HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh trong nhà trường. Đây là nội dung nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Nghị quyết thể hiện ý nghĩa nhân văn và tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về định hướng phát triển giáo dục, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng trong điều kiện đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên thực hiện nội dung này và trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về cơ chế khuyến khích dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.
Nội dung nghị quyết có 2 điểm nhấn quan trọng, đó là: Hỗ trợ cho giáo viên dạy môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 trong các cơ sở giáo dục công lập và hỗ trợ lệ phí thi cho học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý đạt chuẩn tiếng Anh quốc tế IELTS từ 4.0 trở lên. Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 52 tỷ đồng. Chủ trương này sau khi thông qua đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao của không chỉ giáo viên, học sinh mà của toàn xã hội.
Trường Tiểu học Lam Vỹ là một trong những cơ sở giáo dục của huyện Định Hóa sớm cho học sinh lớp 1 và 2 làm quen với chương trình tiếng Anh tự chọn. Nhà trường tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phụ huynh tự nguyện đóng góp kinh phí thuê giáo viên, với mức 220 nghìn đồng/cháu/năm học. Thực tế cho thấy, ở lứa tuổi đang phát triển ngôn ngữ nên việc sớm được tiếp cận với tiếng Anh khiến các cháu học sinh rất hào hứng và việc dạy học đạt hiệu quả tích cực.
Nói về chính sách hỗ trợ của tỉnh, thầy giáo Nguyễn Công Liệu, Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng: Đây chủ trương rất thiết thực, nhất là giảm gánh nặng đóng góp đối với các gia đình ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Đối với Trường Tiểu học số 1 Hóa Thượng (Đồng Hỷ), việc dạy học môn tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1 và 2 xuất phát từ nguyện vọng của phụ huynh và yêu cầu dạy môn ngoại ngữ ở bậc tiểu học. Căn cứ số lượng học sinh và mức lương giáo viên, Nhà trường tính toán mức đóng góp của mỗi cháu trong cả năm học. Cô giáo Nguyễn Thị Hà Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hóa Thượng cho biết: Chủ trương hỗ trợ vừa được HĐND tỉnh thông qua sẽ rất thuận lợi cho cả nhà trường, gia đình và có lợi cho bản thân giáo viên phụ trách dạy học tiếng Anh lớp 1 và 2.
Không chỉ với giáo viên dạy học môn tiếng Anh tự chọn lớp 1 và 2, chủ trương hỗ trợ lệ phí thi cho học sinh phổ thông có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng nhận sự quan tâm lớn. Tất cả học sinh được hỏi đều hào hứng với chính sách này. Em Trần Thị Phương Thảo, lớp 12A14, Trường THPT Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên) phấn khởi nói: Điều này sẽ đỡ một phần kinh tế cho gia đình, em quyết tâm đạt kết quả tốt để được hỗ trợ 100% lệ phí thi”.
Phía gia đình và nhà trường cũng rất đồng tình ủng hộ việc hỗ trợ lệ phí thi cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Ông Hoàng Văn Hoan ở tiểu khu Dộc Mấu, thị trấn Đu (Phú Lương), nói: Con tôi đang học lớp 12. Với mức lệ phí thi IELTS khoảng 5 triệu đồng hiện nay thì việc được hỗ trợ sẽ đỡ đáng kể gánh nặng kinh tế. Còn cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, dạy môn tiếng Anh, Trường THPT Lương Ngọc Quyến chia sẻ: Đây giống như một khoản học bổng để học sinh thêm động lực, cố gắng học tốt hơn môn tiếng Anh…
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh đạt chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên (hoặc tương đương) được miễn thi Ngoại ngữ và được tính 10 điểm cho môn thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Một số trường đại học cũng quy đổi điểm IELTS để xét tuyển đầu vào.