Làm gì để những người “vác tù và ” đứng trong hàng ngũ của Đảng?

14:47, 22/09/2016

Trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố (TDP) là “cánh tay nối dài” của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Thực tế cho thấy, đa số đội ngũ trưởng xóm, tổ trưởng TDP (gọi chung là trưởng xóm) là những người nhiệt tình, có trách nhiệm. Bởi thế, trong những năm qua, Đảng bộ huyện Phú Bình rất quan tâm bồi dưỡng phát triển đảng viên là trưởng xóm, tuy nhiên việc này không dễ.

Kỳ I: Khó khăn, thuận lợi khi kết nạp trưởng xóm vào đảng.


Vì sao nhiều trưởng xóm chưa  phải là đảng viên?


Đồng chí Nguyễn Văn Tạc, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình cho biết: Xã có 7 trưởng xóm chưa phải là đảng viên. Trong đó, ½ số trưởng xóm có độ tuổi trên 50, người trẻ nhất cũng 35 tuổi. Hầu hết trưởng xóm trên đều được bầu nhiệm kỳ 2015-2017. Đảng bộ cũng rất quan tâm đến đội ngũ trưởng xóm để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, đa số trưởng xóm trên 50 tuổi không “mặn mà” với việc vào Đảng cho rằng mình đã nhiều tuổi; một số trưởng xóm dưới 50 tuổi lại ngại vào Đảng vì “sợ” gánh trách nhiệm. Ông Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ xóm Đồi Thông, xã Thanh Ninh cho biết: Chi bộ Đồi thông hiện chỉ có 4 đảng viên, nguồn kết nạp rất khó khăn. Đa số thanh niên của xóm học xong THPT hoặc các trường chuyên nghiệp đều đi làm... Một số cán bộ đầu ngành của xóm là những người nhiệt tình với công việc, được bà con tin tưởng nhưng khi Chi bộ vận động, giới thiệu vào Đảng thì không nhận.


Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết: Nhìn chung, những trưởng xóm chưa phải là đảng viên rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc, đặc biệt được nhân dân tín nhiệm và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Song, họ chưa phải là đảng viên với nhiều lý do: Có người không muốn vào Đảng; có người đầy đủ các tiêu chuẩn, có ý thức phấn đấu vào Đảng nhưng vi phạm chính sách dân số (sinh con thứ 3, thứ 4); có những trưởng xóm đã từng là đảng viên song bị khai trừ Đảng nhưng vẫn được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng xóm. Tình trạng “già hóa đảng viên” ở một số chi bộ đã không giới thiệu được đảng viên ra “tranh cử” trưởng xóm, cũng không ngoại trừ có nơi chi bộ chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển đảng viên đối với trưởng xóm… Hoặc một số nơi, do chất lượng hoạt động của chi bộ yếu kém, các đảng viên không có điều kiện phát huy năng lực bản thân để người dân thấy được sự nỗ lực cố gắng của Đảng viên, nhất là ở chi bộ nông thôn; hoặc có những đảng viên ngại va chạm, sống “dĩ hòa vi quý”; có nơi còn có tư tưởng cục bộ, bè phái, dòng họ nên khi giới thiệu đảng viên của chi bộ ra “tranh cử” để bầu làm trưởng xóm đều không trúng.

 

Thuận lợi hơn khi trưởng xóm là đảng viên


Ông Dương Văn Hồng, Tổ trưởng tổ dân phố Đông, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình cho biết: Tôi sinh năm 1959, là người có thâm niên làm trưởng xóm rồi Tổ trưởng TDP (gần 14 năm). Tôi luôn mong muốn được vào Đảng, song năm 1992, tôi sinh con thứ 3 nên không được kết nạp Đảng. Chuyện xảy ra cách đây đã hơn 20 năm, nhưng tôi vẫn không từ bỏ quyết tâm phấn đấu vào Đảng. Thấy được sự phấn đấu của  tôi, cấp ủy Chi bộ đã quan tâm, giới thiệu, tôi đã được kết nạp Đảng vào ngày 15-4-2016. Mặc dù, trong thời gian làm trưởng xóm, tổ trưởng dân phố, tuy chưa phải là đảng viên nhưng tôi vẫn làm tốt vai trò trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, với cương vị là tổ trưởng TDP mà mình không phải là đảng viên thì cũng thấy thiệt thòi và cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Thiệt thòi vì các cuộc họp của chi bộ, mang tiếng là tổ trưởng TDP nhưng lại không được tham gia họp bàn các nghị quyết của chi bộ. Khi có công việc gì quan trọng, chi bộ mới tổ chức họp mở rộng đến tổ trưởng TDP và các tổ chức đoàn thể của xóm, một năm cũng chỉ được tham gia họp 4 đến 5 lần. Vì vậy, mặc dù tôi đã bước sang tuổi 57 nhưng vẫn quyết tâm phấn đấu vào Đảng để hiểu thêm hoạt động của tổ chức Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ và tăng thêm sự tín nhiệm của nhân dân.

 

Ông Lê Ngọc Thành, Trưởng xóm Dẫy, xã Đào Xá làm trưởng xóm từ năm 2008, tính đến nay đã hơn 3 nhiệm kỳ. Ngày 26-8 vừa qua ông tiếp tục tái cử chức danh trưởng xóm. Ông vừa được chuyển Đảng chính thức vào tháng 1 - 2016. Ông cho biết: Xóm Dẫy có trên 300 hộ dân với gần 1 nghìn nhân khẩu. Xóm đông dân, người dân sống chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống còn khó khăn. Đặc biệt tệ nạn xã hội, số người nghiện hút đông; tình trạng mất trật tự an ninh thôn xóm diễn biến phức tạp; tình trạng sinh con thứ 3 còn phổ biến; số hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 11%. Để chèo chống đưa xóm phát triển là cả một vấn đề. Đứng đầu một xóm còn nhiều phức tạp như vậy nên việc vào Đảng đối với tôi gặp không ít gian nan. Bản thân tôi luôn có ý thức phấn đấu, song trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều cản trở do một số người, kể cả các đảng viên trong chi bộ hiểu lầm, nên mỗi khi chuẩn bị kết nạp Đảng đều “phải xem xét lại”. Tôi lại tiếp tục phấn đấu, bởi tôi nghĩ: mình là trưởng xóm cần phải đứng trong hàng ngũ của Đảng, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của xóm. Thuận lợi vì mình được bàn bạc, tham gia đóng góp ý kiến ngay từ đầu các nghị quyết của chi bộ; trong thực thi nhiệm vụ mình nghĩ đến trách nhiệm của đảng viên nên luôn phải gương mẫu để người dân tin tưởng. Chính vì vậy, từ năm 2008 đến năm 2014, tôi tham gia học lớp cảm tình đảng 2 lần mới được kết nạp Đảng ở tuổi 56.


Yêu cầu tất yếu khách quan


 Xóm, TDP là nơi trực tiếp triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nơi thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Theo quy định, trưởng xóm, TDP được trao rất nhiều nhiệm vụ: tuyên truyền và thực hiện pháp luật, xây dựng nông thôn, phát triển kinh tế, tham gia công tác văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự… Vì thế, người ta thường ví trưởng xóm là người “vác tù và hàng tổng”, công việc nhiều, phụ cấp thấp.


Theo quy định tại Điều 11 về tiêu chuẩn trưởng thôn, tổ trưởng TDP và phó trưởng thôn, tổ phó TDP tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, TDP ngày 31-8-2012, không quy định trưởng xóm phải là đảng viên. Song, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới nói chung và kiện toàn hệ thống chính quyền nói riêng, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ của xóm, phố phát triển một cách liên tục và toàn diện. Do vậy, chất lượng đội ngũ trưởng xóm, TDP có vai trò quyết định đến việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Thực tế cho thấy: Không thể phủ nhận vai trò của những trưởng xóm chưa phải là đảng viên, song, ở đâu có trưởng xóm là đảng viên rõ ràng việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ thuận lợi và nhanh hơn; phát huy được vai trò trách nhiệm đảng viên gắn với lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ ở cơ sở, hạn chế được những khuyết điểm sai lầm; tư tưởng bảo thủ, cục bộ, dòng họ…


Lâu nay, ở các chi bộ cơ sở, nhất là chi bộ nông thôn thường quan tâm phát triển đảng viên dựa vào lực lượng đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, đối tượng này hầu hết học xong phổ thông trung học thường đi học ở các trường chuyên nghiệp hoặc đi làm, trong khi đó, đội ngũ trưởng xóm là đối tượng rất đông - sẽ là nguồn quan trọng để kết nạp Đảng.

 

Ông Trần Văn Tùng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Bình: Nguyên nhân  nhiều trưởng xóm ở Phú Bình chưa phải là đảng viên chủ yếu là do vi phạm chính sách dân số; có nhiều chi bộ “già hóa” đảng viên hoặc chi bộ hoạt động yếu kém, hoặc còn do tư tưởng dòng họ nên mỗi khi giới thiệu đảng viên ứng cử hầu hết không muốn nhận hoặc không trúng cử.

 

 

Ông Nguyễn Văn Tráng, 43 tuổi, Trưởng xóm Đồi Thông, xã Thanh Ninh (Phú Bình): Khi tôi còn trẻ thì mải đi làm ăn xa nên chưa muốn phấn đấu vào Đảng. Mấy năm nay, tôi ở nhà làm kinh tế tại địa phương được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng xóm. Tôi nghĩ, mình không còn trẻ, nhiệm kỳ này làm trưởng xóm, nhiệm kỳ sau có thể không trúng nữa nên tôi không muốn vào Đảng.