Thái Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản trong khi sản phẩm thủy sản mới chiếm 2,6% tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy tới đây, Thái Nguyên sẽ xây dựng Dự án Phát triển nuôi thủy sản khu vực bán ngập hồ Núi Cốc. Dự án sẽ mở ra cho người dân vùng bán ngập nhiều cơ hội làm ăn, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống…
Qua một ngày đi thực tế cùng với đoàn công tác của tỉnh tại Hải Dương để tham quan mô hình chăn nuôi cá thịt nước ngọt của người dân xã Tái Sơn, huyện Tứ Kỳ, chúng tôi được mở mang rất nhiều kiến thức và biết bao câu hỏi được đặt ra: Tại sao điều kiện canh tác của người dân Tái Sơn khó khăn như thế, diện tích mặt nước không lớn (tổng số chỉ có 80ha); cơ sở hạ tầng như hồ, ao bà con phải tự bỏ tiền ra đầu tư... mà nghề nuôi trồng thủy sản ở đây vẫn phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu... So sánh những khó khăn ấy với Thái Nguyên để thấy rằng tỉnh ta có nhiều tiềm năng trong phát triển chăn nuôi thủy sản hơn tỉnh bạn rất nhiều. Đó là diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản của Thái Nguyên khá lớn, lên đến đến gần 7 nghìn ha; trên địa bàn tỉnh có một số trại sản xuất cá giống như Trại cá Cù Vân (Đại Từ), Trại cá ở Tân Đức (Phú Bình)... Tuy nhiên, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh mới chỉ đạt 4.560ha, sản lượng đạt 4.450 tấn, đạt ở mức tự cung, tự cấp và một phần nhỏ cung cấp cho thị trường địa phương.
Trước thực tế Thái Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản trong khi sản phẩm thủy sản mới chiếm 2,6% tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp nên tới đây, tỉnh ta sẽ xây dựng Dự án Phát triển nuôi thủy sản khu vực bán ngập hồ Núi Cốc. Đây là khu vực thuộc địa phận các xã Bình Thuận, Vạn Thọ, Lục Ba, Tân Thái, Hùng Sơn (Đại Từ). Hằng năm, khi các tràn xả nước của hồ Núi Cốc hoạt động, nước hồ rút đi, người dân của các xã này đã tận dụng diện tích đất lòng hồ (khoảng 60-70ha) để cấy lúa nhưng thu hoạch rất bấp bênh, đời sống khó khăn. Bởi vậy, theo ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, nơi được tiếp nhận Dự án thì phát triển chăn nuôi thủy sản khu vực bán ngập hồ Núi Cốc sẽ mở ra cho người nông dân rất nhiều cơ hội làm ăn, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống người dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc; đóng góp GDP cho huyện và nâng cao sản lượng cá thịt nuôi trong tỉnh.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Thuận lợi khi thực hiện Dự án là nguồn nước cung cấp cho khu vực nuôi cá đủ, chất lượng khá tốt, không bị ô nhiễm vì lấy nước từ sông Công và các suối vùng Tam Đảo. Việc xử lý nước thải sau khi nuôi cá ở khu vực này cũng không gặp nhiều khó khăn bởi hiện nay đã có chế phẩm vi sinh xử lý và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và PTNT) có đủ khả năng để giúp đỡ tỉnh. Hơn nữa, mặt bằng ở khu vực bán ngập tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc xây dựng ao; đất đã được đền bù, không có tranh chấp, khi xây dựng không phải giải tỏa. Nguồn cá giống cung cấp cho vùng nuôi cá tập trung của Dự án cũng rất thuận tiện bởi Trại cá Cù Vân và Trạm Thủy sản hồ Núi Cốc... đang hoạt động rất tốt, hằng năm vẫn cung cấp một nguồn cá giống lớn cho các tỉnh bạn. Kỹ thuật nuôi cá cũng không gặp trở ngại gì khi mà Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên... đang sẵn sàng giúp đỡ để năng suất cá có thể đạt 20 tấn/ha/năm. Thị trường tiêu thụ cá cũng rất dồi dào vì hiện tại, sản lượng cá mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của người dân trong tỉnh, hằng năm, Thái Nguyên phải nhập khoảng 5.000 tấn cá từ các tỉnh bạn; nhu cầu xuất khẩu thủy sản của nước ta rất lớn...
Bên cạnh những thuận lợi đó thì khi thực hiện Dự án này, chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn, đó là: hồ Núi Cốc, với diện tích mặt nước 2.500 ha là hồ đa năng, phục vụ nhiều lĩnh vực, hoạt động thủy sản chỉ là mục tiêu kết hợp nên phải tuân theo thứ tự ưu tiên trong vùng hồ. Thêm vào đó, tỉnh chưa có quy hoạch sản xuất cho vùng bán ngập hồ Núi Cốc, chưa có cơ sở sản xuất thức ăn cho cá; giá thức ăn cho cá cao, giá cá thương phẩm lại thấp; hệ thống tiêu thụ sản phẩm cá của Thái Nguyên chưa có, người nuôi thủy sản khó tiêu thụ sản phẩm tập trung, bị tư thương ép giá... Bởi vậy, để thực hiện Dự án hiệu quả rất cần sự vào cuộc của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Đồng thời phải xác định xây dựng khu vực bán ngập Hồ Núi Cốc thành khu công nghiệp tập trung có quy hoạch cụ thể, rõ ràng cho từng doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực này. Theo đó, phải hình thành một phương thức kết hợp đầu tư để quyền lợi của các bên được phân bố đồng đều và bình đẳng, nhằm tạo ra một mô hình sản xuất ổn định tham gia vào các thị trường trong và ngoài nước, trên cơ sở đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng...