“Ba thân thiện” được hiểu như ba yếu tố cốt lõi trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững theo hướng hiện đại mà mấy năm gần đây tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn làm phương châm hành động, bao gồm: Thân thiện với doanh nghiệp; thân thiện với người dân và thân thiện với môi trường. “Ba thân thiện” dù chưa thành văn bản cụ thể nhưng hiện tại nó đã được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và nhiều người thực hiện một cách hiệu quả.
Ở đây, “thân thiện” là để cùng chung sức, chung lòng vì sự phát triển của toàn xã hội chứ không phải “thân thiện” là vì một mục đích cá nhân nào đó. Hay nói cách khác, chính là sự hợp tác, thống nhất cùng chung một mục đích và ý chí hành động để xây dựng một xã hội hài hoà, phát triển.
Kỳ I: Chung sức, chia sẻ cùng doanh nghiệp
Doanh nghiệp (DN) vẫn được xem là một trong những “binh chủng” chủ lực của nền kinh tế quốc dân. Sự hưng vong của DN sẽ tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế mỗi địa phương. Bởi vậy, DN là lực lượng cần được quan tâm nuôi dưỡng và phát triển thường xuyên.
Khi DN gặp khó khăn…
Có thể nói, khi DN ra đời, tâm lý người chủ DN nào cũng mong muốn có nhiều cơ hội, cơ ngơi văn phòng làm việc khang trang, đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, tập thể người lao động tận tuỵ, sáng tạo, đơn vị có nhiều dự án và sở hữu công nghệ sản xuất, kinh doanh hiện đại cùng với mong muốn được làm giàu chính đáng và đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước nhiều hơn. Nhưng, trong thực tế, con đường đi tới của nhiều DN gặp phải không ít khó khăn, thử thách. Nhiều DN vướng mắc ngay trong khi đăng ký thành lập hoặc triển khai các thủ tục đầu tư. Không ít DN gặp trở ngại về đất đai, mặt bằng cũng như nguồn vốn và khả năng cạnh tranh trên thị trường…Cách đây hơn chục năm, cũng đã có nhiều DN đến TN tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng rồi phải từ bỏ vì cho rằng thủ tục hành chính quá rắc rối, một số cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm, sách nhiễu. Hơn nữa, DN muốn đầu tư lớn lại không được đáp ứng kịp thời về quỹ đất và thời gian GPMB. Ở thời điểm đó, trong một số hội nghị về GPMB của tỉnh, đã có DN thẳng thắn nói lên những vướng mắc, tồn tại trong công tác này và tỏ ý muốn rút lui không thực hiện dự án. Dự án xây dựng Trung tâm thương mại tổng hợp Sông Cầu do Công ty CP Tập đoàn Tân Cương-Hoàng Bình làm chủ đầu tư mặc dù đã khởi công cách nay khoảng 3 năm nhưng giờ vẫn chưa thể thi công. Lý do mà nhà đầu tư đưa ra là còn một số vướng mắc về mặt bằng và nguồn vốn. Dự án xây dựng toà tháp đôi - Trung tâm thương mại Thái Nguyên do Công ty CP Prime đầu tư cũng phải mất tới 4 năm GPMB mới có thể thi công vì còn một vài hộ dân không nhận tiền bồi thường kéo dài do chưa thoả mãn với chính sách của Nhà nước.
Trong suốt quá trình đầu tư, có lẽ điều lo ngại nhất của nhiều DN là làm sao đảm bảo đủ nguồn vốn. Chúng ta đã chứng kiến nhà đầu tư INTRA Nhật Bản phải chấp nhận dừng đầu tư Dự án xây dựng Hồ điều hoà Xương Rồng và Khu đô thị mới vì không còn khả năng tài chính. Rồi đại diện nhà đầu tư liên doanh nước ngoài của Dự án Khai thác khoáng sản đa kim Núi Pháo phải chuyển giao toàn bộ Dự án cho phía liên doanh Việt
Còn nhớ, trong thời điểm cả thế giới phải gồng mình gánh chịu những tác động từ cuộc khủng tài chính (2008), nhiều DN trong tỉnh phải chống chọi với nguy cơ thiếu việc làm, sản phẩm ứ đọng, thua lỗ liên miên, dẫn tới phải cắt giảm nhân công, hạ thấp tiền lương lao động. Ngay như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - đơn vị đóng góp lớn nhất trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của tỉnh - có lúc phải điêu đứng, làm không có lãi. Sự cạnh tranh của các DN hoạt động trong lĩnh vực sắt thép thời điểm đó là vô cùng khốc liệt. Không ít DN đã phải đóng cửa tạm thời hoặc giải thể vì không đủ sức duy trì và vực lại sản xuất, kinh doanh sau khủng hoảng.
…Nhà nước cùng đồng hành
Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện một loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như hỗ trợ lãi suất vốn vay, thực hiện những biện pháp kích cầu hàng tiêu dùng và ban hành các Nghị định về bồi thường GPMB. Tuy vậy, thực tế cho thấy những giải pháp đó không thể giải quyết một cách triệt để nếu mỗi địa phương không thực sự quan tâm, vào cuộc. Lúc này, phương châm “ba thân thiện” mới thực sự giữ vai trò quan trọng và cần được phát huy tối đa. Từ quan điểm “thân thiện với doanh nghiệp”, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương quán triệt tinh thần “vì DN”, “chung sức cùng DN”, “coi cái khó của DN như cái khó của địa phương”…
Sự thân thiện, gần gũi và giúp đỡ DN được thể hiện trong quan hệ với từng ngành, từng địa phương, đơn vị và từng lĩnh vực cụ thể. Với ngành Công Thương, những năm gần đây đã rất chú trọng đến việc tiếp cận DN, tăng cường đôn đốc các DN tổ chức lại sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong trường hợp các DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, ngành đã chỉ đạo các DN triệt để tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, chi phí gián tiếp, nâng cao năng suất lao động để có thể hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đồng thời xúc tiến tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, Sở đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt đối thoại trực tiếp với DN nhằm tìm cách cùng tháo gỡ khó khăn với họ. Cụ thể, giúp DN tiếp cận với các gói kích cầu của Chính phủ, xúc tiến thương mại nhằm tạo cơ hội cho DN tiêu thụ hàng hoá qua chương trình đưa hàng về nông thôn, khu đô thị và liên kết với các tổ chức, DN nước ngoài để tìm kiếm cơ hội đầu tư; tăng cường công tác khuyến công, giúp đỡ DN định hướng thị trường… Về vấn đề đất đai, mặt bằng đầu tư, DN đã được ngành Tài nguyên-Môi trường hướng dẫn tỉ mỉ, thực hiện nhanh gọn, đúng quy định của pháp luật.
Những khó khăn của DN đều được Ban Giám đốc Sở nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết kịp thời, không gây chậm trễ. Quy trình cấp đất, thẩm định và hướng dẫn thực hiện các thủ tục cần thiết về đất đai cũng được triển khai sâu rộng, nhanh gọn, tránh những thủ tục rườm rà. Ông Dương Văn Khanh, Giám đốc Sở khẳng định: Việc cùng tháo gỡ khó khăn, chia sẻ với DN được chúng tôi coi như là trách nhiệm của mình. Cái khó của DN chính là cái khó của toàn ngành. Ngành Kế hoạch - Đầu tư cũng thể hiện rõ vai trò đồng hành cùng DN ngay từ khi cấp giấy phép kinh doanh, đăng ký thành lập DN và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đối với hệ thống các ngân hàng cũng vậy, khi DN khó khăn về vốn là lúc các ngân hàng có mặt, vận dụng thực hiện các chính sách cho vay vốn ưu đãi theo quy định. Năm 2008, hầu hết các DN trong tỉnh đều được vay vốn với lãi suất thấp để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các thủ tục vay vốn của DN cũng không còn rườm rà như trước. Nhiều ngân hàng còn sẵn sàng chịu rủi ro cùng DN. Hay như cơ quan Thuế thời gian qua cũng thể hiện rõ sự quan tâm đối với các DN bằng cách hướng dẫn DN thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước; giúp DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm và nâng cao ý thức tự giác trong nộp thuế…
Với các địa phương cũng vậy, sự chung sức cùng DN được thể hiện khá rõ. Xin nêu một ví dụ: Khi triển khai thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện An Khánh tại huyện Đại Từ, nhà đầu tư vấp phải khó khăn về GPMB. Đã có nhiều đối tượng lợi dụng xây dựng công trình đón đền bù hoặc chưa bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì tuyên truyền, vận động và thuyết phục của chính quyền địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn nhà đầu tư đã được bàn giao mặt bằng sạch. Bà Trương Thị Huệ, Bí thư Huyện ủy Đại Từ khẳng định: DN được ví như chiến sĩ trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội. Chúng tôi coi việc giải quyết những khó khăn cùng DN là trách nhiệm của các cơ quản quản lý Nhà nước. Bởi thế, những năm qua, Đại Từ được đánh giá cao về tính thân thiện với DN và bước đầu thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với địa phương.
Thời gian qua, sự đồng lòng, chia sẻ cùng DN của các cấp chính quyền địa phương đã góp phần không nhỏ giúp cộng đồng các DN trong tỉnh phát triển mạnh mẽ. Những năm gần đây, tỉnh đã coi công việc của DN cũng như sự chăm lo phát triển DN là việc làm thường xuyên của các cấp chính quyền và trong thực tế, nhiều DN đã coi nhiệm vụ xây dựng chính quyền, cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước là công việc của họ. Do vậy, DN đã chung tay với người nghèo, giúp đỡ các gia đình chính sách, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tham gia làm từ thiện ngày càng nhiều hơn. Chính những điều đó cũng đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tỉnh ta đã chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp là chủ đạo sang công nghiệp, dịch vụ chiếm hàng đầu với tỷ trọng công nghiệp tăng từ 35,08% năm 2006 lên 37,32% năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trong giai đoạn 2005-2010 tăng 11,11%. Thu ngân sách của tỉnh cũng tăng đáng kể, từ khoảng 700 tỷ đồng năm 2007 tăng lên trên 1.500 tỷ đồng năm 2009 và dự kiến đạt gần 2.000 tỷ đồng năm 2010. Từ chỗ chỉ có mấy chục dự án đầu tư, đến nay chúng ta đã có gần 400 dự án (trong đó có nhiều dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) đầu tư vào tỉnh với tổng nguồn vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Lực lượng các DN tăng từ 20-30% mỗi năm. Đến nay toàn tỉnh có khoảng 2.700 DN tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực… Cũng từ đó, tỉnh đã quan tâm giải quyết được nhiều chính sách xã hội như: Tuyển dụng gần 3.000 cán bộ, giáo viên, y bác sĩ; xây dựng trên 1.500 nhà ở cho người nghèo ở nông thôn; hàng trăm cơ sở trường lớp học, nhà ở công vụ cho giáo viên, nhà ở sinh viên, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, cải tạo, nâng cấp các khu di tích, văn hoá…
Kỳ II: Đồng thuận, vì lợi ích của người dân
Hẳn chúng ta đều biết, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, nên lợi ích của người dân luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Vậy, tại sao chúng ta vẫn đặt phương châm “thân thiện với người dân”? Xin thưa, mọi vấn đề đều có nguyên do của nó. Trước nay, không phải cán bộ nào cũng thấm nhuần tư tưởng vì dân và không phải người dân nào cũng sẵn sàng đồng thuận, vì mục tiêu chung. Lo cho dân là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng trách nhiệm đó phải dựa trên tinh thần “thân thiện” cùng đồng nhất và có sự hưởng ứng tích cực từ phía nhân dân.
Được người dân ủng hộ, tự nguyện hiến đất nên tuyến đường liên xã từ Hợp Tiến (Đồng Hỷ) sang Tân Thành (Phú Bình) được thi công nhanh chóng
Xem trọng lợi ích của dân
Về vấn đề này có rất nhiều nội dung liên quan mà trong khuôn khổ bài báo này khó có thể nói hết được. Bởi vậy, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một trong những nội dung vẫn được xem là nóng bỏng và nhạy cảm nhưng lại thể hiện rõ nét nhất sự đồng lòng vì lợi ích của người dân và của toàn xã hội, đó chính là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các công trình phục vụ dân sinh.
Một trong những dự án có tầm ảnh hưởng lớn nhất được triển khai ở tỉnh ta trong thời gian vừa qua chính là Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Huyện Phổ Yên là một trong ba địa phương thuộc vùng ảnh hưởng của Dự án này với 18km đường đi qua. Xã Hồng Tiến ảnh hưởng lớn nhất với chiều dài 6km, có 304 hộ trong diện thu hồi đất (diện tích 29,96ha), trong đó có 16 hộ nghèo và 3 gia đình chính sách. Đây là Dự án quan trọng, tác động tích cực đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh mà trực tiếp là mang lại lợi ích sát sườn cho nhân dân sở tại. Nhận thức rõ vấn đề phải đảm bảo cả lợi ích trước mắt và lâu dài cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, Ban bồi thường GPMB của huyện đã nhanh chóng thực hiện công tác kê khai, kiểm đếm, vận dụng triệt để các quy định của Nhà nước về bồi thường và tái định cư, tránh để sót chính sách ưu đãi đối với người được hưởng. Đồng thời, triển khai chi trả bồi thường nhanh gọn để người dân ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư Đảng uỷ xã vui mừng cho biết: “Chúng tôi chỉ mất hai buổi là hoàn tất việc chi trả bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng. Bà con đồng lòng lắm”. Được biết, ở xã có những hộ được nhận tới 1,6 tỷ đồng tiền bồi thường. Anh Nguyễn Đức Tiến, xóm Hắng là trường hợp như thế đã tâm sự: “Việc chi trả bồi thường nhanh gọn đã tạo điều kiện cho gia đình tôi xây dựng nhà ở mới và chuyển đổi nghề nghiệp. Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương đã định hướng ngành nghề mới để tôi có thể sớm ổn định cuộc sống”. Lãnh đạo xã Hồng Tiến cũng khẳng định: Chúng tôi rút ra bài học sâu sắc rằng, không được để mất tính dân chủ, phải công khai, minh bạch trong dân, phải quan tâm, chia sẻ và vì lợi ích của nhân dân thì công tác GPMB sẽ thu được kết quả cao.
Là địa bàn có nhiều dự án đầu tư, nhiều diện tích đất phải thu hồi, nên trong công tác GPMB, T.X Sông Công đã uyển chuyển, linh hoạt vận dụng chính sách của Nhà nước vì mục tiêu đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhân dân trong diện ảnh hưởng. Bà Dương Thị Bình, Trưởng Ban bồi thường GPMB thị xã cho biết: Chúng tôi rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định về bồi thường GPMB. Cùng với đó, chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ trực tiếp làm công tác GPMB phải thực hiện đúng các quy định hiện hành, tránh để mất lòng tin của nhân dân. Thị xã cũng lập phương án hỗ trợ tái định cư cho người dân và định hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với những hộ mất hết đất sản xuất…
Điều đáng lưu tâm là hầu hết các nhà đầu tư sau khi nhận bàn giao mặt bằng, tiến hành thi công và đi vào hoạt động đều ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến con em những gia đình bị ảnh hưởng của dự án. Đã có nhà đầu tư tuyển chọn lao động địa phương, đưa đi đào tạo nâng cao tay nghề và nhận vào làm việc. Có những dự án giải quyết tới vài nghìn lao động địa phương như: Nhà máy xi măng Quang Sơn, Nhà máy Mani Hà Nội, Nhà máy may Sông Công…
Khi lòng dân đã thuận
Có thể nói, khi chính quyền hết lòng vì lợi ích của dân thì đổi lại nhân dân sẽ đồng thuận, chung sức cùng chăm lo cho sự phát triển của toàn xã hội. Ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng xóm Yên Mễ, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) tâm sự với chúng tôi: Thực hiện Dự án đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, cả xóm có 46 hộ trong diện ảnh hưởng của Dự án. Ngoài công bố cơ chế chính sách, chúng tôi còn đến tận nhà dân vận động, tuyên truyền, thuyết phục và khi bà con hiểu rõ lợi ích cá nhân cũng như lợi ích cộng đồng thì đã đồng loạt bàn giao đất để thực hiện Dự án. Chủ tịch UBND T.X Sông Công, ông Nguyễn Khắc Lâm khẳng định: Với sự quyết tâm của thị xã và sự đồng thuận của người dân, mỗi năm chúng tôi bàn giao gần 60ha đất sạch phục vụ xây dựng các công trình dân sinh. Điều đáng lưu tâm là thời gian qua đã có khoảng 400 hộ dân tự nguyện hiến đất cho các dự án. Riêng năm 2009, thị xã đã tiến hành bàn giao mặt bằng với diện tích trên 39,8ha đất sạch cho các nhà đầu tư, tổng giá trị bồi thường là 86 tỷ đồng. Tình trạng đơn thư khiếu nại trong GPMB ở Sông Công rất ít và gần như không phải tổ chức cưỡng chế một trường hợp nào.
Thời gian qua, Đại Từ được xem là một trong những điểm sáng của tỉnh về GPMB, trong đó có phong trào hiến đất làm đường giao thông. Trong năm 2009 và 8 tháng đầu năm 2010, Đại Từ đã tiến hành GPMB trên 40 dự án với diện tích thu hồi là gần 200ha, trong đó có một số dự án thực hiện vận động nhân dân hiến đất, tài sản. Ông Dương Văn Hoà, xóm Làng Lớn, xã Mỹ Yên, người hiến gần 400m2 đất ruộng hạng 1 cho tuyến đường Đại Từ – Mỹ Yên tâm sự: “Nhận thấy hiệu quả mà con đường mang lại là rất lớn đối với bà con trong xã, nên khi có chủ trương hiến đất, gia đình tôi và các hộ khác chấp thuận ngay. Nhà nước và nhân dân cùng làm mà”.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định: Khi người dân đồng lòng thì việc GPMB sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và ngược lại từ những nhân tố, tấm gương điển hình, phong trào nhân dân hiến đất xây dựng các công trình đến nay đã nhân rộng ra toàn tỉnh. Ví dụ, ở xã Đào Xá (Phú Bình), từ tấm gương cựu chiến binh Nguyễn Văn Phảng hiến cho xóm 1.520m2 đất vườn để làm đường giao thông, đã có thêm 15 hộ dân khác hiến đất vườn, ao, ruộng để làm kênh mương và đường vào trung tâm xóm. Còn Phổ Yên, nhiều người biết đến ông Nguyễn Văn Khải bởi ông đã kiên trì vận động gia đình và bà con bàn giao đất trước thời hạn cho nhà đầu tư để xây dựng KCN Nam Tiến, Tân Hương. Ông tâm sự: Lúc đầu người nhà tôi cứ nhất nhất không chuyển phần mộ của thân nhân trong gia đình ra khỏi đất quy hoạch KCN. Nhưng rồi, với lòng quyết tâm, bền bỉ vận động, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được. Tại T.P Thái Nguyên có gia đình cựu chiến binh Vũ Ngọc Ân, phường Tân Thịnh, hiến 276m2 đất, trong đó có 200m2 đất thổ cư với trị giá gần 1 tỷ đồng để làm đường. Ở huyện Võ Nhai có gia đình anh Bàn Phúc Thuận, xã Phương Giao, tự nguyện hiến 3.400m2 đất để Nhà nước xây dựng trường tiểu học… Ngoài ra, đối với một số dự án quan trọng và phức tạp của tỉnh cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hàng nghìn hộ dân trong diện ảnh hưởng. Đó là Dự án xây dựng Chợ Thái, Dự án đường Hoàng Văn Thụ, đường Cách mạng Tháng Tám… (T.P Thái Nguyên).
Nhờ sự đồng lòng của nhân dân, những năm gần đây công tác GPMB trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc hơn trước. Năm 2009, toàn tỉnh có 200 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn trên 100 nghìn tỷ đồng. Trong năm này có 189 dự án tiến hành GPMB, trong đó đã có 98 dự án hoàn thành bồi thường GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư với tổng kinh phí bồi thường lên tới 301 tỷ đồng. Các dự án trọng điểm, có quy mô lớn cũng có những tiến triển tốt, đạt tiến độ thi công đề ra. Và thực tế, trong năm đã giải quyết xong về mặt bằng cho các dự án lớn như: Dự án đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, Nhà máy may Shinwon Hàn Quốc, Đường Quang Trung, Đường tỉnh 264B, 268… Có thể nói, trong năm qua tất cả các địa phương trong tỉnh đều rất nỗ lực thực hiện công tác GPMB và thu được nhiều kết quả khả quan. Ngoài huyện Đại Từ, T.X Sông Công, các địa phương khác như: T.P Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Định Hóa cũng hoàn thành GPMB nhiều dự án quan trọng, góp phần không nhỏ thúc đẩy quá trình thu hút đầu tư của tỉnh. Ông Hoàng Cường Quốc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh khẳng định: Thời gian qua, công tác bồi thường GPMB của tỉnh có bước đột phá mạnh mẽ, hoàn tất một khối lượng công việc rất lớn và cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra của các dự án. Thành công đó một phần quan trọng nhờ vào sự đồng thuận của người dân.
Kỳ III: Thân thiện, trách nhiệm với môi trường
“Môi trường” là một phạm trù khá rộng. Có thể là môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh hay môi trường văn hoá… Và những nội dung đó đều rất cần sự thân thiện, trách nhiệm để xây dựng và bảo vệ. Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh vẫn được xem là nóng hổi nhất hiện nay, đó là “môi trường tự nhiên”. Thân thiện với môi trường tự nhiên là trách nhiệm của toàn xã hội vì điều đó không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội mỗi địa phương mà còn tác động trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.
Công ty Liên doanh Kim loại mầu Việt Bắc đầu tư dây truyền sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường với tổng trị giá trên 70 tỷ đồng
Đã có lúc môi trường bị xem nhẹ
Cách nay khoảng 5 năm, Dự án Nhà máy sản xuất giấy Delta ở Định Hoá ra đời. Đây gần như là dự án quy mô đầu tiên được đầu tư tại một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, đơn vị chủ đầu tư Dự án này đã phải cho dừng sản xuất vì gây ra ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước xung quanh. Thực tế mà nói, lúc đó vấn đề đánh giá tác động môi trường và ý thức xây dựng hệ thống xử lý nước thải chưa được chính quyền và chủ doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Cùng thời điểm đó, một loạt nhà máy sản xuất giấy khác trên địa bàn cũng bị liệt vào danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó có Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên, đơn vị đã bị lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh xử lý vì đã xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên. Ngoài ra, Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ cũng từng gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, rồi Công ty cổ phần Giấy Sông Công phải dừng hoạt động vì chính lý do trên. Đánh giá của Uỷ ban Bảo vệ lưu vực sông Cầu hàng năm cũng chỉ rõ: Riêng ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai mỗi năm cũng xả ra sông Cầu hàng trăm nghìn mét khối nước thải, đa số chưa qua xử lý. Lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh hàng ngày còn phải hứng chịu tới khoảng 16.000m3 nước thải từ các KCN luyện kim, cán thép, chế tạo thiết bị máy móc. KCN Gang thép có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng nguồn nước sông Cầu. Ước tính mỗi ngày, sông Cầu phải tiếp nhận khoảng 3.500m3 nước thải từ các nhà máy giấy…
Thời gian trước, Khu công nghiệp (KCN) Sông Công cũng được liệt vào danh sách khu vực có những tác động xấu đến môi trường tự nhiên. Kết luận của cơ quan chuyên môn cho thấy: Nước thải của KCN Sông Công bị ô nhiễm nặng. Nước mang tính axit và có hàm lượng một số kim loại nặng. Tại KCN có gần 20 đơn vị hoạt động sản xuất với nhiều loại hình, ngành nghề khác nhau. Hầu hết các đơn vị này đều có nguồn nước thải với lưu lượng và đặc thù gây ô nhiễm khác nhau. Từ lâu, việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy Kẽm điện phân (nằm trong KCN) luôn tạo bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân địa phương. Như vậy, có thể thấy việc quan tâm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN còn rất hạn chế. Không riêng gì KCN Sông Công, mấy năm trước đây hầu hết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đều có chung thực trạng đó. Đánh giá của Sở Tài nguyên-Môi trường cho thấy, nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được xây dựng kết cấu hạ tầng, không thực hiện việc lập, trình duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xây dựng hệ thống xử lý chất thải trước khi tiếp nhận các dự án đầu tư. Dự án xây dựng Nhà máy kẽm tại KCN Điềm Thuỵ (Phú Bình) thời gian trước cũng gặp không ít trở ngại bởi có những tác động xấu tới môi trường. Năm 2008, Sở Tài nguyên-Môi trường đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 150 đơn vị sản xuất kinh doanh, đã tiến hành xử lý 64 đơn vị gây ô nhiễm môi trường. Năm 2009, thanh tra Sở cũng phối hợp với các địa phương thanh, kiểm tra 75 đơn vị, tỷ lệ vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chiếm trên 50%. Đã có thời điểm chúng ta có tới 15 cở sở được liệt vào danh sách những đơn vị gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Chuyển động tích cực từ nhiều phía
Trước thực trạng đó, hơn lúc nào hết, trách nhiệm bảo vệ môi trường phải được cả hệ thống chính trị quan tâm, các đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện. Thời gian gần đây, phương châm “thân thiện với môi trường” của tỉnh được cụ thể hoá bằng các chương trình hành động thiết thực và xem như yêu cầu bắt buộc đối với các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân. Sự thân thiện, trách nhiệm với môi trường được thể hiện rõ nét nhất ở hai đối tượng: Chính quyền các cấp và các cơ sở, doanh nghiệp. Về phía chính quyền, thời gian gần đây đã triển khai một loạt các chương trình, dự án đầu tư xử lý môi trường. Cụ thể, về xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế, năm 2009 tỉnh đã khởi công xây dựng 3 nhà máy xử lý, chế biến chất thải rắn tại T.X Sông Công, huyện Phổ Yên và Đồng Hỷ; thực hiện Dự án hỗ trợ quản lý chất thải rắn sinh hoạt và y tế ở các huyện, thành, thị; xây dựng hệ thống lò đốt chất thải y tế tại 3 bệnh viện tuyến huyện là Phú Bình, Phú Lương và Phổ Yên; thực hiện Dự án khắc phục ô nhiễm môi trường tại Bãi rác Thịnh Đức. Đối với chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp, năm 2008, tỉnh đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho một doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải nguy hại; năm 2009 khởi công xây dựng Công trình Trạm xử lý nước thải KCN Sông Công. Đối với nước thải sinh hoạt, năm 2009 tỉnh khởi công xây dựng Trạm xử lý nước thải nhằm thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho 9 phường trung tâm của T.P Thái Nguyên; thực hiện Dự án xử lý nước thải tại 7 bệnh viện trong tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng tiến hành lập dự án cải tạo môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn để chuẩn bị đầu tư xử lý ô nhiễm và áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn trong phát triển công nghiệp nhằm cải thiện môi trường… Bà Trần Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường khẳng định: Thời gian qua, tỉnh đã rất quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường và không ngừng tuyên truyền, nâng cao ý thức công đồng đối với vấn đề môi trường. Điều đáng mừng là đã có 7/15 đơn vị của tỉnh được công nhận “thoát” khỏi danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 4 đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục để ra khỏi danh sách trên.
Với lực lượng thứ hai, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và sát sườn nhất. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp thường chỉ biết đầu tư cho sản xuất mà bỏ qua vấn đề xử lý ô nhiễm thì giờ đây ý thức bảo vệ môi trường của đối tượng này đã được nâng lên một bước. Ngoài thực hiện nghiêm chỉnh các thủ tục cần thiết như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây dựng phương án xử lý môi trường, ký Quỹ phục hồi môi trường…, các doanh nghiệp còn không ngừng đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Công ty Liên doanh Kim loại mầu Việt Bắc (tại KCN Điềm Thuỵ-Phú Bình) từng gặp không ít khó khăn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đơn vị này đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất vừa mang tính hiện đại lại vừa thân thiện môi trường với giá trị trên 70 tỷ đồng. Tại khu vực lò hơi sản xuất kẽm, Công ty bố trí thiết bị xử lý bằng lọc bụi cơ học, đủ điều kiện để có thể thải ra môi trường không khí mà không gây tác hại. Ở khu vực lò thiêu lớp sôi, sau khi xử lý thu hồi bụi, phạm vi và mức độ ảnh hưởng do bụi thải tới khu vực xung quanh giảm tối đa. Hiệu suất thu bụi của cả hệ thống đạt 99,9%. Tại khu vực lò thiêu nhiều tầng, Công ty đã áp dụng hệ thống làm nguội bề mặt để giảm nhiệt độ và thu bụi bằng túi vải. Hiệu suất thu bụi của hệ thống xử lý này đạt 98,5%. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty nói: Nhận thức đây là một dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn nên chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường. Ngay trong quá trình thi công, chúng tôi cũng nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân xung quanh.
Sự chuyển biến trong nhận thức của đại đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về bảo vệ môi trường thời gian qua là rất khả quan. Tuy nhiên, chúng ta cũng không ngoại trừ một bộ phận tổ chức, cá nhận còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc. Những trường hợp cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm và bị xã hội lên án, tẩy chay. Được biết, 7 tháng đầu năm 2010, cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và xử lý 29 cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, phạt tiền trên 416 triệu đồng…
Đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc thực hiện phương châm “Ba thân thiện” thời gian qua đã góp phầntạo ra các phong trào thi đua yêu nước, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương trong toàn tỉnh. Trong phát triển kinh tế có nhiều mốiquan hệ, nhưng “ba thân thiện” là mối quan hệ đặc trưng nhất, có sự gắn bómật thiết nhất. Việc thực hiện “ba thân thiện” không chỉ đơn lẻ với một đối tượng nào mà phải được cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội vào cuộc mới mang lại kết quả cao nhất. |