Nhờ có giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) mà nhiều công trình, dự án được đảm bảo về chất lượng, góp phần không nhỏ vào việc mang lại lòng tin trong nhân dân. Dù không được "ăn lương" từ công việc này nhưng những GSĐTCĐ đã phát huy vai trò rất tích cực. Ghi nhận của chúng tôi tại huyện Phú Bình - nơi mà khoảng 2 năm trở lại đây có hàng trăm công trình, dự án được triển khai, xây dựng.
Hơn 1 năm nay, kể từ ngày chùa Mai Sơn (xã Kha Sơn) được tu bổ, tôn tạo, ông Ngô Công Thức, xóm Mai Sơn, trong vai trò là GSĐTCĐ không ngày nào không có mặt tại Chùa. Ông Thức bảo, sự xuất hiện của mình vừa để theo dõi, giám sát, vừa để trò chuyện, động viên anh em thợ với mục tiêu lớn nhất là để công trình được đảm bảo chất lượng. Ngoài ông Thức, tham gia giám sát công trình còn có 2 thành viên khác của Ban GSĐTCĐ xã. Để công việc đạt hiệu quả, tổ giám sát của ông đã lập một cuốn sổ nhật ký ghi lại quá trình thi công công trình; với những lỗi sai kỹ thuật, tổ giám sát lập biên bản và báo cáo với Ủy ban MTTQ xã để xin ý kiến chỉ đạo. Ông Thức kể cho chúng tôi nghe một vài dẫn chứng cụ thể mà ông và các thành viên trong tổ giám sát đã thực hiện trong quá trình giám sát. Trong đó, có một lần đơn vị thi công làm sai móng của tấm bia. Mặc dù đã được nhắc nhở, nhưng “họ” vẫn không sửa, vì thế tổ giám sát đã lập biên bản và báo cáo với chính quyền địa phương. Lúc này, đơn vị thi công mới “chịu” làm đúng thiết kế.
Theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-4-2005: GSĐTCĐ là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường hoặc thị trấn (gọi chung là xã) nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công dự án trong quá trình đầu tư; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các việc làm vi phạm các quy định về quản lý đầu tư để kịp thời ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của lực lượng này nên những năm gần đây, dưới sự quản lý của MTTQ các cấp, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã thành lập được ban GSĐTCĐ (trung bình mỗi xã có từ 4-7 thành viên tham). Hầu hết GSĐTCĐ là thanh tra nhân dân của các xóm, còn trưởng ban là chủ tịch, phó chủ tịch hoặc uỷ viên MTTQ xã. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện sai sót, GSĐTCĐ có quyền kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong trường hợp dự án có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường sinh sống của cộng đồng hoặc do chủ đầu tư không thực hiện công khai hoá về đầu tư theo quy định của pháp luật; phản ánh với các cơ quan nhà nước về kết quả GSĐTCĐ và kiến nghị các biện pháp xử lý.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ huyện Phú Bình thì vai trò của GSĐTCĐ trong việc nâng cao chất lượng công trình là rất tốt. Đặc biệt là từ năm 2008 đến nay. Chỉ tính trong 2 năm qua, trên địa bàn huyện đã có 126 công trình được xây dựng có sự tham gia giám sát của GSĐTCĐ (bao gồm: trụ sở xã, trường học, trạm y tế, kênh mương, đường giao thông nông thôn). Đã có 1.386 ngày công tham gia giám sát, qua đó, phát hiện 37 công trình có sai sót về: nguyên vật liệu, mác bê tông không đảm bảo; kỹ thuật xây, trát không đáp ứng được yêu cầu. Sau khi được các GSĐTCĐ nhắc nhở, cơ bản các sai sót đó đã được khắc phục.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Hưng: Tuy tất cả các quyền, nội dung chưa được các GSĐTCĐ thực hiện đầy đủ do trình độ, năng lực còn hạn chế nhưng ít nhất về thiết kế, chất lượng các nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho công trình là đều được đảm bảo theo đúng quy định. Đơn cử như ở xã Điềm Thụy, trong quá trình xây dựng Trường THCS, đơn vị thi công đổ cột sai thiết kế, sau khi được GSĐTCĐ phát hiện, nhắc nhở, đơn vị thi công đã phải làm lại; ở xã Đào Xá, gạch để xây dựng trường mầm non kém chất lượng, trước yêu cầu của GSĐTCĐ, nhà thầu cũng đã phải thay đổi loại gạch; hay như ở xã Dương Thành, Ban GSĐTCĐ xã đã yêu cầu đơn vị thi công phải thay toàn bộ cửa cho công trình trụ sở UBND xã đến lần thứ 3 do không đảm bảo chất lượng… Nhờ sự vào cuộc tích cực của đội ngũ này này mà lòng tin của nhân dân đối với các công trình trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên; việc huy động đóng góp trong nhân dân đối với những công trình cần xã hội hóa vì thế cũng được diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hoạt động của GSĐTCĐ vẫn còn không ít hạn chế. Phần lớn người tham gia GSĐTCĐ ít có khả năng đọc bản vẽ, bản thiết kế nên việc giám sát về kỹ thuật là rất khó khăn. Không ít người chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc nên hiệu quả hoạt động có lúc, có nơi còn thấp. Bên cạnh đó, một số xã chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến việc phối hợp với đơn vị thi công để được cung cấp các thông tin cần thiết, khiến việc giám sát gặp khó khăn; kinh phí dành cho đội ngũ này cũng còn rất khiêm tốn (hiện là 2 triệu đồng/năm/xã) nên chưa động viên, khuyến khích được sự nhiệt tình của các thành viên tham gia GSĐTCĐ. Vì thế, để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này thì một trong những yêu cầu đặt ra là phải tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ này; có cơ chế hỗ trợ kinh phí/ngày công giám sát để việc giám sát đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao hơn.