Ba Nhất là xóm vùng sâu, vùng xa của xã Phú Thượng (Võ Nhai) với trên 95% dân tộc Dao, Nùng sinh sống. Địa bàn của xóm chạy dài 12km bám theo triền đồi, khe núi, đất đai canh tác ít, không chủ động nước tưới, đường sá đi lại rất khó khăn… nhưng bà con dân tộc nơi đây đã biết khắc phục những hạn chế để vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Xóm Ba Nhất hiện có 180 hộ dân được chia thành 2 khu đó là Đồng Lạn và Ba Nhất. Đất tự nhiên của xóm nhiều (khoảng 2.000ha) nhưng có trên 400ha là núi đá, khoảng 80ha đất trồng màu, 37ha đất ruộng, còn lại là đất rừng. Đất đai ít, bình quân mỗi hộ chỉ được 4-5 sào, trong đó có gần 50% diện tích không chủ động nước sản xuất, chính vì thế mỗi người dân trong xóm đều tính toán và lựa chọn cho gia đình mình hướng đầu tư phát triển kinh tế phù hợp.
Tiêu biểu trong mạnh dạn phát triển kinh tế là anh Dương Quý Mạnh, năm nay mới 24 tuổi nhưng anh đã có gia đình và 2 con trai. Tuy còn trẻ nhưng vợ chồng anh đã xin bố mẹ cho ra ở riêng để tự lập. Mỗi năm gia đình anh cấy khoảng 6 sào lúa, ngoài ra, trồng vài sào ngô để chăn nuôi thêm lợn, gà để cải thiện. Anh Mạnh bảo: Đất nông nghiệp ít nên cấy lúa chỉ đủ lương thực phục vụ gia đình. Bây giờ các con còn nhỏ nên chi tiêu chưa nhiều, sau này khi con lớn phải cho đi học để biết chữ và rất nhiều khoản phải dùng đến tiền. Vì thế, sau khi ra ở riêng, tôi đã vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp để đầu tư trồng rừng vì hy vọng tích lũy được chút lưng vốn để cho các con sau này. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được gần 5ha keo lai và đang trồng tiếp gần 1ha mỡ. Được biết, anh Mạnh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng cuối năm 2009, hiện nay là Phó xóm, Bí thư Chi đoàn Ba Nhất và là một trong những đoàn viên thanh niên, đảng viên tích cực phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ những hộ nghèo trong xóm.
Anh Triệu Sinh Hiện lại không vay vốn để trồng rừng mà anh đầu tư gần 100 triệu đồng mở xưởng chế biến gỗ. Xưởng chế biến gỗ của anh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/tháng. Còn anh Triệu Sinh Hợi, Đặng Văn Định và một số hộ dân khác trong xóm thì lại đầu tư chăn nuôi, mỗi hộ nuôi 300-500 con gà thả vườn, khoảng 30 con lợn/lứa cùng với cấy lúa, trồng ngô… mỗi năm thu nhập 30-40 triệu đồng.
Nhờ chịu khó làm ăn và tích cực học hỏi để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên tổng giá trị lương thực của xóm năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể: năm 2008 sản lượng lương thực đạt 715 tấn, lương thực bình quân đầu người quy ra tiền đạt 641.000 đồng/khẩu/tháng; năm 2009 đạt 720 tấn, lương thực bình quân đầu người quy ra tiền đạt 840.000 đồng/khẩu/tháng. Số hộ nghèo trong xóm mỗi năm một giảm, năm 2009 xóm còn 39 hộ, giảm 53 hộ so với năm 2006.
Hiện nay, xóm không còn hộ phải ở nhà dột nát. Bà còn nhân dân đã đóng góp để làm được một nhà đại đoàn kết cho gia đình ông Dương Phúc Thắng, một nhà tình nghĩa cho ông Dương Quý Hiện, đều là hộ nghèo độc thân. Ngoài ra, được nhà nước hỗ trợ theo Quyết định 167, xóm đã vận động nhân dân giúp đỡ ngày công, vật liệu để nốt 3 nhà đột nát cho hộ nghèo. Xóm đã xây được nhà văn hóa trị giá trên 30 triệu đồng để làm nơi sinh hoạt của nhân dân và học tập vui chơi của các cháu mẫu giáo. Hàng năm, các hộ dân trong xóm đóng góp hàng trăm ngày công để tu sửa đường làng ngõ xóm, đào đắp trên 2.000m3 sỏi đá để san, đắp đường; sửa chữa và bảo quản 4 đập nước, nạo vét trên 2.000m kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Ông Lý Tài An, Trưởng xóm Ba Nhất cho biết: Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đã hỗ trợ bà con rất nhiều, nhất là về phát triển kinh tế, từ tập huấn khoa học kỹ thuật đến vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng rừng, đưa các giống lúa, ngô mới vào gieo trồng, phát triển chăn nuôi… nên đời sống người dân ngày một khấm khá. Xóm đã được sử dụng điện sinh hoạt từ năm 1999 nhưng khó khăn hiện nay của bà con nhân dân là vẫn chưa được sử dụng nước sạch mà vẫn dùng nước từ các khe suối, đường liên hộ, liên xóm vẫn là đường đất nên sau mỗi trận mưa to bà con lại phải san sửa đường… Tuy nhiên, Ba Nhất là xóm đông dân, bà con lại sinh sống rải rác nên việc quản lý, tuyên truyền các văn bản, chính sách mới đến với bà con còn chậm; tình trạng mất an ninh trật tự, tranh chấp đất rừng, khai thác gỗ của nhau vẫn còn nhưng nhờ các tổ chức đoàn thể đoàn kết, thống nhất, chung tay cùng giải quyết nên mọi việc đều được ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc…
Ở Ba Nhất các tổ chức đoàn thể đã được kiện toàn với chi bộ gồm 20 đảng viên, chi hội nông dân, chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội chữ thập đỏ, tiểu đội dân quân, tổ an ninh hòa giải, ban công tác mặt trận… Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Chi bộ, các đoàn thể trong xóm hoạt động rất hiệu quả, tạo niềm tin cho hội viên và quần chúng nhân dân. Hàng năm, xóm đều được công nhận xóm văn hóa với trên 75% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đời sống vật chất dần khấm khá, người dân đã quan tâm hơn đến việc học hành của con trẻ. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Trên địa bàn xóm có trường tiểu học với 6 lớp; 2 lớp mẫu giáo. Có 80 cháu đang học ở các trường THCS, cao đẳng và đại học. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thực hiện, hàng năm 100% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; trên 95% bà mẹ mang thai được khám và tiêm phòng; trẻ em dưới 6 tuổi được tiêm phòng đầy đủ 6 mũi vác xin…
Tiếp xúc với những người dân lao động cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm ở xóm Ba Nhất chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày và một luồng khí mới đang tràn về mang hơi ấm của một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.