Nòng cốt trong lộ trình sáp nhập thôn, xóm

10:21, 07/11/2019

Việc sắp xếp, sáp nhập xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Định Hóa đã cơ bản hoàn thành các bước để HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp sắp tới. Một trong những vấn đề được địa phương giải quyết tốt là công tác tư tưởng cho người dân và lựa chọn nhân sự. Kết quả này có vai trò rất lớn của đội ngũ bí thư chi bộ - những nòng cốt ở cơ sở.  

Ở xã Điềm Mặc, trong đợt sắp xếp lần này, xóm Bản Nhọm, sẽ sáp nhập với Song Thái 3 và Bản Giáo để trở thành xóm mới có quy mô 180 hộ dân. Đây được xem là địa bàn tương đối đặc thù, bởi diện tích rộng; Bản Nhọm và Bản Giáo chủ yếu là người dân tộc thiểu số bản địa, trong khi Song Thái 3 lại phần lớn là người Kinh ở miền xuôi lên làm kinh tế. Điều kiện hạ tầng, văn hóa và mức sống khác nhau khiến một số người băn khoăn, nhất là khi triển khai các công trình, phần việc tập thể sau khi sáp nhập. Một vấn đề nữa là sắp xếp, lựa chọn cán bộ đoàn thể, bởi 2/3 số người phụ trách cũ sẽ phải nghỉ. 

Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế và tâm tư, nguyện vọng của người dân, Đảng ủy xã Điềm Mặc đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức đối thoại, gặp gỡ trực tiếp, thông tin trên hệ thống loa truyền thanh… Cán bộ chủ chốt xã xuống từng chi bộ lắng nghe đề xuất, nguyện vọng của cán bộ đương nhiệm, đề nghị đề cử người giữ các chức danh mới sau khi sáp nhập; đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể thực hiện song song quy trình lấy ý kiến nhằm chỉ định trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể lâm thời. ông Hà Thông Minh, Bí thư Chi bộ Bản Nhọm cho biết: Tuy chưa tổ chức họp toàn thể 3 xóm, nhưng dự kiến nhân sự đã được bàn bạc. Chi bộ mới có tới 56 đảng viên, sẽ chia thành các tổ đảng theo địa bàn xóm cũ. Tôi năm nay đã 58 tuổi nên tự nguyện xin rút để những người trẻ thay thế, có đủ sức khỏe, năng lực làm tốt hơn. Tuy không tham gia làm cán bộ chủ chốt ở xóm mới nhưng tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò đảng viên, ủng hộ và tích cực tham gia các phong trào, giúp đỡ bộ máy mới hoàn thành nhiệm vụ. 

Đối với xã Quy Kỳ cũng do quy mô số hộ quá ít nên thôn Tổng Củm sẽ sáp nhập với thôn Tân Hợp và Pác Cáp để thành thôn mới với 111 hộ. ông Hứa Văn Tiến, Bí thư Chi bộ Tổng Củm đánh giá: “Chủ trương sáp nhập là rất đúng đắn, giúp tập trung nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong nhân dân. Trước đây, thôn chỉ có 23 hộ nên làm việc gì cũng khó, nhất là đối ứng thực hiện các công trình giao thông. Tuy thôn nhỏ nhưng vẫn phải có đủ các đoàn thể, vừa cồng kềnh vừa lãng phí ngân sách chi phụ cấp. Tuy nhiên, khi sáp nhập vẫn có những băn khoăn nhất định. Người dân lo lắng phải làm lại các giấy tờ tùy thân. Đối với cán bộ không chuyên trách, dù phụ cấp chẳng đáng là bao nhưng nhiều người đã làm lâu năm, rất tâm huyết với công việc nhưng khi sáp nhập thì buộc phải nghỉ nên không khỏi băn khoăn”. Với vai trò là người đứng đầu Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận của thôn, ông Tiến chủ động đến trao đổi, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với những người đang đảm nhiệm công việc mà tập thể giao phó. Với người dân thì kiên trì tuyên truyền, giải thích để họ nắm được chủ trương, giải đáp những thắc mắc để đi đến đồng thuận. 

Nói về quá trình sáp nhập thôn, xóm, bà Hoàng Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã Linh Thông chia sẻ: “Một trong những vấn đề cần giải quyết thấu đáo là công tác nhân sự; sắp xếp, tổ chức lại đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở. Với Linh Thông, phương án là lấy nhân sự từ những thôn cũ nhằm phân vùng, giúp cán bộ vừa có thể bao quát, vừa bám nắm địa bàn. Chi ủy lâm thời mới sẽ gồm các bí thư chi bộ cũ lần lượt giữ vai trò: Bí thư, phó bí thư và trưởng ban công tác mặt trận. Sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ do chưa làm việc thường xuyên với nhau, có người cũ, người mới nên chắc chắn bộ máy chưa thể vận hành trơn chu ngay được. Khi ấy, vai trò của người đứng đầu chi bộ mới và cũ cần được phát huy, là trung tâm của sự đoàn kết”. ông Nguyễn Văn Hà, Bí thư Chi bộ thôn Nà Trú, xã Linh Thông, cho rằng: “Tuy sáp nhập thôn nhưng trên thực tế, trong tâm thế người dân vẫn còn tồn tại tư duy thôn cũ, người thôn cũ, cán bộ thôn cũ… công tác nhân sự không phù hợp dễ gây ra hiểu sai lệch, có yếu tố thiên vị địa phương. Do vậy cần phải làm thật kỹ lưỡng, cân nhắc chọn được người có năng lực, hiểu biết về cộng đồng dân cư, được đảng viên và nhân dân tín nhiệm”. 

Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa, sau khi sáp nhập xóm, tổ dân phố, để thành lập chi bộ mới thì cấp ủy cấp xã tiến hành chỉ định bí thư, phó bí thư. ông Đàm Tiến Niên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa nhận định: “Thời điểm này, khi chưa chính thức thực hiện sáp nhập, thực tế đội ngũ cán bộ ở một số xóm, bản có sự giao động nhất định, không tập trung vào công việc, kéo theo phong trào cơ sở thiếu sự sôi nổi, hoạt động cầm chừng. Huyện ủy Định Hóa đã chỉ đạo đảng bộ cấp xã tăng cường cán bộ xuống cơ sở, hỗ trợ công việc, duy trì và phát huy vai trò nòng cốt của các bí thư chi bộ nông thôn, tổ dân phố để tạo sự ổn định ở mỗi địa phương”. 

Định Hóa hiện có 435 xóm, tổ dân phố, trong đó 322 đơn vị có quy mô dưới 50% số hộ theo tiêu chuẩn của Bộ Nội vụ. Đến nay, huyện đã thực hiện quy trình sáp nhập 391 xóm, tổ dân phố để thành lập 181 xóm, tổ dân phố mới. Sau khi sáp nhập, toàn huyện sẽ còn 225 xóm, tổ dân phố, giảm 210 xóm tổ dân phố so với hiện nay.