Là “đầu tàu” ở các thôn, xóm vùng sâu, vùng xa, những bí thư chi bộ 8x đã chứng tỏ được năng lực lãnh đạo của mình thông qua nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng bí thư chi bộ trẻ thuộc các đảng bộ xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít.
Qua thực tiễn hoạt động của các bí thư chi bộ 8x mà chúng tôi nêu ở phần trước cho thấy họ không chỉ là những người giàu nhiệt huyết, gương mẫu đi đầu mà còn luôn sáng tạo để có nhiều cách làm hay trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ví như hiện nay, một trong những “bài toán” khó của các chi bộ nông thôn là tạo nguồn phát triển Đảng. Thế nhưng, ở Chi bộ xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hóa) mỗi năm vẫn hoàn thành chỉ tiêu kết nạp từ 1-2 đảng viên. Anh Nguyễn Văn Toản, Bí thư Chi bộ xóm Tổ chia sẻ: Để tạo nguồn phát triển Đảng, Chi bộ thường ưu tiên lựa chọn những quần chúng ưu tú là thanh niên. Cùng với đó, tôi huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể ở xóm, giao chỉ tiêu phát triển Đảng cho từng đoàn thể; yêu cầu người đứng đầu hướng dẫn, vận động quần chúng ưu tú tham gia vào tổ chức hội. Từ những việc làm cụ thể, quần chúng sẽ tự nhận thức được vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Còn anh Hoàng Văn Sỉnh, Bí thư Chi bộ xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) chia sẻ: “Là xóm 100% đồng bào dân tộc Mông nên những già làng, trưởng bản, cán bộ hưu trí có uy tín tại địa phương luôn được bà con nhân dân kính trọng, tin tưởng, nghe theo. Chính vì thế, tôi thường tìm đến những người có uy tín trong cộng đồng nhờ họ cùng vận động, tuyên truyền đến các hộ dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất”…
Cùng với việc học hỏi từ những đảng viên lớn tuổi, các bí thư chi bộ trẻ còn chủ động, sáng tạo đưa công nghệ thông tin vào hỗ trợ sinh hoạt Đảng. Anh Nông Thanh Tuân, Bí thư Chi bộ xóm Nà Ang, xã Quy Kỳ (Định Hóa) cho biết: Tôi hướng dẫn những đảng viên đang sử dụng điện thoại thông minh lập địa chỉ gmail để nhận thông báo về thời gian, địa điểm, chuẩn bị ý kiến phát biểu… trước mỗi cuộc họp. Bên cạnh đó, sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để có thể thường xuyên theo dõi, trò chuyện, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với quần chúng ưu tú. Từ đó, kịp thời giúp đỡ, tuyên truyền để họ thấm nhuần về tư tưởng, nâng cao ý thức phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Tuy nhiên, những năm qua, công tác trẻ hóa đội ngũ bí thư chi bộ ở các thôn, xóm vùng sâu, vùng xa vẫn đang gặp phải khó khăn do nhiều chi bộ nông thôn thiếu nguồn phát triển Đảng, nhất là đảng viên trẻ. Theo bà Ngô Thị Nhị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Văn Lăng (Đồng Hỷ): “Hiện nay, trong xã có tới 7/16 xóm phải sinh hoạt ghép chi bộ. Nguyên nhân chính là do các xóm này nhiều năm qua không kết nạp được đảng viên mới. Bởi hiện nay, đa phần người trẻ đi làm ăn xa, không thường xuyên ở địa phương dẫn đến thiếu hụt nguồn kết nạp Đảng”. Còn bà Hoàng Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã Linh Thông (Định Hóa) cho biết: Không chỉ quần chúng mà cả đảng viên trẻ cũng đi làm ăn xa khiến nhiều chi bộ buộc phải bầu những đảng viên lớn tuổi làm bí thư. ơ một khía cạnh khác, khó khăn trong tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ còn do nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không trở về địa phương lập nghiệp. Trước tình trạng người trẻ vả đảng viên trẻ thoát ly ngày càng nhiều đã khiến cho việc trẻ hóa đội ngũ bí thư chi bộ ở nông thôn trở nên khó khăn. Cụ thể, hiện nay số lượng bí thư chi bộ ở thôn, xóm dưới 40 tuổi tại huyện Võ Nhai chỉ có 17/171 người; huyện Định Hóa có 44/430 người; huyện Đồng Hỷ có 11 người…
Bên cạnh trăn trở của cấp ủy địa phương, các bí thư chi bộ 8x cũng có những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo chia sẻ của nhiều bí thư chi bộ ở thôn, xóm; phụ cấp chưa tương xứng với công việc là nguyên nhân chính khiến nhiều người chưa mặn mà đảm nhận công việc chung của thôn, xóm. Nhất là thời gian tới, nhiều thôn, xóm sẽ được sáp nhập theo quy định, khi đó địa bàn rộng hơn, số hộ đông hơn, công việc càng nhiều. Ngoài những vấn đề nói trên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết ở một số cộng đồng dân cư chưa mạnh dạn tín nhiệm, giao nhiệm vụ cho người trẻ đảm nhận vai trò “đầu tàu” của thôn, xóm. Bởi, bà con quan niệm người trẻ thường ít kinh nghiệm, hạn chế về khả năng lãnh đạo, chỉ đạo. Trong khi đó, nhiều cấp ủy cấp xã vẫn chưa thực sự quan tâm đến trẻ hóa đội ngũ bí thư chi bộ thôn, xóm, cũng như tạo môi trường cho người trẻ được rèn luyện, thử thách và khơi dậy trách nhiệm với cộng đồng dân cư.
Nhưng trải qua quá trình hoạt động cho thấy, tại cơ sở, các bí thư chi bộ trẻ ở nhiều thôn, xóm vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã thể hiện được sự năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, đặc biệt là có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, góp sức xây dựng quê hương ngày càng ấm no. Thiết nghĩ, để phát triển được nhiều bí thư chi bộ trẻ tại các thôn, xóm thì cấp ủy các xã cần có định hướng, kế hoạch cụ thể về việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ. Về công tác tạo nguồn phát triển Đảng, cần nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò của các tổ chức đoàn thể tại xóm để tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng. Đặc biệt, trước thềm đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy các xã cần định hướng các chi bộ quan tâm, lựa chọn, giới thiệu những đảng viên trẻ để bầu giữ chức danh bí thư chi bộ ở các thôn, xóm trong nhiệm kỳ tới. Cùng với đó, cấp ủy các cấp có những chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, đặc biệt là có cơ chế, chính sách thu hút tri thức trẻ về làm việc tại cơ sở…
Ông Lưu Đức Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Quy Kỳ (Định Hóa): Thực hiện Đề án của Huyện ủy về công tác trẻ hóa đội ngũ cán bộ, hiện nay, xã mới có 7/23 bí thư chi bộ trẻ (có tuổi đời dưới 35 tuổi). Cái khó của Đảng ủy xã trong thực hiện Đề án này là thiếu nhân tố có năng lực, trách nhiệm với cộng đồng. Anh Hoàng Văn Đức, Bí thư Đoàn xã kiêm Bí thư Chi bộ xóm Thượng Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai): Hiện nay, nhiều người trẻ đi làm ăn xa nên thành phần chủ yếu trong các cuộc họp của xóm là người già. Nên nhiều nội dung cuộc họp không được họ nhớ đầy đủ, cụ thể để truyển tải lại cho các thành viên trong gia đình cùng thực hiện. |