Trước thực trạng sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún, sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu vẫn mang tính tự cung tự cấp, Đại hội Đảng bộ huyện Võ Nhai khoá XVIII đã đề ra chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện những năm qua đã có chuyển biến tích cực, góp phần xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân...
Đến xã La Hiên (Võ Nhai) trong những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp, tấp nập những chuyến xe của thương nhân ở khắp mọi nơi về đây thu mua quả na. Na cũng được người dân bày bán dọc hai bên trục Quốc lộ 1B từ Thái Nguyên đi Lạng sơn. Bà Trần Thị Hoa, ở xóm Hiên Minh phấn khởi cho biết: Cây na đã được trồng trên vùng đất này từ lâu và được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến bởi chất lượng ngon, ngọt rất đặc biệt của vùng đất nhiều núi đá này. Gia đình tôi trồng hơn 2 mẫu na, đến nay, 1 mẫu đã cho thu hoạch từ 5, 6 năm nay. Trung bình 1 mẫu na cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả, với giá bán ở vào thời điểm đầu vụ là 30.000 đến 35.000 đồng/kg, giá bán chính vụ là 20.000 đến 25.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình khoảng trên 80 triệu đồng. Thu nhập từ loại cây trồng này đã giúp nhiều người dân ở đây không những thoát nghèo mà còn xây được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền.
Ngoài cây ăn quả, còn có một số loại cây trồng có giá trị hàng hoá cao đã và đang được người dân lựa chọn làm cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế như: chè, ngô, thuốc lá... Điều đáng nói là những loại cây trồng này đang được trồng tập trung trên diện tích khá lớn. Trong tương lai, Võ Nhai có thể sẽ hình thành được những vùng chuyên canh sản xuất cây chè, ngô và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện đạt gần 1.000ha (tăng hơn 200ha so với 2005), sản lượng đạt 2.000 tấn/năm; tổng diện tích chè của huyện là trên 610ha (tăng 240 ha so với năm 2005), trong đó diện tích chè cành là 210ha, chủ yếu tập trung ở các xã: Tràng Xá, Liên Minh; năng suất bình quân hàng năm đạt 90 tạ chè búp khô/ha, 1kg chè búp khô có giá bán trung bình từ 30.000 đến 35.000 đồng, đem lại nguồn thu nhập cho người dân từ 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Ngô cũng là loại cây trồng chính, riêng vụ xuân năm nay, diện tích ngô gần 3.000ha, trong đó có gần 2.800ha ngô lai năng suất đạt trên 43tạ/ha. Có những hộ, mỗi vụ, trồng 50 - 60 kg ngô giống, thu hoạch được trên 20 tấn ngô. Vào vụ thu hoạch ngô, nếu đến các xã Tràng Xá, Dân Tiến, chúng ta cũng được thấy nườm nượp của những chiếc xe tải, thùng moóc máy cày của thương nhân để thu mua ngô cho người dân. Ngoài các thương nhân ở nơi khác đến, Dân Tiến còn có trên 20 hộ cũng đặt điểm thu mua ngô. Chị Lê Thị Lắm, một thương nhân thu mua ngô ở xóm Tân Tiến (Dân Tiến) cho hay: Hàng năm, tôi đều đi thu mua ngô của các hộ dân trong xã và các xóm miền Đông Bo (Tràng Xá). Vào thời điểm chính vụ, chị mua được 30 đến 40 tấn ngô mỗi ngày.
Đạt được kết quả đó là nhờ huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: Tiến hành rà soát và quy hoạch 15 xã, thị trấn trong huyện thành 3 tiểu vùng kinh tế - xã hội gồm: 6 xã phía Bắc chủ yếu trồng rừng và chăn nuôi; 5 xã phía Nam tập trung sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây ăn quả; 4 xã dọc Quốc lộ 1B chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, các loại cây nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả. Mỗi năm, ngành Nông nghiệp huyện đã đưa hàng chục mô hình, dự án các loại giống lúa, ngô, chè lai có giá trị kinh tế cao như: giống lúa lai SH2, DS1; giống ngô SSC557, VN61, MB68... vào trồng thử nghiệm tại các địa phương để quảng bá, khuyến khích người dân thay thế các loại giống cũ, kém năng suất, chất lượng; chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu mùa vụ như tăng trà lúa xuân muộn, trà lúa mùa sớm, phát triển cây vụ đông, lựa chọn các nhóm giống lúa ngắn ngày, các loại cây công nghiệp có năng suất, chất lượng cao, thích ứng rộng, gắn sản xuất với chương trình bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng kịp thời. Bình quân mỗi năm, huyện tổ chức được trên 70 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động cho người dân...
Có thể nói, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá ở Võ Nhai đã tạo nên những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Giờ đây, người dân Võ Nhai đã biết lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, mùa vụ biết ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất, sản lượng cây trồng ngày càng tăng cao. Năm 2009, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 43,6 tấn, tăng 13,6 tấn so với năm 2005. Giá trị sản phẩm/1ha đất trồng trọt tăng từ 18 triệu lên 35 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, huyện cũng gặp không ít những khó khăn. Ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: Ở Võ Nhai, vụ xuân thường rét đậm kéo dài, việc đẩy nhanh tiến độ canh tác để kịp thời vụ là rất khó khăn, hệ thống các công trình thuỷ lợi hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tưới cho sản xuất. Ở một số xã vùng sâu, vùng xa, sản xuất vẫn còn mang tính quảng canh, đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Để hướng đến nền sản xuất hàng hoá bền vững, trong những năm tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục đưa nhiều loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; thâm canh, tăng vụ; khai thác triệt để diện tích bị bỏ hoang vụ xuân; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện khảo nghiệm mô hình sản xuất ngô giống tại địa phương; quy hoạch đất để xây dựng kho để thu mua nông sản và chế biến sau thu hoạch....