Thủ lĩnh Đoàn xung phong “vực dậy” chi bộ xóm người Mông

06:36, 29/08/2019

Nhiều người biết anh Hoàng Ngọc Thịnh, Bí thư Đoàn xã Tràng Xá (Võ Nhai), bởi dù công tác chưa lâu nhưng anh đã có “bộ sưu tập” danh hiệu đáng nể: Nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên, Trung ương Hội Sinh viên, Giải thưởng Lý Tự Trọng, Bằng khen của UBND tỉnh, đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc… Mới đây, anh lại xung phong nhận thêm việc khó: Bí thư Chi bộ Chòi Hồng, xóm đồng bào dân tộc Mông khó khăn nhất xã, trong lúc Chi bộ này đang rệu rã đến mức có nguy cơ giải thể.

Tôi biết Hoàng Ngọc Thịnh đã lâu vì anh rất “nổi” trong công tác phong trào, khởi xướng và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực ở địa phương. Mới đây khi làm việc với chị Vũ Thị Huệ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Võ Nhai, tôi thêm ngạc nhiên bởi lời giới thiệu của chị: Thịnh xung phong kiêm thêm Bí thư Chi bộ Chòi Hồng từ đầu năm nay, mới vào nhưng bạn ấy làm được nhiều việc lắm. Cấp xã hiếm có cán bộ như vậy… Tôi xác minh thêm qua Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá Lê Mạnh Hùng thì được anh nhận xét ngắn gọn: Thịnh có năng lực, mới 30 tuổi nhưng có khả năng tập hợp và dân vận tốt.

Xóm Chòi Hồng có trên 200 nóc nhà, chỉ có 1 hộ người Kinh còn lại đều là đồng bào dân tộc Mông, có gần 1.000 nhân khẩu. Đồng bào Mông di cư từ tỉnh Cao Bằng về định cư tại đây từ năm 1979, thiếu đất canh tác, thủy lợi không đảm bảo, giao thông khó khăn và nhận thức còn hạn chế khiến tỷ lệ hộ nghèo luôn cao. Giúp đồng bào vượt khó, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nếp sống văn minh luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương và cá nhân anh Hoàng Ngọc Thịnh với cương vị Đảng ủy viên phụ trách Chi bộ xóm. Sau nhiều năm Đảng ủy xã nỗ lực, quan tâm chỉ đạo phát triển đảng, Chòi Hồng cũng có đủ số lượng đảng viên để thành lập Chi bộ, thời điểm cao nhất xóm có 6 đảng viên. Nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, các đảng viên trong xóm lần lượt rời quê đi làm ăn xa, có người còn xuất ngoại trái phép để mưu sinh. Lúc tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020 chỉ có 3 đảng viên tham dự.

Cuối năm 2018, 2 trong số 3 đảng viên còn lại của xóm (gồm cả Bí thư Chi bộ) cũng đi làm ăn xa, mất liên lạc thời gian dài. Đảng ủy xã Tràng Xá loay hoay tìm giải pháp. Một xóm lớn, khó khăn lại tiềm ẩn nhiều phức tạp như vậy không thể không có chi bộ. Hoàng Ngọc Thịnh xung phong chuyển sinh hoạt Đảng vào xóm, đồng thời vận động thêm 4 đảng viên Chi bộ cơ quan cũng đang là đoàn viên theo mình nhận nhiệm vụ (ngoài ra còn có 1 đảng viên sinh năm 1961 là Công chức Tư pháp xã). Đảng ủy xã Tràng Xá thống nhất cao phương án này, chỉ định anh Thịnh kiêm Bí thư Chi bộ (sau khi Bí thư Chi bộ đương nhiệm có đơn xin thôi chức vụ). Đó là thời điểm cuối tháng 2 năm nay.

Chủ trì cuộc họp đầu tiên với vai trò Bí thư Chi bộ Chòi Hồng, anh Thịnh đưa ra bàn để thống nhất quy chế hoạt động, ấn định thời gian sinh hoạt Chi bộ... Chi bộ xây dựng Nghị quyết giảm nghèo bền vững, lãnh đạo, vận động bà con tích cực trồng rừng, vay vốn ưu đãi để đưa các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất... Từ cuộc họp đầu tiên đó, việc sinh hoạt Chi bộ diễn ra nề nếp, mỗi cuộc họp ngoài việc triển khai các nội dung theo quy định, những vấn đề “xuân thu nhị kỳ” của xóm, anh Thịnh đều đưa ra các bàn để thống nhất thành nghị quyết các nội dung mang tính chuyên đề, cấp thiết nhất, ví dụ như: Tháng 4, chuyên đề phát triển đảng; tháng 5, vấn đề môi trường; tháng 6 và tháng 7, vận động nhân dân hiến đất, đối ứng để nâng cấp công trình nước sạch…

Nghị quyết của Chi bộ đã đúng, trúng với tình hình của xóm, nhưng cụ thể hóa nghị quyết là việc không dễ ở nơi dân trí chưa cao và mọi điều kiện còn khó khăn như Chòi Hồng. Hoàng Ngọc Thịnh hiểu rất rõ: Người cán bộ phải gương mẫu, không ngại khó, ngại khổ, phải làm cho đồng bào thấy, phải mang lại lợi ích thiết thực thì họ mới tin. Nếu không thì nói hay đến mấy cũng thất bại. Vì thế, dù công tác đoàn rất bận, anh vẫn dành nhiều thời gian, không kể trưa hoặc tối muộn tranh thủ đến với đồng bào, tìm hiểu tập quán, động viên và hòa đồng với họ.

Với phương châm đó, Chi bộ do anh đứng đầu đã vận động nhân dân đồng thuận những việc tưởng như không thể. Điển hình là việc vận động bà con hiến đất và đối ứng tiền để nâng cấp đường nước sạch phục vụ 168 hộ dân. Người dân thiếu nước sạch vì đường nước được đầu tư năm 1993 đã hỏng trầm trọng. Chi bộ ra nghị quyết, chỉ đạo Ban xóm đề nghị cấp trên đầu tư, khi có nguồn đầu tư về thì tuyệt đại đa số người dân không đồng ý vì không muốn nộp tiền hoặc chờ “nhà khác nộp tôi mới nộp”. Gần 10 cuộc họp xóm về nội dung này không thành công, số người đến họp cuộc sau vơi hơn cuộc trước. Lãnh đạo xã 3 lần vào trực tiếp chỉ đạo họp cũng không thành, người dân không đồng ý nhưng cũng không có ý kiến gì...

Hiểu được tâm lý đồng bào, anh Thịnh một mặt đề nghị điều chỉnh thiết kế công trình cho phù hợp, mặt khác thống nhất trong Chi bộ phương pháp vận động khả thi nhất. Anh thành lập 3 tổ vận động gồm đảng viên và cán bộ các đoàn thể, người có uy tín. Trước khi 3 tổ vào cuộc, anh dẫn Đoàn cán bộ xóm đến vận động hộ ông Đào Văn Lý để làm mẫu và cùng rút kinh nghiệm. Cuộc vận động đó thành công vì người dân được cán bộ đến tận nhà lắng nghe, tôn trọng ý kiến, phân tích đúng sai, hơn thiệt. Từ đó, chỉ trong vòng 3 ngày (chủ yếu là buổi trưa và tối), các tổ đã vận động được 100% hộ đồng thuận, công trình chuẩn bị khởi công…

Việc vận động 46 gia đình trong xóm làm nhà vệ sinh cũng mang đậm dấu ấn của Bí thư Hoàng Ngọc Thịnh. Chuyện là các hộ này chưa có nhà vệ sinh hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn, huyện hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng, người dân chỉ cần bỏ công xây nhưng chỉ có 3 hộ đồng ý. Thoạt đầu, anh Thịnh không lý giải nổi điều này. Anh liền gặp gỡ, tâm tình với bà con, anh được họ trả lời: "Cái đấy" chả cần thiết, nhà khó khăn nên phải đi làm lấy tiền tiêu đã. Vậy là anh lại kiên trì vận động, đứng ra tổ chức thi công nhà vệ sinh cho một hộ để mọi người thấy lợi ích, rồi chia tổ đi tuyên truyền. Chỉ trong thời gian ngắn, cả 46 hộ đều xây nhà vệ sinh. Thời gian đó, bà con ở Chòi Hồng luôn thấy hình ảnh người cán bộ Hoàng Ngọc Thịnh lúc nào áo cũng ướt đẫm mồ hôi, mang theo cuốc xẻng, dao xây cùng mọi người đến giúp đỡ các hộ làm nhà vệ sinh. Rồi anh lại lãnh đạo Chi bộ xây dựng Nghị quyết về môi trường: Vận động nhân dân định kỳ tổng vệ sinh, trồng hoa làm đẹp cảnh quan, xây chuồng trại gia súc đảm bảo vệ sinh, làm lò đốt rác, không vứt rác sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi… Bà con rất đồng tình, diện mạo xóm phong quang, sạch đẹp hơn.

Thành tích dân vận của anh Hoàng Ngọc Thịnh không chỉ có thế, tháng 5 vừa qua, anh đứng ra “ôm việc” khó khi tổ chức vận động 6 học sinh của Trường THCS Đông Bo trở lại lớp học. Nhà trường vận động bằng nhiều cách cũng không nổi, sau khi thống nhất với Ban Giám hiệu, anh phân công các đảng viên cùng với cán bộ đoàn thể và thầy cô giáo đến nhà các em tìm hiểu. Cá nhân anh nhận trường hợp khó nhất, vận động thành công, anh chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các đồng chí của mình để tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ.

Chuyện xây dựng đội ngũ cán bộ xóm và phát triển Đảng tại chỗ, anh Thịnh rất trăn trở và quyết tâm, bởi anh nghĩ như vậy mới có thể củng cố, phát huy tốt vai trò của Chi bộ về lâu dài. Anh giao nhiệm vụ cho các đảng viên theo phương pháp 1+1, tức là mỗi đảng viên trong thời gian nhất định phải phát hiện, giới thiệu và giúp đỡ 1 quần chúng ưu tú vào Đảng. Trước khi anh nhận nhiệm vụ tại Chòi Hồng, công tác phát triển đảng tại đây rất khó khăn, nhưng đến nay chỉ qua vài tháng, Chi bộ đã giới thiệu được 5 quần chúng ưu tú đi học cảm tỉnh Đảng…

Hôm đến Chòi Hồng, tôi được Bí thư Chi bộ, Thạc sĩ Hoàng Ngọc Thịnh đưa đi khắp xóm, anh thuộc từng ngõ ngách, từng nhà dân, hiểu rõ đất và người nơi đây. Đến đâu anh cũng được chào đón thân tình, nồng hậu. Anh chia sẻ nhiều ý tưởng, nhiều việc cần phải làm để giúp bà con dân tộc Mông vùng đặc biệt khó khăn này. Với anh, việc được kiêm thêm Bí thư Chi bộ Chòi Hồng là vinh dự, một thử thách rất tốt để trưởng thành. Lúc chia tay, Thịnh nhắc đi nhắc lại với tôi: "Anh đi nhiều nơi thấy ở đâu họ làm hay thì bảo em với nhé, em còn phải học hỏi và cố gắng nhiều lắm!".