Là địa phương có nhiều tiềm năng về lực lượng lao động, nhưng thực tế những năm qua mục tiêu đưa con em đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động-XKLĐ) của Thái Nguyên chưa đạt được như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu được xác định ở đây là chất lượng lao động thấp, thu nhập của người lao động không cao, sự quan tâm đầu tư cho người lao động còn chưa nhiều…
Chất lượng lao động quá thấp
Mặc dù sở hữu một lực lượng lao động nhàn rỗi khá dồi dào, nhưng lượng người tham gia lao động theo hợp đồng tại nước ngoài của tỉnh lại giảm dần theo từng năm. Nếu năm 2007, chúng ta có khoảng 2.000 người đi XKLĐ thì năm 2009 chỉ còn 1.500 người. Nguyên do đầu tiên được xác định là chất lượng lao động quá thấp. Lao động của chúng ta đa số là sống ở vùng nông thôn, trình độ văn hoá thấp, ít có tay nghề, tính kỷ luật lại không cao. Hơn nữa, lực lượng đi XKLĐ chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo, nên ít có điều kiện tham gia vào các thị trường lao động có thu nhập cao. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và XKLĐ (Công ty CP Xuất nhập khẩu Thái Nguyên) cho hay: Trình độ tay nghề đã không cao nhưng nhiều lao động của ta còn thiếu ý thức trong làm việc dẫn đến phải về nước trước thời hạn. Đã có nhiều trường hợp lao động Thái Nguyên gây gổ đánh nhau, trộm cắp, bỏ làm…và bị chủ đuổi việc (đặc biệt là tại thị trường
Khi được hỏi về vấn đề này, hầu hết các doanh nghiệp (DN) tham gia XKLĐ đều có chung nhận xét: Chất lượng lao động của chúng ta quá thấp. Ông Thân Thế Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực và Thương mại (Tổng Công ty Vinaconex), đơn vị tham gia tuyển chọn lao động Thái Nguyên đi làm việc ở nước ngoài cho biết: Chúng ta đang khan hiếm thợ lành nghề, khả năng ngoại ngữ của người lao động (NLĐ) quá kém, chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu thị trường nước ngoài. Hơn thế, việc tuân thủ pháp luật của một bộ phận lao động còn thấp. Ông Hà cũng dẫn chứng một vài trường hợp lao động của ta sang nước bạn chủ yếu để rủ rê chơi cờ bạc, nấu rượu, uống rượu, đánh lộn…, nên việc gửi tiền về gia đình là rất ít.
Theo thông tin từ các DN XKLĐ thì những nước trả lương tháng cao là
Người lao động ít được đầu tư
Lực lượng lao đông của chúng ta đi làm việc ở nước ngoài đang gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo XKLĐ của tỉnh thì công tác cho vay vốn đi XKLĐ trong hệ thống ngân hàng chưa được thống nhất, cơ chế cho vay chậm được tháo gỡ, mức vay thấp. Có những ngân hàng còn quy định chỉ cho vay khi NLĐ đã được xuất cảnh, dẫn đến trường hợp có những lao động đã hoàn tất thủ tục, có lịch xuất cảnh nhưng phải bỏ vì không vay được vốn. Nhận định của các DN tham gia XKLĐ cho rằng, khó khăn nhất là tài sản đảm bảo thế chấp của NLĐ. Đa số NLĐ ở nông thôn, có giá trị tài sản thế chấp thấp, chủ yếu là đất ruộng, vườn tạp, không đủ điều kiện để vay khoản tiền trên 50 triệu đồng để đi làm việc ở Đài Loan. Trong khi đó, ngân hàng chỉ cho vay tối đa 80% chi phí, 20% còn lại đối với người dân nông thôn huy động không phải dễ. Có hai hệ thống ngân hàng chủ yếu mà người đi XKLĐ vay vốn đó là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Chính sách - Xã hội, nhưng nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp tại các địa phương lại rất ít trong khi nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội dồi dào nhưng đối tượng vay bó hẹp và mức vay không đủ để chi phí khi tham gia XKLĐ ở các thị trường tiềm năng.
Đánh giá của ngành chuyên môn mới đây cho thấy, một số DN chưa thực sự gắn kết với địa phương, không có cán bộ trực tiếp đến tư vấn và tuyển chọn lao động cũng như không thông báo đầy đủ, chính xác về quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ khi tham gia XKLĐ (số lượng lao động cần tuyển, làm việc gì, ở nước nào, điều kiện làm việc, thu nhập, khoản chi phí cần thiết...). Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Phần lớn DN XKLĐ chưa ký cam kết với NLĐ về thời gian xuất cảnh theo quy định; một số DN còn để NLĐ chờ đợi quá lâu mà không thông báo lý do; khi NLĐ không có nhu cầu đi nữa hoặc không đi được thì DN không kịp thời trả lại kinh phí theo quy định; có một số DN tuyển lao động xong lại chuyển cho đơn vị khác; điều kiện làm việc, sinh hoạt của NLĐ ở một số nơi chưa được coi trọng, các thông tin sai lệch về công tác XKLĐ chậm được làm rõ khiến NLĐ giảm lòng tin với DN, hoài nghi về công tác tuyên truyền trong lĩnh vực XKLĐ. Hơn nữa, số lao động tự tìm đến DN XKLĐ qua các các thông tin không chính thống hoặc qua môi giới còn nhiều, nên không ít người phải chịu thêm chi phí trung gian, mức độ rủi ro cao.
Theo phản ánh từ phía NLĐ thì trên địa bàn tỉnh chỉ có Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên được phép khám sức khoẻ cho người đi XKLĐ. Tuy nhiên, việc tổ chức khám sức khoẻ tại đây còn hạn chế, thời gian có kết quả chậm, nên đa số NLĐ phải về Hà Nội khám, làm mất thời gian, tốn kém cho người tham gia XKLĐ. Một vấn đề được quan tâm nữa là chính sách hỗ trợ tìm kiếm việc làm đối với lao động khi hết hợp đồng XKLĐ chưa phát huy tác dụng. Khi không có việc làm, số NLĐ đã đi XKLĐ về sẽ nhanh chóng tiêu hết khoản tiền kiếm được từ nước bạn và lại trở thành thất nghiệp.
Mấy ý kiến đề xuất
Công bằng mà nói, công tác XKLĐ của tỉnh ta cũng đã thu được một số kết quả nhất định: Từ năm 2007 đến nay, số tiền lao động của tỉnh gửi về qua hệ thống ngân hàng được khoảng 787 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này không ít gia đình đã đầu tư sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì công tác XKLĐ của tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng. Để góp phần giải quyết những khó khăn đó, xin nêu ra một số giải pháp cụ thể sau: Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn xã hội, tỉnh cần chỉ đạo các địa phương nghiên cứu sử dụng kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn phục vụ dạy nghề cho lao động đi XKLĐ; tích cực liên kết với DN XKLĐ đào tạo tay nghề, ngoại ngữ để có thể tuyển chọn NLĐ có trình độ tham gia các thị trường thu nhập cao. Mặt khác, cần tuyên truyền, vận động NLĐ chú trọng các thị trường có chi phí thấp, việc làm tương đối ổn định như : Macao, Libi, Qatar, Ảrập... để tham gia. Tập trung tuyển chọn lao động nam làm nghề xây dựng, hàn, nữ làm nghề giúp việc gia đình, dịch vụ... vì đây là nhóm công việc nhiều nước đang rất cần với số lượng lớn, chi phí xuất cảnh thấp, thời gian nhanh, phù hợp khả năng lao động của ta. Ngoài ra, cần kiên quyết loại bỏ những trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đi XKLĐ; gắn trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong giới thiệu lao động. Cần sự phối hợp triệt để của chính quyền địa phương và các bên liên quan nhằm giải quyết những vướng mắc, tồn tại về XKLĐ ngay từ cơ sở...