Khó khăn nhất của người nông dân sau khi bị thu hồi đất để phục vụ các dự án là lúng túng trong việc chuyển đổi nghành nghề. Vì vậy để đạt được cả hai mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghiệp và an dân, huyện Phổ Yên đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ mọi cho người nông dân bị thu hồi đất, trong đó có việc đào tạo nghề miễn phí…
Trong vòng 3 năm trở lại đây, huyện Phổ Yên đã tiến hành quy hoạch, giải phóng mặt bằng 4 khu công nghiệp tập trung, 9 cụm công nghiệp nhỏ thu hút được trên 30 dự án vào đầu tư phát triển công nghiệp. Điều này đã đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện từ thuần nông sang phát triển công nghiệp và dịch vụ, góp phần tăng thu ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc dồn dập có nhiều dự án đầu tư vào huyện với nhu cầu lớn về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng đã khiến hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn Phổ Yên bị mất đất canh tác. Theo đánh giá của huyện Phổ Yên hiện có khoảng 12 nghìn lao động nông thôn thiếu hoặc mất việc làm do bị thu hồi đất canh tác, trong đó có trên 4 nghìn người ở độ tuổi từ 16 tới 25.
Giải bài toán này, huyện Phổ Yên đã tăng cường tập huấn kỹ thuật nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển làng nghề sẵn có; ưu tiên nguồn vốn Chương trình 120 của Chính phủ cho các dự án giải quyết được nhiều lao động để tạo việc làm tại chỗ… Đối với các nhà đầu tư, huyện cam kết ban giao mặt bằng sớm nhưng cũng đề nghị có chính sách ưu tiên về việc làm đối cho những hộ dân bị thu hồi nhiều diện tích đất. Đặc biệt để người dân bị mất đất có việc làm lâu dài, năm 2008 huyện Phổ Yên đã chi 500 triệu đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí (các năm tiếp theo nguồn kinh phí chi cho công tác này luỹ tiến theo tổng số thu ngân sách của huyện); xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để xin tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất.
Ông Nguyễn Đại Minh, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên cho biết: "2 năm gần đây, đơn vị đã được lãnh đạo huyện Phổ Yên tín nhiệm giao đào tạo nghề cho lao động trong huyện và chúng tôi đã làm rất tốt công tác này. Sau khi nhận chỉ tiêu đào tạo nghề với huyện, đơn vị tiếp tục làm việc với một số doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh về nhu cầu lao động, ngành nghề cần sử dụng để gắn với công tác đào tạo. Do vậy, hầu hết số lao động huyện Phổ Yên gửi đào tạo tại trường khi tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp với chuyên môn nên có thu nhập, việc làm ổn định".
Sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền huyện Phổ Yên trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn nói chung, lao động bị thu hồi đất nói riêng đã nhận được sự đồng tình của nhân dân. Trong năm 2010 này, huyện Phổ Yên tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và có cơ chế ưu tiên đặc biệt đối với lao động bị thu hồi đất phục vụ các dự án. Cụ thể, HĐND huyện đã có Nghị quyết chuyên đề về đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nguồn kinh phí thực hiện từ 2 tới 3 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó là Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt nên mỗi năm sẽ có thêm 400 lao động của huyện được đào tạo nghề miễn phí.
Đồng chí Nguyễn Công Hoàn, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: "Hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và ổn định xã hội, huyện luôn quan tâm tới nguyện vọng của nhân dân nên khi thấy việc thu hồi đất để thu hút đầu tư nảy sinh khó khăn về việc làm cho một bộ phận nhân dân, HĐND huyện đã dành nhiều thời gian bàn về vấn đề này để đưa ra các giải pháp phù hợp. Bước đầu chúng tôi thấy việc hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí đã giúp nhiều lao động có được việc làm, tạo dựng được nghề mới…".
Là đơn vị tiên phong trong việc đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn và những kết quả trong công tác này của huyện Phổ Yên đã khẳng định đây là cách làm đúng đắn, là kinh nghiệm để các địa phương khác trong tỉnh nghiên cứu, tham khảo.