Công nghệ Biôga phát điện: Nguồn năng lượng an toàn cho nhà nông

07:36, 21/07/2010

Công nghệ Biôga sử dụng chất thải hữu cơ trong sinh hoạt, chăn nuôi để tạo ra khí đốt, giải quyết căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra đã được áp dụng từ gần 10 năm nay. Mới đây, T.S Bùi Huy Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã sáng chế bộ phận cho phép chuyển hóa nguồn nhiên liệu từ xăng, dầu của máy phát điện sang dùng khí ga và công nghệ này đã được áp dụng thành công tại một số hộ nông dân ở Thái Nguyên.

 

Qua các nguồn thông tin trên mạng, ông Trần Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tiếp cận với T.S Bùi Huy Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng để tìm hiểu về công nghệ Biôga phát điện. Hệ thống thiết bị của công nghệ Biôga phát điện bao gồm: hầm biôga có dung lượng từ 15m3 tới 30m3; máy phát điện công suất từ 2kw trở lên và bộ phụ kiện Gatec do T.S Ga sáng chế (đây là thiết bị quan trọng nhất vì nó cho phép chuyển từ nhiên liệu xăng, dầu sang chạy bằng khí ga). Nhận thấy đây là công nghệ có tính năng đặc biệt, phù hợp với các trang trại chăn nuôi lớn ở Thái Nguyên để sản xuất nguồn điện an toàn, chi phí thấp phục ngay cho sản xuất, sinh hoạt của các hộ nông dân nên Trung tâm đã đề nghị T.S Bùi Huy Ga chuyển giao công nghệ và tiến hành xây dựng Dự án “Ứng dụng công nghệ sử dụng Biôga chạy máy phát điện trên địa bàn tỉnh".

 

Thực hiện Dự án này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh đã khảo sát, chọn lựa được 16 hộ chăn nuôi có quy mô từ 30 con lợn/lứa trở lên và đã xây dựng hệ thống bể biôga ở các địa phương: T.P Thái Nguyên, Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên để thí điểm. Các hộ gia đình trong Dự án tự đầu tư máy phát điện, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh phối hợp với Đại học Đà Nẵng hỗ trợ bộ phụ kiện Gatec và đến tận nhà lắp đặt thiết bị, hướng dẫn sử dụng thiết bị. Sau hơn 1 năm thực hiện Dự án, 16 gia đình ở các địa phương nêu trên đã sử dụng thành công công nghệ Biôga phát điện.

Ông Nguyễn Hữu Anh, xóm Đất Đa, xã Đắc Sơn (Phổ Yên) cho biết: "Gia đình chăn nuôi lớn và đã đầu tư hầm Biôga để tận dụng chất thải sản xuất khí ga phục vụ đun nấu nên khi được cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh giới thiệu tính năng công nghệ Biôga phát điện, gia đình tôi rất đồng tình. Thời gian đầu sử dụng, tôi còn lúng túng nhưng được sự giúp đỡ, chuyển giao công nghệ với tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ kỹ thuật nên giờ tôi vận hành đã thành thục…". Qua một số hộ đã sử dụng công nghệ Biôga phát điện cho thấy: 1m3 khí ga sẽ tạo được 1kw điện và hầm biôga có dung lượng từ 15m3 trở lên đủ lượng ga dùng cho máy phát điện công suất 2kw chạy ổn định trong thời gian từ 8 tới 12 tiếng. Với nguồn điện nêu trên đủ cho một hộ gia đình dùng để thắp sáng, đun nấu và chạy các thiết bị có sử dụng điện phục vụ sinh hoạt khác. Bà Kim Anh ở xóm Đầu Cầu, xã Đồng Tiến (Phổ Yên) thông tin: "Nếu không có khí ga để chạy máy phát điện thì gia đình tôi mất từ 5 tới 6 lít xăng để chạy máy nên những hôm mất điện phải chi phí lên đến 100 nghìn đồng/ngày. Giờ có công nghệ Biôga phát điện vẫn sử dụng ga để đun nấu, hơn nữa là có điện để bơm nước rửa chuồng trại, thắp sáng và duy trì hệ thống quạt gió trong khu chăn nuôi nên không còn phải mất tiền điện dùng hàng ngày và lo chuyện bị cắt điện!". Khi sử dụng công nghệ này thì lượng khí ga cũng được tận dụng hết, không thoát ra ngoài nên góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Trên địa bàn Thái Nguyên hiện có trên 1.000 trang trại, hộ gia đình nông dân chăn nuôi lớn đã đầu xây dựng hầm biôga với dung lượng từ 15m3 trở lên và những hộ này đủ điều kiện để áp dụng công nghệ Biôga phát điện. Nếu tất cả các hộ nêu trên đều sử dụng công nghệ Biôga phát điện, mỗi ngày các hộ nông dân sẽ tự sản xuất ra hàng nghìn ki-lô-oát điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng hiện nay. Vẫn theo ông Trần Mạnh Hải, tính chi phí lắp đặt thiết bị và nguồn điện sản xuất ra được thì trong vòng nửa năm là các hộ nông dân sẽ khấu trừ hết được vốn đầu tư ban đầu. Riêng đối với ngững hộ có hầm biôga dung lượng từ trên 30m3 và đầu tư máy phát điện công suất lớn thì nguồn điện không chỉ đủ sinh hoạt mà còn có khả năng cung cấp cho các hộ dân ở liền kề.

 

Từ vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi công nghiệp thải ra ở khắp các vùng nông thôn trong tỉnh, tình trạng cắt điện liên miên của ngành Điện để tiết kiệm điện, theo chúng tôi giải pháp sử dụng Biôga phát điện là cách làm phù hợp, đem lại đa nguồn lợi cho cả Nhà nước và nông dân. Do vậy, đề nghị các cấp, ngành trong tỉnh nên quan tâm đưa đây thành chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm trong hoạt động đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh.