan trọng vẫn là quản lý người nghiện sau khi cai ở các địa phương và giải quyết việc làm cho người cai nghiện sau khi cai nghiện thì mới mong tỷ lệ tái nghiện không còn tăng cao như hiện nay.