Mang nhiều cơ hội phát triển đến với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo

14:27, 26/04/2010

Cách đây 10 năm, tôi có dịp về bản người Mông Lân Đăm, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ). Hình ảnh tôi nhớ nhất khi rời bản là những ngôi nhà lợp lá lúp xúp, xiêu vẹo với những bức tường đất nứt nẻ. Nay, trở lại nơi này, cảnh tượng đã khác xưa rất nhiều…  

 

Những ngôi nhà mái lá khi xưa đã không còn mà thay vào đó là những ngôi nhà mái lợp prô-xi-măng khá chắc chắn. Ông Lý Văn Săm, một người dân trong bản vui vẻ nói: Được Nhà nước hỗ trợ, người Mông mình bớt khổ rồi. Như để minh chứng cho lời nói của mình, anh Lý đưa tay chỉ lên mái nhà rồi nói tiếp: Tấm lợp này cũng được Nhà nước cho tiền mua đấy. Trước đây, các hộ dân trong bản phải cắt cỏ gianh về lợp mái nhà nên chỉ 1, 2 năm là bị dột. Nay mái nhà được lợp bằng tấm prô-xi-măng nên ngôi nhà sẽ chắc chắn hơn. 5 năm nay, không chỉ những hộ dân ở Lân Đăm mà hơn 700 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Hỷ đã được hỗ trợ làm nhà ở theo Chương trình 134 của Chính phủ và đây chỉ là một trong rất nhiều chính sách hỗ trợ của Chương trình.

 

Ông Hà Huy Thuỷ, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: Để thực hiện tốt Chương trình này, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, xác định và thống kê hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Theo đó, việc bình xét hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đủ đất ở, đất sản xuất, có khó khăn về nhà ở, nước sinh hoạt được tiến hành công khai, dân chủ từ thôn bản, tiếp đó là thông qua các tổ chức đoàn thể rồi được UBND xã xem xét, tổng hợp báo cáo với UBND huyện. Kết quả khảo sát, bình xét cho thấy: đến 31/12/2004, toàn huyện 1.023 hộ nghèo thì có 805 hộ nghèo dân tộc tộc thiểu số, trong đó 100% số hộ cần hỗ trợ làm công trình nước sinh hoạt, 736 hộ có nhu cầu làm nhà ở, 461 hộ thiếu đất sản xuất, 24 hộ thiếu đất ở. Từ nhu cầu cần được hỗ trợ của bà con, UBND huyện đã phân bổ kinh phí và chỉ đạo cho các xã, thị trấn thực hiện theo nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho hộ làm nhà ở, công trình nước sinh hoạt phân tán, đất ở, đất sản xuất; giao cho các phòng chức năng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương.

 

Với công trình nước sinh hoạt tập trung, UBND huyện khảo sát và lựa chọn các xóm, bản ưu tiên để đầu tư xây dựng công trình. Nhờ đó, trong 5 năm qua, hơn 700 hộ dân đã được hỗ trợ làm nhà. Ngoài ra, năm 2005, huyện còn làm được 193 công trình nước sinh hoạt phân tán cho các hộ dân, mỗi công trình trị giá 360 nghìn đồng; 1 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xóm Liên Phương, xã Văn Lăng trị giá 224 triệu đồng, cung cấp nước cho 24 hộ dân. Năm 2007, làm 470 công trình nước phân tán cho các hộ dân, mỗi công trình trị giá 480 nghìn đồng; hỗ trợ làm 3 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xóm Mỏ Sắt (Hợp Tiến), Cây Thị (Cây Thị), Mỹ Lập (Nam Hoà) với tổng trị giá gần 2,2 tỷ đồng, cung cấp nước cho 262 hộ dân. Năm 2008, huyện được hỗ trợ làm 105 công trình nước sạch phân tán, mỗi công trình trị giá 502 nghìn đồng, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xóm Bãi Vàng (Hợp Tiến), xóm Văn Khánh (Văn Lăng) với tổng trị giá trên 2,4 tỷ đồng, cung cấp nước cho trên 200 hộ dân. 

 

Theo ông Hoàng Công Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long - một trong những địa phương nhiều có nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số của huyện: Việc hỗ trợ về làm nhà ở, đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt của Chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên phát triển bền vững; động viên đồng bào tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực tham gia giữ vững an ninh quốc phòng; góp phần củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước…

 

Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cả các mặt hàng liên tục tăng trong khi mức hỗ trợ kinh phí của Nhà nước lại thấp dẫn đến việc đối ứng của các hộ dân còn nhiều khó khăn, nhất là đối với hỗ trợ đất ở và đất sản xuất nên 5 năm qua, hầu như huyện không giải ngân được nguồn kinh phí này. Ông Hà Huy Thuỷ cho hay: Nhằm giải quyết tình trạng này, huyện đã xây dựng các phương án hỗ trợ thay thế đất sản xuất như hỗ trợ bằng các hình thức mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, đi xuất khẩu lao động… Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện Chương trình có hiệu quả, huyện sẽ lồng ghép Chương trình 134 với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, qua đó sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.