“Đánh thức” làng khuyến nông tự quản

07:43, 15/07/2010

Năm 1994, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên và Bắc Kạn) được tổ chức phi chính phủ Cidse của Hà Lan lựa chọn tài trợ xây dựng 72 làng khuyến nông tự quản (LKNTQ). Sau khi hai tỉnh được chia tách, Thái Nguyên còn trên 50 LKNTQ hoạt động và phát triển tốt. Nhưng đến năm 2000, sau khi Dự án kết thúc, bộ máy các LTQKN lần lượt tan rã…

 

LKNTQ là một mô hình tổ chức khuyến nông tại các thôn, xóm do người dân thành lập nhằm xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, có sự theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện. Trong LKNTQ, người dân bầu ra một Ban Phát triển làng (BPTL) gồm  3-5 thành viên là những người có uy tín, trách nhiệm và kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, điều phối các hoạt động của làng, giữ quan hệ khăng khít với cán bộ khuyến nông xã. BPTL sẽ quản lý nguồn vốn và hoàn trả nguồn vốn tín dụng, tổ chức các hộ vào từng nhóm có sở thích như trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ. Dự án của tổ chức Cidse đã hỗ trợ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân.

 

Tính riêng huyện Đồng Hỷ, từ 5 làng ban đầu đã phát triển lên 16 LKNTQ, là địa phương có số LKNTQ nhiều và hoạt động hiệu quả nhất của tỉnh. Các kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh từng giai đoạn trong 12 tháng đều được BPTL dán lên bảng thông báo của xóm để người dân thực hiện, BPTL tiện theo dõi. Khi có các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật hay thực hiện các ô mẫu, các cán bộ khuyến nông trực tiếp triển khai đến các nhóm hộ sở thích. Nhưng sau khi dự án kết thúc, bộ máy tổ chức các LKNTQ lần lượt tan rã. Một số LKNTQ trước đây hoạt động hiệu quả như Làng Hạ, xã Yên Đổ (Phú Lương), Làng Cây Hồng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai)… giờ cũng chỉ là quá khứ. Tính đến thời điểm này, tỉnh ta chỉ còn BPTL của xóm Na Lay, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) vẫn giữ hoạt động.

 

Ông Vũ Xuân Thái, Trạm phó Trạm Khuyến nông Đồng Hỷ, người gắn bó với Dự án này từ những ngày đầu tiên cho biết: “Sở dĩ không duy trì được các LKNTQ là do sau khi kết thúc Dự án không có nguồn vốn để “nuôi” hoạt động của các BPTL nên tổ chức này dần dần mất tính hiệu lực”. Cụ thể là không có nguồn vốn đầu tư, các ô mẫu thí điểm ở các LKNTQ khi thực hiện gặp phải nhiều vướng mắc. Hiện nay, khi Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông tổ chức các ô mẫu trình diễn cho bà con tại một địa điểm thì lại phải tiến hành điều tra, khảo sát tình hình phát triển kinh tế ở vùng miền đó, đồng thời tìm hiểu nhu cầu của bà con nông dân để việc tiến hành các ô mẫu phù hợp nên mất rất nhiều thời gian. Nếu căn cứ vào các nhóm hộ có sở thích như trong LTQKN trước đây thì việc này sẽ được tiến hành trực tiếp, nhanh chóng, hiệu quả hơn. LKNTQ khi hoạt động trở lại, nói đơn giản như đồng loạt các hộ trong xóm gieo mạ, cấy lúa vào một ngày, như vậy sẽ hạn chế nhiều thiệt hại cho hoa màu từ dịch bệnh. Với những xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn thì việc củng cố, phát triển LKNTQ sẽ góp phần định hướng hoạt động sản xuất nông nghiệp cho bà con theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

 

Sau khi Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông thôn được ban hành năm 2008, nhận thấy cần phải khôi phục lại các LKNTQ nên năm 2009, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông huyện Đồng Hỷ triển khai kiểm tra, khảo sát thực trạng và củng cố LKNTQ Na Lay theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững tiến tới xây dựng nông thôn mới. BPTL và các nhóm sở thích đã được kiện toàn lại, đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động về sản xuất nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiến hành tập huấn cho bà con cách quản lý và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn vay tín dụng khuyến nông.

 

Ông Triệu Văn Khá, Trưởng xóm Na Lay, Phó BPTL cho biết: “Nhờ duy trì được LKNTQ, bà con trong xóm, nhất là các nhóm hộ cùng sở thích đã có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao mức thu nhập. Năm 2009, số tiền quỹ tín dụng khuyến nông của Dự án để lại là 50 triệu đồng được BPTL cho 24 hộ dân vay đầu tư mô hình sản xuất rau an toàn hiệu quả (qua hạch toán mỗi hộ thu gần 3 triệu đồng/sào rau)”. Hiện xóm không có hộ nghèo, 100% số hộ có nhà xây kiên cố, thu nhập bình quân của người dân đạt 7-8 triệu đồng/người/năm. Để từng bước “khởi động” lại các “cỗ máy” LKNTQ, thiết nghĩ chúng ta có thể tập hợp chính những người là trưởng xóm, chi hội trưởng chi hội nông dân và đại diện các tổ chức đoàn thể vào BPTL, cho người dân đăng ký tham gia vào các nhóm hộ có sở thích như trồng rừng, trồng chè, cấy lúa, nuôi ong, nuôi nhím… Trong đó, những hộ có kinh tế khá sẽ làm nhóm trưởng điều hành, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông triển khai các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tập huấn cho người dân cách quản lý và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

 

Thành công bước đầu trong củng cố, duy trì sự phát triển của LKNTQ Na Lay là cơ sở để “đánh thức” các LKNTQ trên địa bàn toàn tỉnh, có sự nâng cao theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đề ra. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp ngành liên quan, đặc biệt là ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động trong phát triển kinh tế của gia đình và đăng ký tham gia các nhóm hộ sở thích phù hợp. Có như vậy mới góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiến tới hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả cho người dân có thu nhập khá.