Để quần chúng nhân dân có thể tham gia công tác xây dựng Đảng

09:28, 20/09/2016

Trong công tác xây dựng Đảng (XDĐ), Đảng ta luôn khẳng định: việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên (ĐV) có tầm quan trọng đặc biệt. Đó không chỉ là nền tảng để XDĐ mà còn tác động đến uy tín, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.  

Cách đây hơn hai chục năm, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) đã coi một bộ phận ĐV có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống... là một trong 4 nguy cơ lớn đối với Đảng ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục đặt ra nhiệm vụ "Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ..." Đồng thời đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ ĐV hiện nay là "Xây dựng đội ngũ ĐV thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm cao trong công việc...".

 

Để tăng cường công tác giáo dục, quản lý ĐV, Đảng đã có nhiều biện pháp cụ thể, như: Coi trọng việc bồi dưỡng lý luận, nâng cao hiểu biết mọi mặt với đội ngũ ĐV; định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá phân loại ĐV; ban hành những điều cấm ĐV không được làm; mở Cuộc vận động "Học tập và là theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (nay là Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh). Năm 2000, Bộ Chính trị còn có Quy định 67 về "ĐV đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú". Tuy nhiên kết quả của các biện pháp này còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân khách quan và chủ quan của sự hạn chế này, đã được nói tới nhiều trong các văn kiện của Đảng và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Một trong các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ ĐV được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhắc tới là, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự giám sát của nhân dân với ĐV. Vấn đề này không mới, nó từng được nói đến nhiều lần, nhưng để trả lời câu hỏi: Cần làm gì và làm như thế nào, để quần chúng và nhân dân có thể giám sát với ĐV, thì dường như chưa có câu trả lời. Đây thực sự là vấn đề khó. Thứ nhất, XDĐ tuy chỉ là những vấn đề cụ thể, nhưng nó vẫn có cảm giác trừu tượng, đòi hỏi một sự hiểu biết nhất định nào đó, mà có lẽ không phải ai cũng có thể tiếp cận. Thêm vào đó là tâm lý thờ ơ, coi đó không phải là việc của mình nên không được người ta quan tâm. Thứ hai, theo truyền thống văn hóa của dân tộc, trong sinh hoạt cộng đồng, dân ta vốn cả nể, ngại va chạm, khi gặp việc bất bình, mặc dù trong lòng ấm ức nhưng không muốn nói ra, sợ mất lòng. Thứ ba, chúng ta chưa có việc làm đột phá, để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân, có thể tham gia công tác XDĐ nói chung và giám sát ĐV nói riêng. Có những biện pháp hay, nhưng lại được thực hiện nửa vời nên hạn chế kết quả.

 

Hiện nay, ĐV ta ngoài việc chịu sự quản lý thông qua sinh hoạt Đảng định kỳ, thông qua các văn bản pháp quy (như đã nêu trên), họ không có sự ràng buộc chính thống nào, trong mối quan hệ với quần chúng và nhân dân (ngoài vài lời đồn đại có tính chất dư luận không có bằng chứng). Trong lúc đó, nhất cử nhất động của ĐV, phẩm chất, đạo đức, lối sống của họ ra sao đều không thể qua mắt quần chúng; nhất là trong cộng đồng dân cư ngày nay, ngày càng có đông những người về hưu.

 

Đã đến lúc phải khắc phục "khoảng trống" này. Trước hết cần tăng cường truyền thông tới quần chúng một số văn bản pháp quy, ràng buộc tới ĐV. Ví như: Quy định số 101- QĐ-TW ngày 7-6-2002 của Ban Bí thư, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, ĐV, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Quy định về những việc ĐV không được làm... Hơn nữa, phải có những hình thức mang tính pháp quy, để động viên và tạo điều kiện cho quần chúng và nhân dân tham gia XDĐ và góp ý với ĐV. 

 

Với bộ phận ĐV trong các cơ quan đơn vị... hiện có hai kênh thông tin có thể khai thác: Đó là, thông tin từ quần chúng làm việc cùng cơ quan và kênh thông tin thứ hai là từ khu dân cư, nơi đảng viên cư trú. Lâu nay ở kênh thứ hai, tiếng là lấy ý kiến của nhân dân, nhưng thực ra mọi nhận xét với ĐV 76 đều do chủ quan của Bí thư chi bộ, có thông qua cấp ủy cũng chỉ là hình thức. Bản thân các vị này không ai muốn "nặng nề" với người hàng xóm đang đương chức đương quyền. Biết đấy nhưng "tặc lưỡi" cho qua. Chưa kể đến những lý do nhậy cảm khác. Có hai vấn đề đặt ra khi khai thác hai kênh thông tin này. Thứ nhất nên chăng, định kỳ tổ chức "Hội nghị quần chúng tham gia XDĐ" ở cơ quan, xí nghiệp và ở khu dân cư. Một hội nghị như thế vừa cổ vũ, động viên quần chúng và nhân dân, vừa tạo tính pháp lý để khẳng định trách nhiệm của người dân. Thứ hai, đã có thời gian ở một số xã, thị trấn đã bố trí cho cán bộ xuống tiếp xúc với dân, báo cáo với họ công việc mình đảm nhiệm và xin ý kiến đóng góp. Kết quả khi xin ý kiến bà con thì người nọ nhìn người kia, rồi đồng loạt dơ tay tán thành... với báo cáo (!?). Để khắc phục tình trạng này, cần mạnh dạn để quần chúng bỏ phiếu tín nhiệm với ĐV, theo một số tiêu chí được chẻ nhỏ từ yêu cầu quản lý ĐV.  Có quy định hình thức viết phiếu kín đáo, để họ thoát khỏi tâm lý e ngại, cho kết quả thật sự khách quan. Dựa vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm nói trên để nhận xét với ĐV 76, vừa phản ảnh chân thực vấn đề, vừa tránh cho người có trách nhiệm những phiền hà mà họ e ngại. Với ĐV sinh hoạt ở các khu dân cư, cũng dựa vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm nói trên của nhân dân, để làm cơ sở bình xét danh hiệu ĐV cuối năm. Ngoài ra, nên có hình thức động viên trách nhiệm và khai thác vốn sống của những người cao tuổi, vốn từng giữ những trọng trách khi đương nhiệm. Mặt khác, trong sinh hoạt định kỳ của các đoàn thể chính trị, xã hội nên thường xuyên có mục góp ý XDĐ…