Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không theo hướng dẫn của nhà sản xuất; chất thải chăn nuôi phần lớn đều xả thẳng ra ao, sông, kênh mương; hệ thống thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt chưa có... Đó là thực trạng đang diễn ra ở huyện thuần nông Phú Bình.
Việc sử dụng hoá chất trong chăm sóc, bảo quản nông sản của người nông dân những năm qua đã trở thành phố biến. Điều đáng nói là phần lớn người nông dân sử dụng không tuân theo quy định, khuyến cáo của nhà sản xuất. Điển hình trong số này là các loại thuốc: trừ sâu, trừ cỏ, trừ nấm, trừ bệnh... Phú Bình hiện có gần 21 nghìn ha đất nông nghiệp, trong khi, theo tính toán của các nhà chuyên môn, trung bình mỗi ha gieo trồng sử dụng từ 0,4-0,5kg thuốc bảo vệ thực vật và hàng tấn phân bón các loại. Như vậy mỗi năm, địa phương này sử dụng tới trên 10 tấn thuốc bảo vệ thực vật và hàng chục nghìn tấn phân bón. Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mỗi năm, hoạt động nông nghiệp trên cả nước phát sinh khoảng 9.000 tấn chất chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thưc vật, trong đó, không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng.
Cùng với đó, mức độ ảnh hưởng của ngành Chăn nuôi tới môi trường cũng ngày một lớn. Toàn huyện hiện có 28 nghìn con trâu, bò; trên 160 nghìn con lợn; 1,4 triệu gia cầm, thu hút gần 35 nghìn hộ tham gia chăn nuôi. Trong số này, có 206 hộ đuợc công nhận là phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế trang trại, đảm bảo số lượng nuôi vài ba nghìn con gia cầm hoặc hàng trăm con lợn/lứa. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Thị Hợp, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện thì hầu hết trong số này đều không có khu cách ly trước khi nhập đàn gia súc, gia cầm, không có lối ra, vào khu vực chuồng trại, khâu xử lý chất thải chưa triệt để, vẫn còn thải phân gia súc, gia cầm chưa qua xử lý ra môi trường. Không ít hộ vẫn xây dựng chuồng trại theo cách "chuồng lợn cạnh nhà, chuồng gà cạnh bếp". Đến nay, toàn huyện mới có 1.332 hộ xây được hầm khí sinh học bioga để xử lý các chất thải trong chăn nuôi (chiếm 3,9% tổng số hộ chăn nuôi), số còn lại vẫn thải trực tiếp ra ao, sông, suối, kênh mương... Đã có một số chủ trang trại phải đền bù hoa màu cho các hộ dân xung quanh do nguồn chất thải thải ra làm lốp lúa của họ.
Ngoài thuốc bảo vệ thực vật, chất thải trong chăn nuôi thì rác thải sinh hoạt cũng là nguyên nhân quan trọng khiến môi trường nông thôn bị ô nhiễm. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, 1 người dân ở các đô thị lớn mỗi ngày thải trung bình 1kg rác thì ở nông thôn, con số này là 0,6-0,7kg rác/ngày/người. Như vậy, với hơn 13,3 vạn dân, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn Phú Bình thải trên 90 tấn rác. Do nhận thức về việc bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, trên địa bàn lại chưa có dịch vụ thu gom rác thải nên phần lớn lượng rác thải được xả thẳng xuống ao, sông, suối hoặc đổ ra vườn để đốt. Chỉ rất ít hộ có ý thức đào hố chôn lấp rác. Cho đến giờ, toàn huyện mới có khu vực trung tâm thị trấn Hương Sơn thực hiện việc thu gom rác. Song việc xử lý ở đây rất đơn giản và không tránh được việc gây ô nhiễm. Rác được tập kết tại 1 điểm nằm ngoài khu dân cư nhưng lại ở ngay cạnh bờ sông Đào và gần khu vực sản xuất nước sạch. Khi lượng rác được kha khá thì tiến hành đốt. Mỗi lần có gió to, rác tung bay khắp nơi và mùi hôi, thối bốc ra làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Việc xử lý rác thải như thế này cũng được thực hiện tương tự ở tất cả các chợ trên địa bàn huyện. Có lẽ, trong số các loại rác thải ra môi trường này, đáng ngại nhất là bao bì nilon, vỏ chai đựng thuốc trừ sâu, trừ cỏ… Theo đồng chí Nguyễn Khắc Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kim: Do chưa hình thành được ý thức vứt rác đúng nơi, đúng chỗ nên người dân thường tiện đâu vứt đó. Địa điểm phổ biến nhất là trên đồng ruộng, kênh mương, ven đường. Điều này vừa gây hại cho việc đi lại, vừa làm ô nhiễm không khí, nước và đất. Nhiều người còn vô tư rửa bình phun thuốc trừ sâu trên các con kênh, tuyến mương. Không ít người còn vứt cả xác súc vật ốm chết ra đồng ruộng, dòng chảy… Chính những thói quen này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi chúng ta. Đó cũng là một trong những nguyên nhân để giải thích vì sao các bệnh như: Ung thư, mắt hột, tiêu chảy, đường ruột, dịch tả… xuất hiện ngày một nhiều.
Nguyên nhân tiếp theo chúng tôi muốn đề cập đó vấn đề ô nhiễm từ các làng nghề. Trong số 3 làng nghề đã được công nhận, chỉ có làng nghề mây, tre đan ở xã Tân Đức là ít ảnh hưởng đến môi trường, còn 2 làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở xã Kha Sơn và xã Xuân Phương thì đều có những tác động tiêu cực đến môi trường. Trên thực tế, các hộ, cơ sở sản xuất ở đây đều làm nghề ngay tại gia đình và nằm trong khu dân cư. Nhiều hộ dân ở xã Xuân Phương do diện tích đất eo hẹp còn chiếm dụng ca lòng, lề đường để sản xuất. Trong khi đó, các hộ dân này lại nằm trong khu dân cư. Do vậy, tiếng ồn của các loại máy cưa, bào, xẻ cùng bụi gỗ và mùi thuốc hoá chất như sơn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của các hộ dân lân cận.
Để khắc phục tình trạng này, trước hết, mỗi người dân cần có kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường. Muốn làm được điều này, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo tới người dân tác hại mà những thói quen hằng ngày của họ tới đem lại đối với môi trường; đẩy mạnh việc ứng dụng IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) vào sản xuất, tăng cường lao động thủ công để giảm việc sử dụng thuốc hóa học bảo vệ cây trồng, cân bằng sinh thái tự nhiên; tăng cường sử dụng phân chuồng, phân xanh hoai mục để tránh tồn dư các độc tố trong đất; lên án mạnh mẽ những hành động vứt xác súc vật, chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; sử dụng hầm khí bioga trong chăn nuôi và tiến tới coi đây là điều kiện bắt buộc đối với những hộ nuôi với số lượng lớn (có thể là 20-30 con lợn/lứa trở lên). Cùng với đó, Nhà nước cần sớm đưa ra biện pháp cung cấp dịch vụ thu gom rác thải đến các hộ dân. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn trước mắt, khi chưa thể tổ chức được việc thu gom rác thải, người dân cần tận dụng khu đất vườn, ruộng của gia đình để chôn lấp; hạn chế tối đa việc sử dụng các túi nilon... Đối với các làng nghề có tác động tiêu cực đến môi trường, chính quyền địa phương cần lập phương án quy hoạch khu vực sản xuất ra khỏi khu dân cư. Cùng với đó, mỗi người dân cần tích cực trồng cây, gây rừng để vừa tạo cảnh quan, lọc sạch không khí, đồng thời cũng để có thêm thu nhập.
Một điểm đáng lưu ý đối với Phú Bình hiện nay đó là vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Với những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông và các cơ chế, chính sách ưu đãi, địa phương này đang là điểm đến của khá nhiều nhà đầu tư. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây đối với các nhà quản lý là phải có sự chọn lọc va ưu tiên các dự án để tránh những tác động xấu tới môi trường mà ở một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã gặp phải trong thời gian qua. Các dự án cần phải được thẩm định kỹ càng, yêu cầu các nhà đầu tư phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường...