Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT) đi vào thực tiễn đã mang đến “luồng gió” đổi mới, tạo bước chuyển mạnh mẽ cho ngành Giáo dục TP. Phổ Yên.
Giáo viên các cấp học trên địa bàn TP. Phổ Yên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ lên lớp. |
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đến thời điểm hiện tại, phần lớn giáo viên ở các trường học trên địa bàn TP. Phổ Yên đã thực hiện nhuần nhuyễn ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tối đa hiệu quả của sách giáo khoa và các học liệu điện tử trong mỗi giờ học. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện được ngành Giáo dục TP. Phổ Yên đặc biệt quan tâm. Theo đó, các hình thức tổ chức dạy học được vận dụng linh hoạt một cách phong phú và đa dạng, phù hợp với từng bậc học.
Ở bậc mầm non, các trường học đã triển khai hiệu quả các chuyên đề: “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và mô hình phát triển vận động cho trẻ. TP. Phổ Yên đã tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 18 xã, phường; theo dõi chặt chẽ, phân tích số liệu cân đo trẻ để có khẩu phần ăn phù hợp; rà soát số liệu tình hình huy động trẻ đầu năm học.
Ở bậc phổ thông, các trường chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tăng cường tổ chức cho HS làm việc nhóm; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế.
Nhiều phương thức giáo dục tiên tiến được áp dụng hiệu quả như mô hình VNEN, bàn tay nặn bột, phương pháp dạy học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực của Đan Mạch, giáo dục STEM… Qua đó giúp HS rèn luyện, thực hành, làm bài tập ngay tại lớp, giảm áp lực phải học thêm, học bài tại nhà.
Trường Mầm non Đắc Sơn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, giám sát, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. |
10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dạy và học của từng nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của TP. Phổ Yên theo hướng phát triển toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đảm bảo; giáo dục phổ thông chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn được nâng lên, khẳng định được vị thế trong các địa phương của tỉnh. Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên có nhiều chuyển biến tích cực…
Qua đánh giá tại các nhà trường cho thấy trẻ mầm non được phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách. 100% trẻ mầm non đến trường được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non, được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường.
Số học sinh THCS đạt giải HS giỏi các cấp tiếp tục tăng. Trên 95% HS sau tốt nghiệp THCS vào học THPT và phân luồng đi học nghề. Tính từ năm 2015 đến nay, toàn thành phố có 68/68 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt 100%) và là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.
Trong 10 năm trở lại đây, TP. Phổ Yên đẩy mạnh việc sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hợp lý giữa quy mô, cơ cấu giữa các vùng miền.
Từ năm 2018 đến nay đã giảm 3 trường (2 trường mầm non và 1 trường tiểu học) theo Nghị quyết số 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hệ thống giáo dục ngoài công lập được khuyến khích đầu tư, phù hợp với lợi ích của người học, nguyện vọng của nhân dân. Toàn thành phố hiện có 7 nhóm lớp mầm non tư thục.
Chỉ tính trong 5 năm qua, TP. Phổ Yên đã xây dựng trên 600 phòng học với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm thành phố cũng dành kinh phí khoảng 30 tỷ đồng để đầu tư cải tạo, xây dựng, sửa chữa trường lớp. Với việc vận dụng linh hoạt các nguồn vốn và công tác xã hội hóa, TP. Phổ Yên đã đầu tư “thay áo mới” cho nhiều trường học.
Đồng chí Nguyễn Thị Lượng, Trưởng Phòng GDĐT TP. Phổ Yên, nhận định: Luồng gió đổi mới giáo dục đã làm thay đổi tư duy, thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục. Đổi mới giáo dục cũng làm thay đổi thái độ, động cơ học tập của người học, hướng đến học thật, thi thật, học để có kiến thức, năng lực thực hành trong thực tế. Đó cũng là hành trang, động lực để Phổ Yên tự tin triển khai Chương trình đổi mới giáo dục trong lộ trình tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin