Hệ lụy từ “lỗ hổng” quản lý đảng viên

20:31, 17/09/2016

- Các đồng chí đảng viên đương chức ơi, chúng tôi mong các đồng chí về hưu để gánh vác công việc giúp chúng tôi với. Câu nói gan ruột của một đảng viên già khiến tôi nhớ mãi. Quả thật, trong hoàn cảnh chi bộ ở khu dân cư đa phần là đảng viên tuổi cao, sức yếu, nguồn phát triển Đảng khan hiếm thì lời kêu gọi thiết tha trên là hoàn toàn dễ hiểu. Vậy nhưng, một số đảng viên cư trú ở thành phố Thái Nguyên khi cầm sổ hưu cũng là lúc tự ra khỏi Đảng (TRKĐ).  

Về hưu là muốn nghỉ ngơi

 

“Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng với chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt Đảng. Khi chuyển sinh hoạt Đảng chính thức cho đảng viên, cấp ủy nơi đảng viên đang sinh hoạt và công tác làm đầy đủ thủ tục, niêm phong hồ sơ, giao cho đảng viên trực tiếp mang theo để báo cáo với tổ chức Đảng làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt Đảng”. (Trích Quy định số 29-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 25-7-2016, về Thi hành Điều lệ Đảng).

Thật không dễ dàng để những người TRKĐ mở lòng tâm sự. Mặc dù, lúc nói chuyện ngoài lề, nhiều người cho tôi biết họ đã cất hồ sơ gốc vào ngăn kéo "làm kỷ niệm" kể từ ngày nghỉ hưu. Thậm chí có người chưa về hưu cũng khẳng định sẽ TRKĐ khi nghỉ hưu.

 

Nể lắm, chị Nguyễn Thị T. (phường Trưng Vương) mới dè dặt cho tôi biết lý do chị TRKĐ: Ngày mình sắp về hưu, mấy ông bà ở tổ dân phố đã gợi ý mình giữ chức Chi hội trưởng Phụ nữ. Mình hơn 30 năm làm việc vất vả, nay không muốn tham gia bất cứ công việc gì ở cơ sở nữa. Chị T. đã được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, làm phó phòng ở một cơ quan cấp tỉnh. Nhanh nhẹn, nhiệt tình, tốt bụng và có nghiệp vụ tốt nên tôi thật sự tiếc khi chị T quyết làm "dân thường" sau khi cầm sổ hưu.

 

Mỗi người TRKĐ đều có lý do của riêng mình. Anh Th. - giáo viên một trường đại học cũng TRKĐ, giải thích: Giờ về hưu rồi, còn lãnh đạo, chỉ đạo ai nữa mà tham gia sinh hoạt Đảng, viết kiểm điểm, thu hoạch… cho nó "mệt" người.

 

Một số người khác giao hẹn với tôi không được đưa tên lên báo mới bộc bạch. Người thì nhẹ nhàng: Nghỉ hưu là muốn nghỉ ngơi, vui chơi cho thoải mái, "gò" vào tổ chức làm gì? Người lại thẳng thắn: Trước đây, vào Đảng mới có cơ hội để được đề bạt, nay thì còn phấn đấu gì nữa. Cũng có người lúc đầu không có ý định TRKĐ, nhưng do vướng mắc ở khâu thủ tục nên "bỏ quách". Đó là trường hợp ông Hà Đức T. (phường Phan Đình Phùng), ông là cán bộ ngành Công an, do chậm chuyển hồ sơ nên phải làm lại thủ tục, thấy lằng nhằng khó khăn, ông bỏ luôn, từ đó đến nay đã 12 năm. Ông trải lòng: Tôi TRKĐ vì tự nhận thấy tình đồng chí giờ đây ít gắn bó nên không thiết tha nữa. Cũng chung suy nghĩ đó, chị Nguyễn Thị H. (phường Phan Đình Phùng) kể: Mình thấy mấy bác đảng viên (ĐV) trong chi bộ mất đoàn kết, nên sợ chả dám chuyển sinh hoạt Đảng về. Lại có người bày tỏ: ĐV được nhân dân gửi gắm đề xuất, giải quyết bức xúc ở địa phương, nhưng tiếng nói của ĐV ở cơ sở không phải lúc nào cũng được lắng nghe nên tôi thôi cho khỏi "va chạm".

 

 

Hiện tượng ĐV nghỉ công tác là TRKĐ đang có xu hướng lan rộng. Lân la trò chuyện với một số người dân ở tổ 3 phường Trưng Vương và tổ 5 phường Phan Đình Phùng về vấn đề này, tôi được họ cung cấp một loạt tên: Ông C., ông S., bà H., ông H, ông M… đều là người có chức vụ, thậm chí có người trước đây sinh hoạt đảng viên 76, nhưng về hưu lại không thấy tham gia, lẽ nào họ sinh hoạt Đảng ở nơi khác?

 

Câu hỏi đặt ra là có "lỗ hổng" nào trong công tác quản lý để ĐV có thể TRKĐ? Anh Trần Duy Khánh, chuyên viên Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh cho biết: Có nhiều "quãng trống" trong công đoạn chuyển hồ sơ đi và nhận hồ sơ đến. Theo quy định, sau khi hoàn tất thủ tục tại chi, đảng bộ nơi họ công tác, ĐV ghi tên vào danh sách chuyển đi, được cầm hồ sơ gốc về nơi chuyển đến. Đây chính là thời điểm một số người quyết định TRKĐ.

 

 Phiếu báo đảng viên chuyển sinh hoạt của Đảng bộ quân khu 1 gửi qua đường bưu điện đến Ban Tổ chức Thành ủy Thái Nguyên.

 

Để tìm ra những ĐV "rẽ ngang" trên quãng đường chuyển hồ sơ, tôi đã "nhặt" 28 trường hợp ĐV nghỉ hưu từ tháng 9-2014 đến tháng 7-2016 của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Tại nơi tiếp nhận hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng của Thành ủy Thái Nguyên, chị Nguyễn Thúy Hường, chuyên viên Ban Tổ chức Thành uỷ đã cùng tôi kiểm tra và phát hiện 4/28 trường hợp nói trên không thấy đảng viên đến chuyển sinh hoạt Đảng, đồng nghĩa với việc họ đã TRKĐ.

 

Những "lỗ hổng" trong quản lý ĐV

 

Hiện nay chưa có nghiên cứu, tổng hợp nào về số liệu và tình hình ĐV sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo phân tích của tác giả bài báo này, thì có một số kẽ hở để ĐV TRKĐ.

 

Người chuyển sinh hoạt Đảng (SHĐ) về nơi cư trú được trực tiếp cầm hồ sơ gốc (đã niêm phong) đi "cắt" và "nhập" tên vào sổ theo dõi. Một số người đã lợi dụng quy trình “hở” này để mang hồ sơ về nhà cất, mặc nhiên coi mình không là ĐV. Việc làm này của họ cả nơi giới thiệu đi và nơi sẽ nhận đều không hay biết.

 

Chị Nguyễn Thúy Hường đưa tôi xem tập phiếu báo ĐV chuyển SHĐ của Đảng bộ Quân khu 1. Nhờ có phiếu báo này mà nơi tiếp nhận nắm được ĐV nào sắp đến chuyển SHĐ. Tuy nhiên, các đảng bộ trực thuộc tỉnh chưa duy trì tốt quy định về phiếu báo này. Cũng theo chị Hường, phần mềm quản lý ĐV ứng dụng tại ban tổ chức cấp huyện chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nếu phần mềm này được sử dụng thông suốt thì mọi biến động của ĐV ban tổ chức các cấp sẽ nắm được ngay.

 

Một “lỗ hổng” nữa là quy định ĐV nghỉ hưu sinh hoạt ở nơi cư trú. Từ "cư trú" được hiểu theo nghĩa rộng, có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú. Không ít người có tới hai, ba nơi cư trú, nên người một nơi mà sinh hoạt một nẻo, hoặc ở chỗ này nhưng lại báo cáo sinh hoạt chỗ kia, dẫn đến khó kiểm tra việc sinh hoạt của ĐV.

 

Ngoài những "lỗ hổng" đã phân tích thì còn một số lý do khiến ĐV TRKĐ. Đó là việc lựa chọn người để giới thiệu, bồi dưỡng, kết nạp Đảng ở một số chi, đảng bộ còn dễ dãi, chạy theo chỉ tiêu, thành tích, dẫn đến không ít người tuy đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng chưa thực sự xứng đáng. Lý do nữa, tổ chức cơ sở đảng ở khu dân cư chưa thực sự có vị trí, vai trò đối với địa phương. Nội dung sinh hoạt ở hầu hết các chi bộ còn nghèo nàn, ít ra được nghị quyết giá trị, gắn bó với đời sống nhân dân, vì thế khó tạo sức hút để ĐV tham gia sinh hoạt.

 

Nên tôn trọng tổ chức, cũng là tôn trọng mình

 

Nói về những hệ lụy đối với người TRKĐ, ông Nguyễn Đức Lực, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Người TRKĐ sẽ chịu nhiều thiệt thòi cho bản thân và gia đình mình. ĐV TRKĐ đồng nghĩa với việc họ tự xóa tên, sẽ không được nhận Huy hiệu Đảng (nếu đủ thời gian), họ KHÔNG được kết nạp lại, và điều quan trọng hơn là con cháu họ phấn đấu vào Đảng sẽ phải điều tra rất kỹ khi lý lịch có bố/mẹ (ông/bà) TRKĐ. Cũng theo ông Lực, hiện nay có ĐV TRKĐ bằng cách để "lì" hồ sơ ở chi, đảng bộ cơ quan cũ, dù họ không được phép sinh hoạt ở đó nữa.

 

Còn ông Hà Văn Dương, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh có góc nhìn khác: Người TRKĐ đã đánh mất niềm tin với cấp ủy, chính quyền nơi cư trú và bà con chòm xóm. Việc vào Đảng là hoàn toàn tự nguyện, thể hiện bằng Đơn xin gia nhập Đảng, lời thề trước Đảng kỳ và chân dung Hồ Chủ tịch. Đảng không ép hay níu kéo ai nếu người đó muốn ra khỏi Đảng. Vì thế họ có thể làm đơn xin miễn sinh hoạt, vừa tự trọng vừa tôn trọng tổ chức.

 

Dù người TRKĐ phải gánh chịu phần lớn thiệt thòi nhưng chi bộ nơi họ cư trú cũng thiệt thòi đáng kể. Có nơi, tổ dân phố có 200-300 người dân mà chi bộ chỉ có 5-7 ĐV. Trong khi, không ít ĐV TRKĐ thực sự có năng lực, kinh nghiệm làm việc và có sức mạnh tập hợp quần chúng.

 

Phải khẳng định rằng, đại đa số ĐV khi nghỉ hưu đã tiếp tục đem khả năng của mình xây dựng xóm, phố, chung sức xây dựng cuộc sống ở khu dân cư. Tình trạng ĐV TRKĐ tuy chưa thành trào lưu nhưng cũng là hiện tượng đáng lo ngại. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiêm túc xem xét, đưa ra biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất, để các chi bộ ở cơ sở ngày càng vững mạnh, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.