Nhắc đến Đại Từ, nhiều người biết đến Khu du lịch Hồ Núi Cốc với câu chuyện huyền thoại về tình yêu thủy chung của nàng Công, chàng Cốc làm đắm say lòng người. Tuy nhiên, cũng từ điểm du lịch này, chúng ta có thể đi khám phá 169 danh lam, thắng cảnh, di tích nổi tiếng của huyện. Phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong đó có sự tham gia của cộng đồng đang là một hướng đi mới được Đảng bộ, chính quyền huyện Đại Từ lựa chọn trong nhiệm kỳ 2010-2015…
Kỳ I: Nơi giàu tiềm năng nhưng phát triển tự phát
Nằm dọc thung lũng dưới chân núi Tam Đảo và hệ thống núi thấp của cánh cung sông Gâm và cánh cung Ngân Sơn, huyện Đại Từ được thiên nhiên ban tặng cho những cánh rừng bạt ngàn và nguồn đất đai màu mỡ, nhiều mỏ khoáng sản, tạo tiền đề cho huyện có điều kiện phát triển kinh tế theo hướng toàn diện và bền vững. Dọc triền Đông dãy Tam Đảo, nơi hứng hầu hết các cơn mưa của tự nhiên và do kiến tạo của địa hình đã hình thành những con suối, thác nước, vực sâu khá đẹp.
Một trong những thắng cảnh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong những năm gần đây đến với Đại Từ là suối Tiên Sa (La Bằng). Người xưa kể lại, suối La Bằng ngày ấy rất đẹp, dòng nước trong xanh, hai bên cây cối xum xuê toả bóng mát, vào một tối đẹp trời có 4 cô tiên xuống đánh cờ, mải mê đánh cờ trời sáng lúc nào không biết, không kịp về trời, 4 cô đã hóa thành đá ở 4 góc của bàn cờ, từ đó đến nay suối La Bằng có tên là suối Tiên Sa. Theo lời giới thiệu của người dân địa phương, tiếp tục đi theo men suối, chúng ta sẽ đến Vực Thẳm, đi tiếp khoảng 700 m là khu vực Sạt Đèo Khế. Từ Sạt đi khoảng 300 m sẽ đến Chuôm, đây là nơi cảnh quan đẹp, có bãi đá liền khổng lồ được tự nhiên tôn tạo thành những cảnh quan kỳ thú, là nơi nghỉ mát và du lịch sinh thái lí tưởng. Từ Chuôm đi vào là Ngả Hai – nơi hai dòng nước lớn chảy dẫn về thành một suối to, cứ theo dòng suối chúng ta đến Voi Dắt, rồi Đá Hầm, đi tiếp vào trong cánh rừng nguyên sinh với cây trò lâu năm có chu vi khoảng 5 người vòng tay ôm và cây đa Ba Luồng, cây gội (sến) ngàn năm, nhiều loại phong lan rừng khoe sắc... Ngoài ra, Đại Từ còn có các thắng cảnh nổi tiếng đã và đang thu hút một lượng lớn khách tham quan du lịch như thác Đát Ngao (xã Quân Chu), hồ Vai Miếu (xã Ký Phú), thác Bom Bom (Mỹ Yên), suối Cửa Tử (Hoàng Nông), thác Ba Dội (Phú Xuyên)...
Bên cạnh những thắng cảnh thiên nhiên đẹp, huyện Đại Từ còn là địa phương giàu truyền thống cách mạng với 160 di tích lịch sử và tín ngưỡng, trong đó 5 di tích đã được xếp hạng Quốc gia như Di tích núi Văn, núi Võ gắn với danh tướng Lưu Nhân Chú và đội nghĩa binh của ông; La Bằng nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh; rồi đến Yên Lãng với Chiến khu cách mạng Nguyễn Huệ nơi 12 đảng viên năm xưa vượt nhà tù Chợ Chu để góp phần vào ngọn lửa tiền khởi nghĩa của dân tộc. Đại Từ cũng là nơi phát tích Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7, nơi xuất quân của lực lượng thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc trước khi về Thủ đô sau Hội nghị Giơnevơ... Cùng với đó, Đại Từ còn là mảnh đất có truyền thống văn hóa, lâu đời, rất thuận lợi để khai thác phát triển du lịch văn hóa kết hợp với các loại hình du lịch khác. Với 8 dân tộc anh em cùng chung sống, nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, loại hình văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số hiện vẫn còn được lưu giữ như đám cưới người Dao (xã Quân Chu), tết nhảy (xã Phú Xuyên), tục ma chay, cưới hỏi của dân tộc Sán Dìu (xã An Khánh), hát then cổ của người Tày các xã Phúc Lương, Đức Lương, Phú Cường...
Xác định Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tác dụng góp phần tích cực thực hiện chính sách mở cửa, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của nhiều thành phần kinh tế khác, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mở rộng giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền, năm 2006, Huyện ủy Đại Từ đã xây dựng Chương trình số 09 về phát triển du lịch và dịch vụ du lịch giai đoạn 2006-2010. Chương trình đã đề ra các mục tiêu chủ yếu: hình thành rõ các điểm du lịch sinh thái, lịch sử (chùa Thiên Tây Trúc, Đát Ngao, hồ Vai Miếu, núi Văn, núi Võ, thác Cửa Tử...); hình thành một số tua du lịch như Hà Nội - Phổ Yên - chùa Thiên Tây Trúc - làng văn hóa dân tộc Dao xóm Hoà Bình xã Quân Chu - hồ Vai Miếu - Di tích Lưu Nhân Chú-Bom Bom - Di tích 27/7- hồ Núi Cốc; Thái Nguyên - hồ Núi Cốc - Di tích 27/7- ATK Định Hóa - ATK Tân Trào - Chiến khu Nguyễn Huệ - thác Ba Dội -Cửa Tử - hồ Núi Cốc...; từng bước hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của huyện gồm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch thể thao leo núi, du lịch mặt nước, du lịch lịch sử-văn hóa; hình thành và phát triển đồng bộ các hoạt động dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của du khách tại các điểm, tua du lịch.
Căn cứ theo hướng muốn phát triển du lịch trước hết phải xây dựng hạ tầng giao thông, tôn tạo các di tích lịch sử theo các tuyến, tua đã xác định, hơn 3 năm qua, Đại Từ thu hút các nguồn vốn đầu tư vào Dự án khu di tích núi Văn, núi Võ (xã Văn Yên, Ký Phú) với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng, thi công đường Đại Từ – Mỹ Yên 23 tỷ đồng; xây dựng chợ xã Tân Thái 5 tỷ đồng, nâng cấp đường Tỉnh lộ 261 trị giá 25 tỷ đồng, cải tạo nâng cấp và mở rộng Khu di tích lịch sử 27-7, xây dựng Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ về thăm xã Hùng Sơn, đang thi công tuyến đường liên xã Mỹ Yên - Khôi Kỳ - Hoàng Nông - La Bằng - Phú Xuyên với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, dự kiến hết năm 2010 sẽ hoàn thành đi vào sử dụng. Mạng lưới thông tin liên lạc được huyện quan tâm củng cố và phát triển mạnh, hệ thống điện lưới đang được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng điện áp phục vụ nhân dân và phát triển du lịch. Đối với các dịch vụ du lịch, huyện hình thành nghề thêu ren ở Vạn Thọ, Tân Thái; sản xuất nấm ăn tại xã Hùng Sơn; từng bước xây dựng thương hiệu chè; phát triển các dịch vụ ăn, nghỉ, vận tải trên địa bàn...
Mặc dù đã vận dụng nhiều cơ chế, chính sách nhưng hiện nay việc khai thác và phát triển du lịch của huyện chưa đạt hiệu quả cao. Phần lớn những điểm du lịch và di tích lịch sử trên còn ở dạng hoang sơ, chưa được đầu tư do nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp. Thêm nữa, hoạt động du lịch ở đây chưa thực sự rõ nét, chủ yếu do tự người dân khai thác, nhỏ lẻ và mang tính mùa vụ cao. Ở một số điểm du lịch như hồ Vai Miếu có dịch vụ cho thuê thuyền chở khách đi trên lòng hồ, dịch vụ câu cá giải trí và một số hàng quán phục vụ ăn uống. Trước cửa các đền, chùa, một số người dân bán đồ lễ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Theo bà Trần Thị Nga, Trưởng phòng Văn hóa huyện Đại Từ thì: Sở dĩ, các hoạt động du lịch còn nghèo nàn là do mục tiêu của chương trình vượt quá khả năng của huyện; tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng vẫn còn chậm, công tác quy hoạch, lập dự án đầu tư cho các điểm, khu du lịch chưa được triển khai đồng bộ nên không có cơ sở mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Thêm nữa, công tác xã hội hóa cho phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thu được kết quả. Đặc biệt là đến nay, huyện cũng chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng, dịch vụ du lịch thì nghèo nàn, hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách hầu như chưa có gì. Công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch chưa được chú trọng, chưa có các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của huyện...
Kỳ II: Xã hội hóa du lịch để tạo môi trường phát triển
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Đại Từ giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020có nhấn mạnh: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh giá trị công nghiệp và dịch vụ. Trong cơ cấu kinh tế của dịch vụ thì du lịch là lĩnh vực có nhiều lợi thế phát triển và phù hợp với xu thế phát triển chung của tỉnh. Khẳng định về lợi thế phát triển du lịch của huyện với các huyện trong tỉnh, Đại Từ đã đưa ra nhiều biện pháp thực hiện hướng tới nền du lịch bền vững.
Di tích lịch sử đồi Thành Trúc, nơi Bác Hồ từng ở trước khi về Thủ đô Hà Nội năm 1954
Là người tâm huyết với vấn đề phát triển du lịch của địa phương, đồng chí Trương Thị Huệ, Bí thư Huyện uỷ Đại Từ cho biết: Với nhiều di tích và điểm du lịch trên địa bàn như hiện nay thì chúng tôi không thể cùng một lúc đầu tư dàn trải vào nhiều công trình như vậy. Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi tập trung phát triển các tua du lịch chính từ trung tâm huyện đến các xã phía Nam, đặc biệt là khu Đát Ngao – Lán Than – Chùa Thiên Tây Trúc (xã Quân Chu) và hồ Vai Miếu (xã Ký Phú), khu vực hồ Phú Xuyên (xã Phú Xuyên), khu vực Cửa Tử (xã Hoàng Nông). Sau khi các điểm du lịch này được phê duyệt, huyện sẽ tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch để làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như nhà hàng, khách sạn…
Khu vực Đát Ngao - Lán Than - chùa Thiên Tây Trúc được đồng chí Bí thư Huyện ủy nói tới ở đây nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Quân Chu, quy mô rộng khoảng 50 ha. Thác Đát Ngao có nguồn nước chảy quanh năm từ dãy Tam Đảo xuống, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình 25 độ C, nơi đây có những phiến đá to, hủng lớn, phù hợp là nơi tham quan bãi đá, rừng nguyên sinh Tam Đảo, du khách cũng có thể thả mình trong làn nước trong xanh và sạch. Đát Ngao còn là nơi Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt
Bên cạnh việc đầu tư vào một vài khu du lịch trọng điểm, đồng chí Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho rằng: Huyện đang nâng cấp dần hệ thống giao thông, nâng nâng cao chất lượng văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, để tạo nét riêng biệt, huyện đang lựa chọn địa điểm để xây dựng một số làng văn hóa dân tộc như làng văn hóa dân tộc Dao, làng văn hóa dân tộc Tày... mà ở đó hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc đó. Khi khách du lịch đến với mỗi làng văn hóa có thể nhận diện, cảm thụ đầy đủ và có ấn tượng sâu sắc về tầng sâu văn hiến, về mảnh đất, con người Đại Từ. Ngay trong năm 2010 và 2011, huyện lựa chọn một số địa điểm có lợi thế của La Bằng để xây dựng thành làng văn hóa chè. Du khách đến đây có thể tham quan vẻ đẹp của các đồi chè xanh, thưởng ngoạn các công đoạn làm ra sản phẩm chè do người dân của làng chè trực tiếp thực hiện, thưởng thức sản phẩm chè với văn hóa pha trà đặc sắc, đồng thời có thể mua sắm sản phẩm chè đặc sản của Đại Từ. Cùng với các sản phẩm từ chè, huyện cũng quan tâm khôi phục, lưu giữ và phát triển một số món ăn truyền thống, độc đáo hiện nay đã bị mai một, phát triển nuôi ếch xanh, cá tầm để tạo ra điểm riêng có về văn hóa ẩm thực thu hút du khách đến với Đại Từ.
Không những vậy, huyện còn quan tâm duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống trên địa bàn, bảo tồn phát huy nghệ thuật dân gian các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc địa phương như: hát sli, hát lượn, hát then, đàn tính... phục vụ du khách gắn với phát triển du lịch. Theo đó, các lễ hội tổ chức chu đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử của quê hương Đại Từ để lễ hội không chỉ là một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa đối với nhân dân địa phương mà còn có sức hút du khách thập phương đến với Đại Từ vào mỗi dịp diễn ra các lễ hội. Đặc biệt, huyện còn chú ý tăng cường tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ khách du lịch cho nhân dân trong huyện mà trước hết là nhân dân các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, tạo phong cách ứng xử thân thiện, mến khách, lịch sự, văn minh. Theo chương trình đề ra, từ nay đến năm 2015, huyện tổ chức lớp tập huấn Du lịch cộng đồng cho 100% xã thuộc khu du lịch Hồ Núi Cốc nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ phát triển du lịch bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương và phấn đấu đến năm 2020, tổ chức tập huấn du lịch cho 100% các xã trong huyện về phát triển du lịch cộng đồng. Đây chính là một yếu tố quan trọng góp phần hình thành, phát triển môi trường du lịch lành mạnh, văn minh và bền vững của địa phương. Bởi đây là cơ hội cho cộng đồng địa phương gồm các thành phần kinh tế khác nhau được tham gia vào toàn bộ quá trình phát triển các sản phẩm, các khu, điểm du lịch từ khâu quy hoạch đến quản lý, phát triển, khai thác và họ phải được hưởng lợi từ những dự án phát triển cụ thể. Làm được như thế mới nhận được sự ủng hộ của cộng đồng địa phương. Một khi cộng đồng địa phương có được quyền lợi cụ thể thì họ sẽ là người bảo vệ hữu hiệu nhất tài nguyên môi trường Du lịch - một yếu tố quan trọng bậc nhất trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, để địa phương thực sự tạo được sự đột phá trong phát triển du lịch, đồng chí Trương Thị Huệ, Bí thư Huyện uỷ cũng đề nghị các ngành liên quan của tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để huyện chủ động tổ chức quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các điểm, khu du lịch tiềm năng của huyện như: khu vực Lán Than- Đát Ngao- chùa Thiên Tây Trúc; khu vực Hồ Vai Miếu, hồ Phú Xuyên, thác Ba Dội, thác Cửa Tử; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chính về giao thông, điện, cấp nước, viễn thông cho các khu du lịch trọng điểm của huyện để làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này...