Người bí thư chi bộ miệng nói tay làm

17:29, 17/08/2016

Ông Triệu Quang Khải là Bí thư Chi bộ thôn Tân Trung, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên). Chi bộ Tân Trung có 16 đảng viên, sinh sống ở 3 xóm hai bên bờ sông Công, thuộc khu vực cầu Bến Đẫm. Đó là xóm Tân Lập ở tả ngạn sông - nơi ông Khải ở, có 5 đảng viên. Hai xóm kia nằm ở bên bờ hữu ngạn: Xóm Thống Hạ có 7 đảng viên; xóm Cây Xanh có 4 đảng viên.  

Một buổi trưa trời nắng như đổ lửa, ông Khải phóng xe máy dẫn tôi đi thăm khắp đường làng ngõ xóm, các cửa hàng dịch vụ, trại chăn nuôi của thôn. Dừng chân ở đầu cầu Bến Đẫm, khoát tay một cái, ông nói: Diện tích cả thôn này chừng 3 cây số vuông (từ giáp xã Minh Đức đến gần trụ sở UBND xã Đắc Sơn). Toàn thôn có ngót ba trăm hộ dân, trên một nghìn nhân khẩu. Trừ Chi bộ sinh hoạt chung, còn các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức đoàn thể của ba xóm như Chi hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân,  Đoàn Thanh niên, Người cao tuổi… đều sinh hoạt riêng. Thế nên mỗi khi có việc là Bí thư Chi bộ lại được mời dự. Tháng 4-2016, tôi đã phải chỉ đạo và trực tiếp dự 24 cuộc họp ở thôn và ba xóm. Chỉ riêng việc duyệt lịch họp sao cho không trùng nhau đã mệt.

 

Dân ở thôn Tân Trung bây giờ là người “tứ xứ”. Ngày trước, dân làm nông nghiệp là chính, nhưng 15 trở lại đây, ngành, nghề phát triển mạnh: Có 5 hộ làm nghề cơ khí; 4 hộ làm nghề mộc; 10 điểm bán hàng nước giải khát ven tỉnh lộ 261. Có gia đình làm tới năm bảy nghề. Như nhà bà Thụy vừa nấu rượu, làm đậu, nuôi lợn, trồng chè, cấy lúa, quay thịt vịt, bán quán. Thôn có hàng chục hộ chăn nuôi lợn, một số hộ nuôi tới năm ba trăm con. Khi phong trào mới nổi lên như “trăm hoa đua nở” thì cũng là lúc mùi xú uế bay khắp làng. Xích mích trong dân khó tránh khỏi.

 

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, Chi bộ đã ra nghị quyết chỉ đạo các trưởng xóm và các chi hội, nhất là Chi hội Nông dân, Phụ nữ và Người cao tuổi vận động bà con làm thùng biôga. Nay, cả thôn có tới 20 thùng. Điển hình là các ông, bà: Dung Thùy, Lưu, Hòa, Bộ chăn nuôi nhiều lợn, đồng thời có nhiều thùng biôga to. Nhà ông Dung Thùy làm tới 3 thùng ga liên tiếp, phải bắc đường ống nhờ qua ruộng vườn gia đình hàng xóm để dẫn nước thải ra tận bãi tưới chè, cách nhà gần một cây số. Nước thải đã qua biôga đủ tưới lúa và rau màu quanh khu vực, rất tốt. Nhiều gia đình không chăn nuôi cũng được tưới cây bằng loại nước này. Một số gia đình chăn nuôi lợn có thừa ga nấu, đã tương trợ gia đình xung quanh. Ô nhiễm môi trường giảm dần. Làng xóm vui vẻ.

 

Ruộng ở thôn này là những cánh đồng chủ yếu nằm ở hai bên bờ sông nên động nắng dai là “hà bá” hút sạch nước. Hồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thế hệ ông Khải và các bậc đàn anh được lãnh đạo huyện Phổ Yên huy động dân công toàn huyện xây dựng đập Líp và máng qua ngòi Cầu Vông, lấy nước tưới cho khắp vùng Thống Hạ và Cây Xanh, có phần cho chảy xuống tận xóm Nga Sơn… Lâu nay, cầu máng hỏng. Riêng Thống Hạ và Cây Xanh không lo nổi tiền tỷ để sửa chữa. Vì vậy, mỗi khi muốn lấy nước cấy lúa, bà con 3 xóm lại phải đấu sức chung tay xuống sông xếp đá, ngăn nước dâng cao 60-80 phân rồi dùng máy bơm công suất lớn chuyển nước lên các kênh, tỏa về từng khu đồng. Đã nhiều lần Chi bộ Tân Trung kiến nghị cấp trên đứng ra giúp đỡ làm lại máng Cầu Vông để dân đỡ khổ mà không được. Là người đứng đầu một tổ chức cơ sở đảng gần dân nhất, nhiều cái biết phải làm để đem lại lợi ích cho dân, nhưng “lực bất tòng tâm”.

 

Ông Trần Hùng ở xóm Cây Xanh nói với tôi: Mặc dù ông Khải là Trung tá nghỉ hưu, vợ ông là giáo viên nghỉ hưu, cũng có mức lương hưu kha khá, thế mà trời rét như cắt thịt, ông Khải vẫn lặn lội dưới sông bốc đá đắp đập với dân làng như người nông dân thực thụ. Ông ấy là một đảng viên miệng nói tay làm. Ông Khải đúng là Bộ đội Cụ Hồ.

 

Tôi đem chuyện ông Trần Hùng kể lại cho ông Khải nghe, ông khiêm tốn: Người ta khen quá lên đấy. Tôi chỉ nghĩ học tập Bác Hồ thì mình phải làm theo lời Bác dạy. Đã là cán bộ, đảng viên thì mình phải thấu hiểu lòng dân, gương mẫu và dám hy sinh. Đơn giản vậy thôi.

 

Rời quân ngũ năm 1989, vừa đúng dịp Đảng bộ xã Đắc Sơn tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 1989-2004, ông Khải được Đại hội tín nhiệm bầu vào Đảng ủy và được phân công làm công tác Kiểm tra Đảng, kiêm công tác Tuyên giáo. Đến năm 2016 này đã 28 năm, ông Khải công tác liên tục hết ở xã lại về thôn, xóm. Hiện giờ, mặc dù ở tuổi 78, ông vẫn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tân Trung, kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận và Trưởng Ban hòa giải xóm Tân Lập - nơi gia đình ông ở. Ông còn là Tổ trưởng Tổ Câu lạc bộ hưu trí Trung, Cao cấp và Trưởng Ban Liên lạc Chiến sĩ Việt bắc xã Đắc Sơn. Năm 2014, Đảng bộ xã Đắc Sơn tổ chức thi Bí thư Chi bộ giỏi, ông Triệu Quang Khải làm Phó Bí thư Chi bộ Tân Trung đi thi thay đồng chí Bí thư và đã đoạt giải Nhất.

 

Trong cuộc thi đua xây dựng nông thôn mới, thôn ông có gần 30 hộ ở xóm Cây Xanh đã tự phá gần 2.000m2 vườn tạp, gần 200m tường rào (có cả đoạn tường bê tông cốt thép dài hơn chục mét) để mở rộng đường làng, rồi gia đình tự xây lại tường, không ai đòi tiền đền bù. Vợ chồng ông bà Ngô Văn Đắc, Trần Thị Thời phá tới hơn sáu chục mét tường cũ, lùi bờ rào sâu vào mét rưỡi, xây lại tường tốn hơn vạn gạch mà vẫn vui vẻ. Ông Trần Hùng ở tận cuối xóm, có cây sấu năm nào cũng thu được đôi triệu đồng đã vui vẻ nhận lời với Bí thư Chi bộ cưa luôn cây sấu để xóm mở rộng đường làng. Tuy nhiên, ông Khải rất băn khoăn là dù bản thân ông cùng với Chi bộ đã có nhiều cố gắng nhưng trong thôn còn xóm Thống Hạ vẫn chưa nhiệt tình xây dựng đường làng ngõ xóm. Giá như 7 đảng viên ở xóm Thống Hạ tách thành chi bộ độc lập (thay vì chỉ là tổ đảng) để trở thành một tổ chức nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở xóm đó, biết đâu công tác thi đua sẽ đem lại hiệu quả cao hơn?   

 

- Nghe nói lần đi chữa bệnh ở Bệnh viện 91, ông định nghỉ công tác xã hội, sao giờ vẫn còn làm? Khi vui chuyện, tôi hỏi ông Khải.
- Tôi định nghỉ việc, thực ra vì lý do khác.

 

Nhâm nhi tách cà phê, ông Khải bộc bạch: Mình là con nhà lính, tính thẳng băng, đã thành bản chất, rút kinh nghiệm mãi vẫn chưa sửa được cái tật nóng tính. Có lần đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho dân, mình lại bị coi là người gây khó khăn, cản trở phong trào.

 

- Vòng vo mãi. Thế cụ thể là ông đã đấu tranh với ai? Đấu tranh cái gì?

 

- Tôi phản biện khi bàn về cái Dự án ở ngay thôn tôi. Theo tôi, đó là khu chung cư “treo đầu dê bán thịt chó”, nằm tềnh hềnh ngay cạnh đường 261. Họ lấy 4,2 ha đất ruộng hai lúa một màu của thôn. Đây là một phần “dạ dày” quan trọng của dân. Ngay sau khi giải tỏa xong ruộng để xây dựng, họ đã chia thành 222 lô và “quát” 300 triệu đồng một lô rộng 100m2. Mọi người nói: “Thì ra họ lấy ruộng màu mỡ của dân là để bán”. Dân chúng tôi tinh lắm.

 

Ông Khải nói tiếp: Theo quy định của Đảng, Chi bộ có nhiệm vụ thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nên nhiều lần tôi đã đề nghị cấp trên giải đáp thắc mắc của dân, nhưng họ cứ lờ đi. Tôi tập hợp ý kiến của mọi người rồi mạnh dạn nêu vấn đề tại nhiều cuộc họp của xã, của huyện mà vẫn chỉ như “nước đổ lá khoai”. Không ngờ, sau đó tôi lại bị quy kết là người gây khó khăn cho việc “đón dự án”.

 

- Thế Dự án ấy bây giờ ra sao?

 

- Ngày ấy, họ chỉ bán được 2 lô, vì đắt quá. Sau hạ xuống 220 triệu một lô nhưng  cũng chẳng có ai mua. Đường, cây xanh, chợ… nay vẫn nằm trên giấy. Khu chung cư này bây giờ chỉ là bãi chăn trâu. Dân thì thiếu ruộng canh tác. Không biết đã lãng phí bao nhiêu tiền của, mất đi mấy nghìn tấn lương thực? Và, ai là người chịu trách nhiệm?

 

- Thế họ có kỷ luật ông không? 

 

- Tôi đấu tranh đến cùng và cái đúng đã thuộc về tôi thì kỷ luật sao được. Ngược lại, cuối năm ấy, tôi còn được Huyện ủy khen thưởng. Đến giờ tôi vẫn băn khoăn là không hiểu cái “dự án treo” ấy con treo đến bao giờ?