Đặc thù của đồng bào dân tộc Mông là định cư trên các sườn núi cao nên hệ thống công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gần như “trắng”. Do vậy việc giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc Mông gặp rất nhiều khó khăn, một số bản Mông tỷ lệ hộ nghèo luôn ở con số 100%...
Người dân tộc Mông mới di cư từ tỉnh như: Cao Bằng, Hà Giang đến định cư ở một số huyện như: Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ và Võ Nhai từ năm 1978. Qua hơn 30 năm an cư, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 13 xóm, bản của người Mông với tổng số khoảng 4.000 nhân khẩu (chiếm 0,46% dân số của tỉnh). Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn đều chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, do tập quán canh tác lạc hậu, trình độ thâm canh còn hạn chế, cùng với đó là hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt ở vùng đồng bào Mông định cư chưa được đồng bộ nên tình trạng đói nghèo vẫn “bao trùm” lên các bản Mông trên địa bàn tỉnh.
Sau nhiều lần đi cùng một số cán bộ của Ban Dân tộc, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh, Chi cục Dân số… lên công tác tại các bản của người Mông ở Võ Nhai, Đồng Hỷ, chúng tôi mới thấy được nỗi vất vả, sự thiếu thốn mà bà con ở đây đang phải chịu đựng. Được bình bầu là một trong những hộ khấm khá nhất bản nhưng trong nhà của anh Lý Văn Sinh ở bản Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) không có nhiều tài sản giá trị (ngoài chiếc ti vi và nồi xoong, bát đũa…). Đi một vòng bản Lũng Hoài, chúng tôi thấy hầu hết các gia đình đều ở trong nhà bưng bằng gỗ ván, lợp prô-xi-măng, chuồng trại chăn nuôi cũng làm tạm bợ bằng tre, nứa. Khu đất canh tác của gần 50 hộ dân ở Lũng Hoài rộng khoảng 3ha nhưng chỉ trồng được ngô, không thể cấy lúa vì thiếu nước. Chính vì vậy mà để duy trì cuộc sống, nhiều người dân ở Lũng Hoài đã phải vào rừng khai thác lâm sản trái phép hoặc đi làm thuê. Tại một số bản người Mông như: Khuổi Mèo; Mỏ Chì, Nước Hai, Lân Thùng, Lân Vai (Võ Nhai); Mỏ Ba, Bản Tèn, Lân Đăm (Đồng Hỷ); Na Sàng (Phú Lương) và các bản người Mông khác trong tỉnh đều trong tình trạng thiếu đất canh tác, trình độ thâm canh của bà con còn hạn chế nên đói nghèo cứ bám riết.
Để từng bước tạo sự phát triển đồng đều, ổn định cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn, các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện đã triển khai những chính sách đãi ngộ của Trung ương như: Mở đường lên các bản Mông, đầu tư các công trình nước tự chảy để cung cấp nước sinh hoạt cho bà con; hỗ trợ đồng bào Mông làm nhà; hỗ trợ khi bà con mua các loại vật nuôi như trâu, bò; cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; xây dựng trường học, cấp sách, đồ dùng học tập để khuyến khích trẻ em ở vùng đồng bao dân tộc Mông đến trường… Những chính sách giúp đỡ nêu trên cũng chỉ phần nào giảm bớt sự khó khăn trong cuộc sống của đồng bào Mông còn trong thực tế đây vẫn là những vùng “trũng” trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Vấn đề đặt ra đối với đồng bào Mông là bà con định cư rải rác và sống trên núi cao nên việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng rất khó thực hiện. Ví dụ như việc mở đường lên các bản Mông vô cùng tốt kém nên chỉ đến lưng chừng núi phải dừng thi công vì thiếu vốn hoặc địa hình quá phức tạp. Những còn đường lên bản Mông đầu tư cả tỷ đồng nhưng sau một thời gian ngắn đã sạt lở hoặc bị dòng nước từ trên núi cuốn trôi lớp cấp phối trên mặt, biến đường thành những dòng suối cạn. Việc xây dựng phân trường tại các bản Mông cũng chỉ có thể làm nhà tạm vì việc vận chuyển vật liệu quá tốn kém. Đặc biệt là việc đưa điện lên các bản Mông để phục vụ sự phát triển kinh tế, sinh hoạt cho bà con đã được tính đến nhưng sau nhiều lần khảo sát, ngành Điện đành bỏ cuộc vì chi phí quá lớn mà số hộ được hưởng lợi lại không nhiều.
Vì những khó khăn này mà việc xóa đói giảm nghèo tại các bản Mông trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có một giải pháp tổng thể, mang tính lâu dài mà mới dừng lại ở việc “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Theo một số cán bộ làm công tác xã hội, để việc xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh được bền vững, các ngành liên quan nên xem xét một số giải pháp như: Khảo sát và tìm ra các vùng đất thuận lợi về giao thông, thuỷ lợi và các công trình phúc lợi khác để vận động đồng bào Mông hạ sơn; đối với những địa phương không còn quỹ đất để tái định cư cho đồng bào Mông nên khảo sát thật kỹ việc đưa cây trồng, vật nuôi vào sản xuất và có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng để bà con trồng rừng sản xuất ngay trên những diện tích đất đã bị khai phá trồng lúa nương trước đây; huy động các nguồn lực để hỗ trợ đồng bào Mông lắp đặt, sử dụng thiết bị phát điện bằng năng lượng mặt trời… Đây là những việc làm không dễ nhưng nếu thực hiện được sẽ giúp đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ hội để xóa đói nghèo về vật chất và cả sự đói nghèo về tinh thần…