Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010), xã ATK Hợp Thành (Phú Lương) đã thực hiện tốt vai trò là chủ đầu tư trong thực hiện các hạng mục xây dựng cơ bản. Trong 5 năm qua, lãnh đạo địa phương đã chủ động trong công tác điều hành và quản lý các dự án do xã làm chủ đầu tư, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Vai trò và ý thức của người dân được nâng lên, bộ mặt của xã đã được thay đổi khá nhanh chóng. Nhiều trường học được đầu tư xây dựng, con em các dân tộc thiểu số được đến trường, giáo dục trong điều kiện tốt. Đường liên thôn, liên xã đi lại dễ dàng hơn. Chợ được xây dựng đã giúp nhân dân trong vùng giao thương thuận tiện…
Trung tâm xã nằm ngay cạnh trục đường liên xã trải nhựa phẳng phiu. Ai đi trên con đường này cũng có thể dễ dàng nhận thấy các công trình cơ sở hạ tầng được đổi mới, khang trang, kiên cố. Ngay đoạn rẽ vào UBND xã, là khu chợ rộng gần 5.000 m2 được xây dựng như một chợ huyện. Hai bên đường, nhiều nhà cao tầng đã và đang mọc lên. UBND nằm đối diện với Trường THCS Hợp Thành, Trường có 18 phòng học 2 tầng, với đầy đủ phòng chức năng và phòng làm việc. Được biết, Nhà trường vừa được đầu tư xây dựng thêm 1 nhà 2 tầng với 8 phòng học từ nguồn vốn Chương trình 135.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong giai đoạn II của Chương trình 135 này, để phát huy quyền dân chủ ở cơ sở, huyện đã giao cho xã làm chủ đầu tư các công trình có nguồn vốn dưới 1 tỷ đồng. Trường học, đường giao thông nông thôn, chợ, trạm y tế là các công trình đem lại lợi ích thiết thực hàng đầu cho nhân dân nên đã được xã ưu tiên lựa chọn xây dựng trước. Để đảm bảo chất lượng công trình, tránh việc thất thoát nguồn vốn, xã đã cử cán bộ xã đi tập huấn. Chính tôi cũng phải đi tập huấn ở tỉnh 3 lần, được cấp chứng chỉ hoàn thành lớp học về quản lý xây dựng cơ bản. Sau đó, xã triển khai thành lập các Ban giám sát, Ban quản lý hạng các mục công trình, thuê thiết kế, tự cân đối trong thu chi. Phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, giám sát cộng đồng và của bên thi công.
Trong giai đoạn II này, từ năm 2006 đến nay xã đã được cấp nguồn vốn theo chương trình là 4,2 tỷ đồng. Với nguồn vốn đó, Hợp Thành đã làm được nhiều công trình có chất lượng và phục vụ cao cho đời sống của nhân dân như: xây dựng đường cấp phối tiêu chuẩn lại B dài hơn 3km (nối liền 4 xóm: Phú Thành, Quyết Tiến, Mãn Qua, Làng Mới), với tổng số vốn đầu tư là 930 triệu đồng; xây dựng Trạm Y tế xã tổng số vốn đầu tư 850 triệu đồng; xây dựng đường bê tông liên xóm dài hơn 800m nối 2 xóm Kết - Tiến Thành, tổng trị giá 800 triệu đồng; tuyến đường bê tông nối 2 xóm Tiến Bộ - Bo Chè dài 255m, tổng trị giá trên 200 triệu đồng; xây dựng chợ loại III rộng gần 5.000 m2 với tổng số vốn 970 triệu đồng...
Các nhà lớp học được đầu tư xây dựng từ hệ bậc Mầm non đến bậc THCS đều đạt chất lượng tốt. Trong đó, Trường Mầm non và Trường Tiểu học của xã đã đạt chuẩn Quốc gia còn Trường THCS đang trong giai đoạn hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại và sẽ đón chuẩn vào tháng 7 này.
Để kiểm chứng lời của đồng chí Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đến Trường Mầm non của xã. Đây là trường được xây dựng đạt chuẩn Quốc gia từ nguồn vốn của Chính phủ do xã làm chủ đầu tư. Khi tôi vừa đề cập tới vấn đề cơ sở vật chất của trường, cô Phan Thị Thu, Hiệu trưởng Nhà trường nói ngay: - “Nếu như có máy ảnh để tôi ghi lại những cảnh khó khăn, thiếu thốn của ngày trước cho nhà báo xem, rồi so sánh với ngày hôm nay mới thấy đúng là một trời một vực. Chỉ có hơn 5 năm mà mọi thứ được thay đổi nhanh đến không ngờ…”.
Theo lời cô Thu: “năm 2006 trở về trước, cơ sở vật chất của trường gần như chỉ là con số không. Lúc đó, cả xã chỉ có vài chục trẻ được đưa đến, học nhờ ở các nhà văn hóa của xóm. Ngay chỗ trường hiện nay là nhà văn hóa xóm được ngăn ra làm 2 lớp để đón trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến học. Ban Giám hiệu phải ngồi ở một góc lớp học để làm việc. Công tác vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường vô cùng khó khăn”. Đến năm 2006, được xã đầu tư xây dựng đủ phòng học (5 phòng) và các phòng làm việc, sân chơi và các thiết bị hỗ trợ dạy học khác (như: đàn, ti vi, đầu đĩa…). Chỉ sau 1 năm, Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Từ đó, các bậc phụ huynh đã có ý thức hơn trong việc đưa trẻ đến trường. Năm học 2009-2010, Trường đón nhận 126 trẻ từ 18 tháng tuổi chia thành 5 lớp, được chăm sóc, theo dõi, nuôi dưỡng và giáo dục chu đáo. “Nhà trường có được như ngày hôm nay là nhờ lãnh đạo xã đã đi sâu, đi sát, quan tâm đến lợi ích của nhân dân”.
Có thể nói xã Hợp Thành ngày hôm nay như được “lột xác” với diện mạo mới. Nhìn từ góc độ các công trình đã được xây dựng, cho thấy sau khi phân cấp cho xã làm chủ đầu tư đã thực sự phát huy được hiệu quả. Sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc triển khai cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước nguồn vốn của Chính phủ, vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.