Xã nằm gần với một số chợ đầu mối của T.P Thái Nguyên, có diện tích đất nông nghiệp tương đối màu mỡ, hệ thống đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng cơ bản được cứng hóa, người dân cần cù, chịu khó... Đây là những lợi thế đã được Đảng ủy xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) chỉ rõ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đảng bộ xã Huống Thượng hiện có 14 chi bộ trực thuộc, với tổng số trên 270 đảng viên. Để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Với diện tích đất trồng lúa hằng năm là hơn 470ha và trên 110ha cây trồng các loại, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với đó, khuyến khích bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những cây, con giống mới cho năng suất cao vào sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung. Đơn cử như tại xóm Cậy, một trong những xóm có diện tích đất nông nghiệp màu mỡ do được sông Cầu bồi đắp phù sa, đồng ruộng bốn mùa xanh tươi. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thanh Hương, Bí thư Chi bộ xóm Cậy cho biết: Trước đây, bà con trong xóm cùng trồng rau nhưng mạnh ai nấy làm và chưa có đầu ra ổn định. Các loại rau, củ, quả cũng chưa đa dạng, chưa có tem nhãn chứng nhận sản phẩm an toàn. Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Chi bộ đã chỉ đạo và vận động một số hộ dân có diện tích rau màu lớn tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn; đồng thời, đề nghị Đảng ủy, UBND xã phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để bà con áp dụng. Ban đầu, khi mới triển khai thực hiện, cũng có một số hộ dân ngại tham gia vì phải mất thêm chi phí cải tạo đất, nguồn nước tưới và phải tuân thủ nghiêm bộ quy tắc sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, các đảng viên trong Chi bộ đã gương mẫu làm trước để bà con noi theo. Vừa làm vừa tìm kiếm đầu ra, đến nay, sản phẩm rau an toàn xóm Cậy đã được một số đơn vị như: Trung tâm Dạy nghề 20-10 (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), siêu thị Minh Cầu và một số cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn T.P Thái Nguyên đặt hàng. Ngoài trồng rau, xóm cũng có gần 300 hộ trồng các loại hoa... cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.
Đi thực tế tại xóm Bầu, chúng tôi cũng nhận thấy, các đảng viên trong Chi bộ luôn là những người phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh Nguyễn Trung Thành, Bí thư Chi bộ xóm Bầu chia sẻ: Thuận lợi về nguồn nước tưới cũng như hệ thống đường giao thông nội đồng nên bà con trong xóm gieo trồng gối vụ quanh năm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Có nhà chuyên trồng rau màu, nhà nào ít lao động thì cũng 2 vụ lúa, 1 vụ rau. Hiện nay, vừa thu hoạch xong lúa mùa, bà con trong xóm đang tất bật làm đất để gieo trồng cây vụ đông với các loại rau, củ, quả như: Cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, khoai tây, đỗ, bí xanh, hành... Vài năm trở lại đây, các công đoạn như làm đất, thu hoạch lúa... chúng tôi đều thực hiện bằng máy nên cũng giảm chi phí về công lao động, công việc đồng áng cũng đỡ vất vả hơn. Nhà tôi trồng 7 sào rau màu các loại, trung bình, mỗi sào cũng cho thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng/vụ. Hầu hết rau của bà con trong xã đều được chuyển sang các chợ đầu mối (chợ Túc Duyên, chợ Thái...) để tiêu thụ.
Không chỉ ở Chi bộ xóm Cậy, xóm Bầu mà các chi bộ khác trong xã cũng luôn chú trọng công tác lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao mức sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và củng cố các tiêu chí của xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Các tiềm năng, thế mạnh được tập trung khai thác tối đa; cùng với đó, bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm để hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang; đời sống người dân cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 3.230 tấn/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 91 hộ (chiếm 5,9%); 97,7% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn Quốc gia...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Hường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Huống Thượng cho biết: Trong thời gian tới, Đảng bộ tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Theo đó, các giải pháp trọng tâm được tập trung triển khai là: Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm; khuyến khích bà con lựa chọn giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm đảm bảo chỉ tiêu lương thực hàng năm; chỉ đạo tăng diện tích cây vụ đông; quan tâm chỉ đạo công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho bà con được vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất.