Hướng mở cho công nghiệp Thái Nguyên

07:20, 04/08/2010

Công nghiệp phụ trợ (CNPT) chưa có một định hướng cụ thể và những doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi riêng để khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, lĩnh vực này đã có những bước tiến đáng kể với những đại diện tiêu biểu: Công ty CP Phụ tùng Máy số 1, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên… Bước tiến này còn giúp Thái Nguyên có sự phát triển mới và cũng là một hướng mở của công nghiệp trên địa bàn.

 

Xu hướng hiệu quả

 

CNPT hay còn gọi là công nghiệp sản xuất vệ tinh là hình thức sản xuất khác với hình thức sản xuất tích hợp theo chiều dọc của doanh nghiệp. Tức là mọi linh phụ kiện được sản xuất bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau chứ không được sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp. CNPT cho các nhà sản xuất sản phẩm cuối như ô tô, xe máy… đang là một hướng đi của nhiều công ty sản xuất cơ khí trong nước.

 

Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (FUTU1) là đơn vị sản xuất CNPT tiêu biểu. Từ khi thành lập, FUTU1 đã cung cấp thiết bị phụ trợ cho các đơn vị sản xuất cơ khí trong nước. Năm 2003, FUTU1 ký hợp đồng cung cấp linh kiện cho Công ty liên doanh HONDA và được đối tác đánh giá cao về khả năng cung cấp sản phẩm chất lượng, kỹ thuật cao, giá thành hạ. Nhờ đảm bảo uy tín, FUTU1 mở rộng đối tác và đã đưa tốc độ tăng trưởng hàng năm của mình đạt từ 30 đến 40%. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2009 của Công ty đạt gần 70%. Nếu cả năm 2009, doanh nghiệp đạt doanh thu gần 400 tỷ đồng thì chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2010 con số này là trên 260 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ CNPT chiếm tới 80%. Tính riêng thu nhập của công nhân lao động trong Công ty năm 2009 đã đạt trung bình trên 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Không chỉ những đơn vị có truyền thống sản xuất linh kiện như FUTU1, một số đơn vị sản xuất công nghiệp truyền thống cũng phát triển CNPT khá thuận lợi. Công ty CP Cơ khí Phổ Yên (FOMECO) trước đây chỉ sản xuất những máy móc cơ khí hoàn thiện như: máy cắt thép, máy tạo hạt gỗ và sản xuất vòng bi… Từ năm 2003, FOMECO đã tham gia sản xuất linh kiện xe máy cho HONDA. Qua 7 năm phát triển CNPT, Công ty đã gây dựng được uy tín lớn với đối tác. Ngoài hơn 40 chi tiết sản phẩm sản xuất cho HONDA, hàng chục đơn hàng sản xuất CNPT khác với những đối tác lớn là các công ty liên doanh như: YAMAHA, MAP, STANLEY, GAP… đã được Công ty thực hiện thành công. Hiện nay, sản phẩm CNPT đã trở thành nguồn thu chính đưa doanh thu của công ty tăng liên tục trong nhiều năm. Năm 2009, FOMECO đạt doanh thu 176 tỷ đồng, cao gấp 8 lần năm 2002. Doanh thu từ giá trị sản xuất CNPT cũng chiếm gần 80%. Thu nhập của công nhân được duy trì ổn định ở mức gần 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Tương tự FOMECO, một số doanh nghiệp khác cũng mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thành công, đem lại doanh thu cao như Công ty Diesel Sông Công (DISOCO) sản xuất linh kiện xe máy cho HONDA; Công ty CP MEINFA sản xuất phụ tùng xe máy; Công ty cổ phần Cơ khí Mỏ Việt Bắc chế tạo, sản xuất phụ tùng ôtô, máy mỏ…

 

Bài toán “Chất lượng - giá thành - tiến độ”

 

Mặc dù chưa có số liệu thống kê về giá trị CNPT trên địa bàn tỉnh nhưng qua mức tăng trưởng ấn tượng của các doanh nghiệp tiêu biểu kể trên có thể thấy, CNPT đã đem lại nguồn lợi lớn. Tuy nhiên, phát triển CNPT, các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Để có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài, thì các doanh nghiệp phải giải được bài toán “chất lượng - giá thành - tiến độ giao hàng”. Làm được việc này hoàn toàn không phải dễ, bởi doanh nghiệp phải tính toán cân nhắc đối với từng sản phẩm cụ thể.

 

Như sản phẩm trục khuỷu xe máy DISOCO sản xuất cho HONDA có yêu cầu chất lượng cao hơn hẳn với trục khuỷu của các các loại động cơ khác. Đòi hỏi này phần nào có thể giải quyết bằng việc đầu tư công nghệ hiện đại nhưng, để không xảy ra lỗi trong sản xuất hàng loạt lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người và quản lý… Vì vậy mà DISOCO đã phải đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực. Hay như FOMECO, để có thể có đơn hàng sản xuất hơn 40 sản phẩm linh kiện cho HONDA, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, có những sản phẩm, Công ty mất cả năm trời để thuyết phục đối tác ký hợp đồng. Ông Dương Thanh Hải, Giám đốc Xí nghiệp 1, FOMECO cho biết: “Đơn cử như với một chi tiết máy trong hệ thống nạp, xả nhiên liệu động cơ trước đây HONDA phải nhập khẩu từ Đài Loan, chúng tôi phải mất 3 tháng để làm thử và cũng chừng ấy thời gian để chứng minh năng lực sản xuất của mình với đối tác. Tiếp sau đó chúng tôi lại phải liên tục nâng cấp dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu sản xuất số lượng của đối tác”. Với FUTU1, để phát triển thỏa mãn các đối tác thì Công ty bắt buộc phải đầu tư nhiều máy móc hiện đại với nguồn nhân lực trình độ cao. Ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc FUTU1 cho biết, để trở thành đối tác bền vững cho các khách hàng chúng tôi phải liên tục đầu tư mạnh mẽ công nghệ sản xuất. So với các doanh nghiệp trong nước khác chúng tôi có sự đầu tư theo chiều sâu về thiết bị như hệ thống máy tiện CNC, máy trung tâm gia công… để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và có sức cạnh tranh cao.

 

Ngoài ra, một khó khăn không nhỏ nữa là hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng yêu cầu của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất CNPT trên lĩnh vực cơ khí. Như với FUTU1, chỉ có khoảng 20% nguyên liệu Công ty sử dụng là gang sản xuất trong nước với giá trị thấp. Còn lại, 80% nguyên liệu đều phụ thuộc vào nước ngoài. Chính vì vậy đã khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về giá thành và tiến độ nhập nguyên liệu sản xuất.

Doanh nghiệp không đơn độc

 

Ông Lê Huy Nhỡn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, so với cả nước, công nghiệp cơ khí Thái Nguyên có năng lực đúc, rèn tương đối khá. Gần đây, một số đơn vị đã đầu tư thiết bị mới là các máy gia công cơ khí bằng CNC, lò tinh luyện, máy đúc liên tục, dây chuyền rèn dập, dây chuyền nhiệt luyện… có trình độ tự động hoá cao sản xuất ra các sản phẩm chất lượng quốc tế và được thị trường chấp nhận. Tiêu biểu trong số đó là các đơn vị: FOMECO; FUTU1; Công ty Cổ phần MEINFA; Công ty TNHH WIHA… Được biết, trong Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp Thái Nguyên đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, CNPT được ưu tiên phát triển số một. Đề án cũng nhấn mạnh: “Ngành CNPT cần được ưu đãi đặc biệt cho phát triển”.

 

Tháng 4/2010, Xưởng đúc của Công ty CP ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) tại Phổ Yên đã chính thức đi vào hoạt động với công suất đúc lên tới 350 nghìn tấn sản phẩm/năm. Xưởng đúc khuôn mẫu này ra đời sẽ góp phần quan trọng giúp Vinaxuki tạo ra khung vỏ ôtô hoàn chỉnh từ thép tấm. Ngoài ra, năm 2009, Công ty cổ phần Đại Thắng cũng cam kết đầu tư nhà máy cơ khí đúc tại huyện Đồng Hỷ trị giá trên 53 tỷ đồng. Đây là những doanh nghiệp mới nhất tham gia trong lĩnh vực CNPT tại Thái Nguyên và cũng là bằng chứng thể hiện chủ trương phát triển CNPT của tỉnh Thái Nguyên đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh vẫn chưa có chiến lược riêng cho phát triển CNPT. Chính vì vậy, CNPT Thái Nguyên chưa có một định hướng cụ thể và doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực này chưa được hưởng ưu đãi riêng để khuyến khích phát triển.

 

Đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngành CNPT Thái Nguyên chưa được quan tâm thỏa đáng trong khi tỉnh có tiềm lực lớn đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí. Tới đây, chúng ta cũng phải xem xét, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, môi trường và các chính sách hỗ trợ khác để phát huy tốt tiềm năng này đồng thời phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghiệp luyện kim, công nghiệp may mặc….